Tái cấu trúc ngân hàng, những thách thức mới

Tái cấu trúc ngân hàng, những thách thức mới

(ĐTCK) Nhiều chuyên gia kinh tế đang quan ngại về những thách thức mới trong triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015, lộ trình thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng năm 2013...

Tái cấu trúc ngân hàng, những thách thức mới ảnh 1

Tích tụ năng lực tài chính bằng hình thức tăng vốn là một cố gắng lớn của các cổ đông

Thành công bước đầu

Ngân hàng Nhà nước đánh giá, về cơ bản, các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục hoạt động ổn định, chất lượng hoạt động đang dần được cải thiện, bước đầu cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và danh mục tài sản, định hướng chiến lược kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh...

Nhìn lại chặng đường sau 2 năm tái cơ cấu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc SCB chia sẻ, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng quá trình tái cấu trúc của SCB thời gian qua đã đi theo đúng định hướng của NHNN và đạt được những thành quả nhất định.

Thứ nhất, việc tái cơ cấu đã góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, tạo dựng niềm tin cho khách hàng. Thứ hai, SCB trả được toàn bộ tái cấp vốn hơn 20.000 tỷ đồng cho NHNN. Thứ ba, SCB đã cân bằng được trạng thái vàng.

Thứ tư, trong quá trình tái cơ cấu, SCB liên tục báo cáo tình hình hoạt động và các diễn biến của thị trường cho NHNN TP. HCM và nhận được chỉ đạo sát sao của cơ quan quản lý nên đã từng bước khắc phục được khó khăn và cơ cấu lại bảng cân đối kế toán theo hướng an toàn, hiệu quả hơn.

Thứ năm, NHNN đã thu xếp trên thị trường liên ngân hàng để các đối tác yên tâm khi giao dịch với SCB và Ngân hàng đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ đúng hạn.

 

Cấu trúc sở hữu chéo mới

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Fulbright, một nội dung quan trọng trong Đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là tái cấu trúc không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, mà còn lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng với hệ thống quản trị mới, cũng như thay đổi cấu trúc sở hữu đặc biệt là khắc phục vấn đề sở hữu chéo.

Sở hữu chéo là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng yếu kém của hệ thống ngân hàng và nợ xấu hiện nay.

Thời điểm năm 2011, có những ngân hàng yếu kém, mất thanh khoản, đòi hỏi NHNN phải hỗ trợ. Với sự hỗ trợ của NHNN, tình hình thanh khoản đã được cải thiện, rủi ro đổ vỡ giảm đáng kể. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu sở hữu trước và sau khi tái cấu trúc, có những ngân hàng được hợp nhất, nhưng cơ cấu sở hữu không thay đổi.

Cụ thể, các nhóm cổ đông và đằng sau các nhóm cổ đông là các DN phi tài chính nắm quyền kiểm soát các ngân hàng này, nay tiếp tục nắm quyền kiểm soát.

Như vậy, sở hữu chéo đó không thay đổi. Đồng thời, một số ngân hàng yếu kém được các nhóm cổ đông mới tham gia, nếu thực sự góp tiền thật để vực dậy ngân hàng, thì số tiền đó vượt quá giới hạn cho phép. Để không vượt quá giới hạn cho phép thì phải tham gia dưới nhiều nhóm cổ đông khác nhau, thông qua nhiều tổ chức khác nhau, nhưng các tổ chức này thực tế có liên quan với nhau.

“Như vậy, một cấu trúc sở hữu chéo cũ thay thế bằng một cấu trúc sở hữu chéo mới. Có những ngân hàng được tái cấu trúc nhưng thông qua không phải là tiền thực. Một nhóm DN cũ thay đổi tên, nhưng thực chất vẫn là những cổ đông cũ của ngân hàng”, ông Thành nhấn mạnh.

 

Sở hữu chéo: nên xem xét trong hoàn cảnh hiện tại

Về vấn đề này, ông Văn chia sẻ: “Hiện nay, theo quy định của NHNN, các cổ đông không được dùng cổ phiếu để mang đi repo, vay nợ xoay vòng nhằm tăng vốn tại TCTD.

Trong bối cảnh hiện nay, việc các TCTD tích tụ năng lực tài chính bằng hình thức tăng vốn là một cố gắng rất lớn của các cổ đông và nên được xã hội khuyến khích, đánh giá một cách công bằng”.

Theo một chuyên gia kinh tế, việc tăng vốn tại các TCTD được Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN theo dõi và kiểm tra rất kỹ lưỡng về nguồn tiền. Các giao dịch của các bên liên quan, hoặc các khách hàng, nhóm công ty có liên hệ với nhau đều được Cơ quan Thanh tra giám sát và Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) giám sát kỹ.

Mặt khác, theo Luật Các TCTD mới có hiệu lực từ năm 2011, các TCTD không được sở hữu cổ phiếu lẫn nhau (các TCTD còn sở hữu cổ phiếu lẫn nhau hiện nay là do các giao dịch trong quá khứ). Do đó, khái niệm sở hữu chéo nên được xem xét trong hoàn cảnh hiện nay cho phù hợp với tình hình mới.

“Đặc điểm của nền kinh tế thị trường cho thấy, các cổ đông khác nhau cùng hợp tác với nhau khi có mục tiêu lợi ích chung là vấn đề thương mại bình thường và phù hợp với thông lệ thị trường ở tất cả các nơi trên thế giới”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.

Thực tế, kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn là một điều kiện không thuận lợi cho các TCTD trong quá trình tái cơ cấu. Thị trường bất động sản bị đóng băng quá lâu, các thủ tục pháp lý liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo rườm rà, quá nhiều khâu trung gian gián tiếp, làm tốc độ xử lý nợ xấu chậm và kéo dài. Đối với các TCTD, điều quan trọng hiện nay là cần có nguồn vốn mới để có thể nhanh chóng xử lý các khoản nợ xấu, do đó việc tăng vốn điều lệ của các TCTD là điều nên khuyến khích.

Bên cạnh đó, áp lực trả cổ tức mặc dù không quá nặng nề như trước đây, nhưng vẫn là gánh nặng cho các TCTD.

Lịch sử tại các thị trường tài chính quốc tế cho thấy, trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng, các cơ quan quản lý thường không cho phép các TCTD chi trả cổ tức, mà lợi nhuận thường được giữ lại để nâng cao năng lực tài chính cho chính TCTD. Đây cũng là vấn đề mà NHNN cần xem xét.