Ông Nirukt Sapu
Nhìn lại 3 năm (2011 - 2015) thực hiện tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông có bình luận gì?
Tiến trình này nói chung đã có những kết quả bước đầu khá tốt, tuy nhiên, hệ thống ngân hàng vẫn chưa hoàn toàn được tái cấu trúc. Do vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước nhưng phải nhìn nhận đây là một quá trình cần có nhiều thời gian.
Dưới góc độ của Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG), chúng tôi khuyến nghị Chính phủ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa những biện pháp đang được thực hiện nhằm củng cố lĩnh vực ngân hàng, cải thiện tính thanh khoản, tập trung hơn nữa vào các ngân hàng có nguồn vốn tốt và đảm bảo rằng các hoạt động cho vay không hiệu quả trong quá khứ không bị lặp lại.
Cụ thể hơn, theo ông, tái cấu trúc thời gian qua đã mang đến những cơ hội gì cho ngành ngân hàng?
Sự hiện diện của các ngân hàng là để phục vụ cho xã hội, phục vụ cho các cá nhân và DN tại địa phương. Do đó, điều quan trọng đối với các ngân hàng là phải có nguồn vốn tốt và hoạt động vững mạnh, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao.
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sức khỏe của lĩnh vực ngân hàng đang được cải thiện, các nhà băng cũng được cấp vốn ngày một tốt hơn, nhờ vậy, họ hiện đang ở một vị thế tốt để đầu tư và hỗ trợ khách hàng.
Bên cạnh đó, cũng có những vấn đề cần phải được đề cập đến. Ví dụ như, chúng ta có thể thấy rõ rằng hoạt động cấp vốn cho các ngân hàng cần phải được tiếp tục cải thiện, các dịch vụ dành cho khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), khách hàng bán lẻ hay khách hàng DN lớn cần phải được cải thiện hơn nữa.
Vậy đối với những tồn tại, đâu là phương án giải quyết?
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hiểu rõ về các thách thức và đang dần cải thiện lĩnh vực ngân hàng. Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ và NHNN đẩy mạnh hơn nữa quá trình này, mặc dù đây là một tiến trình không dễ dàng, liên quan đến nhiều bên nhưng nó sẽ tạo ra những thay đổi tích cực.
Một trong những điểm chính của quá trình tái cơ cấu là xử lý nợ xấu. Với con số nợ xấu đã được xử lý tính đến thời điểm hiện nay so với giai đoạn đầu tái cơ cấu, ông có bình luận gì?
Việt Nam đã lựa chọn cách giải quyết là thành lập công ty quản lý nợ VAMC và mua lại nợ xấu của các ngân hàng, qua đó bắt đầu quá trình giải quyết thách thức lớn của tái cơ cấu: nợ xấu. Bên cạnh nhiều thành quả đã đạt được thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm, tuy nhiên cũng không thể giải quyết xong trong một sớm, một chiều.
Tái cơ cấu, không chỉ là câu chuyện hợp nhất, sáp nhập, xử lý nợ xấu mà điểm chính là quản trị ngân hàng, minh bạch… Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Không có giới hạn nào đối với tính minh bạch vì luôn có những khía cạnh mà bạn có thể cải thiện. Đối với quản trị doanh nghiệp cũng như vậy. Ngay cả khi bạn nhìn vào những nước phát triển nhất trên thế giới, vẫn luôn tồn tại những khía cạnh về tính minh bạch và năng lực quản trị họ có thể cải thiện hơn nữa.
Theo tôi, chúng ta không nên đánh giá khi nào thì những quá trình này kết thúc, mà cái chúng ta cần đánh giá là liệu các biện pháp cần thiết đã được thực hiện để cải thiện hơn nữa vấn đề này chưa? Chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến, tuy nhiên còn hơi chậm.
Trong thời gian tới, nhiều lĩnh vực sẽ phải chịu thêm áp lực cải thiện năng lực quản trị và tính minh bạch khi các hiệp định như Hiệp định TPP, Khối kinh tế chung ASEAN hay Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu đi vào thực tiễn.
Cũng liên quan đến câu chuyện minh bạch, NHNH đã nhiều lần thúc giục, yêu cầu các ngân hàng phải niêm yết trên sàn, tuy nhiên đến nay chỉ có 1/3 các ngân hàng đã lên sàn. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?
Mỗi ngân hàng, DN sẽ có chiến lược riêng của mình. Cho dù còn băn khoăn trong việc có nên niêm yết hay không, thì các nhà băng vẫn cần nhìn nhận tính minh bạch và năng lực quản trị là những khía cạnh phải chú trọng.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm là việc ngân hàng có niêm yết hay không không liên quan nhiều đến việc cải thiện tính minh bạch và khả năng quản trị. Thách thức của lĩnh vực ngân hàng là mở của cho đầu tư nước ngoài và khi mảng đầu tư này gia tăng, chất lượng của hệ thống ngân hàng sẽ được cải thiện.
Kinh nghiệm nào ông có thể chia sẻ trong việc quản trị ngân hàng và minh bạch?
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, quản trị ngân hàng, đảm bảo tính minh bạch sẽ là lĩnh vực cần được chú trọng. Cụ thể như từ vấn đề mua sắm đến công bố báo cáo tài chính,… các ngân hàng cần phải tập trung đảm bảo rằng đội ngũ quản lý hiểu và cam kết cải thiện tính minh bạch.
Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là các ngân hàng có nhận ra lợi ích của việc cải thiện tính minh bạch hay không? Theo tôi, dù sao chúng ta cũng sẽ thay đổi và dần nhận ra được những lợi ích của việc cải thiện tính minh bạch và năng lực quản trị.