Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Tài chính số giúp thúc đẩy tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tài chính số đã được chứng minh giúp giảm bớt các rào cản chính trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, qua đó giúp tăng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính có chất lượng cho người dân.

Hành trình khởi đầu cho những hoạt động tiếp

Sáng 23/5, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Quỹ châu Á (TAF) và Mastercard với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao thương mại Úc đã tổ chức tổ chức Tọa đàm “Tăng cường tài chính số - Thúc đẩy tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam”.

Tại Tọa đàm, ông David Gottlieb, tham tán kinh tế, Sứ quán Úc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Đây là hành trình khởi đầu cho những hoạt động tiếp theo”.

Thông tin tại Tọa đàm, NHCSXH cho biết, Ngân hàng đã có những quyết sách để giúp khách hàng của mình là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là phụ nữ từng bước tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động.

Với sự hỗ trợ và hợp tác của Bộ Ngoại giao thương mại Úc, TAF, Mastercard và các đối tác công nghệ, dự án Mobile Banking đã thúc đẩy và hỗ trợ hiệu quả NHCSXH phát triển thành công nền tảng tài chính số phù hợp với các đối tượng phục vụ của mình.

Quá trình triển khai các dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động bắt đầu từ việc triển khai dịch vụ Tin nhắn SMS cho khách hàng của NHCSXH; tiếp đó là thí điểm triển khai Ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách dành cho những người làm công tác quản lý tín dụng chính sách và Tổ trưởng tổ Tiết kiệm Vay vốn; và gần đây nhất là Ứng dụng VBSP SmartBanking.

Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Trần Ngọc Hiển, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Hội phụ nữ ấp Trường Phú 1, huyện Phong Điền, Cần Thơ nhớ lại, trước đây một ngày đi thu tiền mấy chục hộ nhưng ban ngày người ta đi làm, không thu được tiền nên cứ đến buổi tối là đi thu tiền đến 9-10 tối mới về đến nhà. Rồi có lúc thu tiền thiếu, có lúc thu tiền lại thừa…

“Ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách đúng là cứu cánh. Giờ tôi hết phải tính nhẩm cộng trừ nhân chia, khỏe hơn nhiều”, bà Hiển cho biết.

Cô Nguyễn Thanh Hương, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Ale A, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk cho biết, ban đầu thấy cũng khó, dễ bấm nhầm, nhất là khi nhập lãi và tiền tiết kiệm cho tổ viên, nhưng dần dần, sau 2 tháng thao tác các tính năng trên ứng dụng đã nhanh hơn.

“Quả thực khác biệt nhiều lắm, bởi trước đây phải nhẩm tính cộng trừ trên giấy các khoản tiền khách hàng giao nộp, khó mà tránh khỏi nhầm lẫn, sai sót. Giờ không cần phải tính toán gì hết, công việc trở nên đơn giản, nhẹ hơn rất nhiều. Đến ngày giao dịch, chỉ cần nộp chuyển khoản số tiền thu được cho ngân hàng, chờ cán bộ tín dụng soát lại là xong”, cô Thanh nói.

Cũng đề cập đến sự hữu ích của ứng dụng số, chị Nguyễn Thị Thanh Trà, làng Tân Kỳ, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị mang đến câu chuyện khác. Chị Thanh Trà bắt đầu thử nghiệm mô hình trồng nấm sò thương mại gần chục năm nay do thời tiết Gio Linh khá hợp cho nấm sò phát triển. Giai đoạn đầu, chị Thanh Trà xoay xở với đồng vốn từ gia đình và họ hàng rồi dần dần sản phẩm nấm sò của chị Thanh Trà được người dân địa phương biết đến và rất ưa chuộng. Thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng nhưng các tháng cao điểm, chị Trà còn phải bổ sung lao động địa phương.

Nói về thành quả đạt được, chị Trà nói: “Mình học được nhiều lắm, coi người ta chia sẻ kinh nghiệm quá trình làm kinh tế như thế nào… và tất cả đều có trên mục Cẩm nang điện tử của ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách của Ngân hàng chính sách xã hội. Tôi học hỏi được nhiều từ các tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất…”.

Ông David Gottlieb, tham tán kinh tế, Sứ quán Úc tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Ông David Gottlieb, tham tán kinh tế, Sứ quán Úc tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Thành quả và thách thức phía trước

Ông Hoàng Minh Tế, Phó tổng giám đốc NHCSXH cho biết, với sự hỗ trợ của Dự án, từ năm 2017, NHCSXH đã tiến hành triển khai công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, bắt đầu với dịch vụ tin nhắn SMS với nội dung nhắc lịch trả nợ, nhắc nợ và số dư tài khoản hàng tháng. Qua đó, nâng cao được tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, giúp khách hàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện, đồng thời cải thiện chất lượng tín dụng và tăng hiệu quả chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng.

Năm 2021, Quản lý tín dụng chính sách được triển khai xây dựng với mục đích hỗ trợ người dùng là cán bộ NHCSXH và các đối tượng tham gia quản lý tín dụng chính sách tương tác, theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế, giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ của các tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt tín dụng chính sách được triển khai nhanh chóng, thuận lợi, tiết giảm chi phí, nhân lực nhưng đạt hiệu quả cao.

Sau đó, nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ tiên tiến, tăng cường và cải thiện sự tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người nghèo và các đối tượng yếu thế, NHCSXH ra mắt ứng dụng VBSP SmartBanking - dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động thông minh (Mobile banking) giúp khách hàng giao dịch với NHCSXH mọi lúc, mọi nơi.

Được biết, dịch vụ tin nhắn SMS sau gần 4 năm triển khai dịch vụ, tính đến tháng 6/2022, đã có gần 32 triệu tin nhắn được gửi thành công đến gần 5,9 triệu khách hàng có đăng ký số điện thoại di động với Ngân hàng (chiếm 90% tổng số khách hàng của NHCSXH). Đối với khách hàng, nhận tin nhắn thông báo một tháng trước ngày trả nợ và đóng tiết kiệm đã giúp họ chủ động hơn và lập kế hoạch tốt hơn trong quản lý và tài chính và tiết kiệm.

Trong khi đó, sau gần 02 năm triển khai, đến nay Ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách đã có 47.786 người/26 tỉnh, thành phố dùng, trong đó có hơn 25.759 là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ứng dụng này đều dễ dàng tải xuống qua điện thoại thông minh, cho phép cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội, Ban đại diện, Hội đồng quản trị NHCSXH, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, Trưởng thôn, cán bộ giảm nghèo của địa phương có thông tin kịp thời và thực hiện hiệu quả hơn các nghiệp vụ trong quy trình cho vay và quản lý tín dụng chính sách.

Còn Ứng dụng VBSP Smartbanking đã có 75.000 tài khoản, phát sinh hơn 642.000 giao dịch, tương ứng với số tiền hơn 5.400 tỷ đồng sau 3 tháng triển khai. Ứng dụng VBSP SmartBanking bước đầu hứa hẹn các tác động tích cực, giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn nữa với các dịch vụ tài chính đa dạng và hiệu quả, góp phần kết nối người dân ở các địa bàn của NHCSXH với nền kinh tế số.

Phát biểu tại sự kiện, ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước nói: “Mặc dù nhiều kết quả đáng khích lệ đã đạt được nhờ có tài chính số, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra và cần có biện pháp củng cố như vấn đề về quản lý, giám sát, bảo mật, minh bạch thông tin, an toàn hệ thống, chất lượng cơ sở hạ tầng, cũng như niềm tin, hiểu biết, năng lực của khách hàng vào hệ thống tài chính – ngân hàng và bảo vệ người tiêu dùng tài chính để có thể tối đa hóa được những lợi ích mà tài chính toàn diện số mang lại”.

Bà Winnie Wong, Giám đốc quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào nêu quan điểm: “Khởi đầu luôn là sự khó khăn, sau đó sẽ thuận lợi hơn, dễ dàng hơn trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau”.

Tin bài liên quan