Với việc thực thi trần lãi suất 14%/năm bị giám sát chặt chẽ hơn bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đã có những dấu hiệu cho thấy có sự dịch chuyển dòng vốn tiết kiệm từ ngân hàng nhỏ sang ngân hàng lớn. Sau đó, lại thêm việc lãi suất không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng cũng bị áp trần 6%/năm nữa thì việc căng thẳng thanh khoản của ngân hàng nhỏ là không khó dự đoán. Khi mà vũ khí cạnh tranh về giá của ngân hàng nhỏ đã bị ngân hàng lớn "tước mất" và buộc họ phải "thi đấu cùng một hạng cân" với ngân hàng lớn trong chuyện huy động vốn từ dân chúng, thì ngân hàng nhỏ buộc phải chuyển qua cạnh tranh huy động vốn từ liên ngân hàng.
Trong vài năm gần đây, giai đoạn cuối năm thường diễn ra các cuộc chạy đua lãi suất, cho nên những diễn biến vừa qua có thể chỉ là "khúc dạo đầu". Bất kể là chạy đua lãi suất huy động hay lãi suất liên ngân hàng thì đây cũng là biểu hiện của căng thẳng thanh khoản từ các ngân hàng nhỏ. Nguyên nhân sâu xa của chuyện này đã được nhiều chuyên gia chỉ ra từ lâu: số ngân hàng hiện tại trong nền kinh tế quá lớn (hơn 100 ngân hàng nếu tính cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài), chênh lệch lớn trong cấu trúc kỳ hạn của tài sản có với tài sản nợ, đồng thời các giải pháp phòng ngừa rủi ro thanh khoản khác, dự trữ thanh khoản không được các ngân hàng nhỏ thực thi nghiêm túc.
Khi kinh tế tăng trưởng tốt thì các ngân hàng vẫn có thể xoay xở, có chạy đua lãi suất thì cũng không để lãi suất tăng lên những con số quá lớn, nhưng khi kinh tế trở xấu, khách hàng không trả được nợ thì "bệnh" của ngân hàng bắt đầu bộc lộ, mà nợ xấu tăng và thanh khoản giảm là "triệu chứng" thường thấy. Giải pháp cho chuyện này trước mắt vẫn phải trông chờ NHNN bơm thanh khoản ra thị trường bằng nhiều giải pháp.
Trong trường hợp cấp bách của cơn khủng hoảng tài chính vừa qua ở Mỹ và Anh, khi thanh khoản căng thẳng ở đỉnh điểm vào năm 2008, nhiều biện pháp bơm tiền ra hệ thống và quốc hữu hóa ngân hàng đã được thực hiện. Ví dụ như khi ngân hàng bị khủng hoảng thanh khoản thì Fed đã phải bỏ tiền ra mua lại trái phiếu chính phủ và các tài sản có vấn đề của các ngân hàng gặp rắc rối. Nhưng hiện tại, Việt Nam còn bị thêm một trở ngại khác là lạm phát đang cao, bơm tiền ra cho NHTM theo kiểu Anh và Mỹ có nguy cơ đẩy lạm phát càng cao. Huống chi thực tế cho thấy, bơm tiền kiểu Anh và Mỹ không đem lại nhiều hiệu quả cho nền kinh tế và để lại những hậu quả nặng nề với niềm tin vào đồng tiền và khả năng can thiệp của chính phủ.
Vì vậy, với điều kiện của Việt Nam hiện tại, không thể chỉ nhờ NHNN bơm thanh khoản ra là được, mà còn phải có giải pháp mua lại tài sản của các ngân hàng có vấn đề. Nói như ý kiến của nhiều chuyên gia hiện nay là phải tái cấu trúc và giảm số lượng ngân hàng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu để các ngân hàng quốc doanh đứng ra mua lại hay tiếp quản tài sản của ngân hàng yếu thì lại là động thái quốc hữu hóa ngân hàng. Đó không phải là lựa chọn tốt và đi ngược lại xu hướng cổ phần hóa DNNN.
Một lựa chọn khác là cần tạo ra cơ chế để NHNN mua lại phần tài sản của các ngân hàng yếu để đổi lại phần tái cấp vốn cho họ. NHNN sẽ phát hành trái phiếu trên phần tài sản đó để bán lại cho các ngân hàng tư nhân, ngân hàng nước ngoài và trái phiếu đó do Chính phủ đảm bảo. Nếu phát hành trái phiếu và đặt một mức lãi suất thấp cho loại trái phiếu này thì thực chất là Chính phủ đi vay lãi suất thấp từ dân và nước ngoài để cho ngân hàng nhỏ vay. Điều này tất yếu làm gánh nặng nợ công tăng lên và không chắc có ai chịu mua các trái phiếu đó, trừ khi bị "ép".
Một biến thể của phương thức này là NHNN tái cấp vốn cho một loạt ngân hàng nhỏ đến một mức mà NHNN nắm quyền quyết định, rồi gói một gói các khoản vốn này lại và phát hành cổ phiếu trên gói này. Nói nôm na là NHNN đi "thôn tính" và sáp nhập các ngân hàng nhỏ và yếu kém lại rồi tạo ra một ngân hàng mới, phát hành cổ phiếu để bán quyền quản lý những ngân hàng này cho các ngân hàng khác. Điều này cho phép các NHTM tư nhân nhảy vào chiếm chỗ trong ngân hàng mới tạo ra này. Ngân hàng mới này về mặt vốn điều lệ và mạng lưới có thể đủ vững mạnh để cạnh tranh với các ngân hàng lớn hiện tại. Điều này tất nhiên đòi hỏi một trạng thái quốc hữu hóa tạm thời các ngân hàng yếu, nhưng quan trọng là phải đặt ra một lộ trình rõ ràng trong việc phát hành cổ phiếu của ngân hàng mới tạo ra. Quan trọng là làm sao để tránh chuyện biến các ngân hàng yếu thành một loại ngân hàng quốc doanh mới với vốn lớn, mà nợ xấu cũng lớn tới mức "không cứu không được".
Dù chọn giải pháp nào, bơm tiền ra hệ thống, quốc hữu hóa các ngân hàng yếu, mua lại tài sản rồi phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu, thì cũng có ưu nhược điểm. Vấn đề là NHNN cần lựa chọn dứt khoát một giải pháp dựa trên tham vấn các chuyên gia và cần phải tiết kiệm thời gian. Câu chuyện tái cấu trúc ngân hàng đã được nói đến rất nhiều năm nay nhưng đã không thay đổi bao nhiêu. Quá trình tái cấu trúc rất phức tạp, tốn thời gian và hiện là thời điểm quan trọng để thực hiện một cách quyết liệt, dứt khoát.
Nhưng nói từ chuyện thanh khoản tới chuyện tái cấu trúc ngân hàng thì có vẻ các ngân hàng nhỏ bị chỉ trích quá nhiều, còn ngân hàng lớn thì "ẩn sau màn nhung". Rõ ràng là ngân hàng nhỏ "làm liều" phải bị chế tài, nhưng ngân hàng lớn "làm bậy" thì sao? Vì sao các ngân hàng lớn dám cho những ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản vay với lãi suất 20 - 40%/năm? Họ không sợ các ngân hàng nhỏ đang chơi một trò chơi ponzi - vay tiền ngân hàng này để trả lãi ngân hàng kia hay sao? Hay vì các ngân hàng lớn cho rằng, trước sau NHNN cũng phải cứu ngân hàng nhỏ nên cứ việc thoải mái bắt ép các ngân hàng nhỏ?
Nếu ngân hàng lớn nhờ quản trị thanh khoản tốt, quảng bá thương hiệu tốt mà có vốn lớn, thanh khoản dồi dào và được người dân gửi tiền thì đương nhiên có quyền tận dụng sai sót của đối thủ cạnh tranh mà hưởng lợi. Nhưng nếu ngân hàng lớn là nhờ đặc quyền, đặc lợi mà có vốn giá rẻ và quy mô lớn thì không đáng được duy trì cái vị trí ngân hàng lớn của mình và cũng cần được tái cấu trúc. Đó là chưa kể nếu ngân hàng lớn cho vay nhiều mà nợ xấu cũng lớn thì càng đáng bị tái cấu trúc. Một số NHTM quốc doanh lớn vì vậy cũng cần nằm trong danh mục tái cấu trúc lần này. Trước mắt, cần làm rõ danh mục cho vay của các ngân hàng quốc doanh đang nắm giữ những khoản nợ của các tập đoàn, tổng công ty nào và những khoản nợ đó có phải còn khả năng trả nợ hay đã thành nợ có khả năng mất vốn? Bao nhiêu phần trăm những khoản nợ của các tập đoàn như EVN, Vinashin là do những ngân hàng quốc doanh cung cấp và họ đã quản lý tín dụng của mình như thế nào?
Tóm lại, rõ ràng ngành ngân hàng đứng trước yêu cầu "tái cấu trúc". Nhưng tái cấu trúc từ đâu? Thiết nghĩ, ngân hàng nhỏ yếu ớt thì có thể tái cấp vốn và cho sáp nhập hoặc mua lại. Nhưng ngân hàng quá lớn mà yếu ớt, sống nhờ đặc quyền đặc lợi thì chẳng lẽ phải bơm tiền cho họ mãi? Cho nên, nếu thật sự là tái cấu trúc, phải xuất phát từ ngân hàng yếu, bất kể lớn hay nhỏ. Muốn biết ai mạnh ai yếu, cần làm một cuộc kiểm tra toàn diện ngành ngân hàng và minh bạch hóa số liệu. Châu Âu và Mỹ đều đã tiến hành các đợt "kiểm tra sức chịu đựng" (stress test) để đánh giá sức đề kháng của các ngân hàng trước biến động xấu của thị trường. Việt Nam cũng có thể làm như vậy để phơi bày đâu là ngân hàng khỏe, đâu là ngân hàng yếu cho công chúng biết. Ngân hàng yếu phải được tái cấu trúc, bất kể quy mô ra sao.