Nâng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài là một trong những biện pháp tái cấu trúc ngân hàng của Thái Lan

Nâng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài là một trong những biện pháp tái cấu trúc ngân hàng của Thái Lan

Tái cấu trúc ngân hàng - kinh nghiệm từ Thái Lan

(ĐTCK) Năm 1997, kinh tế rơi vào khủng hoảng, NHTW Thái Lan đã chuyển sang điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế tiền tệ mục tiêu.

Năm 1997, nền kinh tế Thái Lan rơi vào khủng hoảng, NHTW Thái Lan (BoT) đã chuyển sang điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế tiền tệ mục tiêu

Chiến lược khẩn cấp

Ngay khi khủng hoảng xảy ra, Thái Lan công bố một chiến lược khẩn cấp về tái cơ cấu khu vực tài chính - ngân hàng toàn diện, bao gồm 3 vấn đề chính:

- Một là, tăng cường thanh tra giám sát: Thành lập Cơ quan Tái cơ cấu khu vực tài chính (FRA) và Công ty Quản lý tài sản (AMC). Trong đó, FRA có trách nhiệm đánh giá đề xuất khôi phục các ngân hàng, công ty tài chính bị đóng cửa và tiếp tục giám sát tài sản những công ty khác trong diện nghi ngờ; còn AMC quản lý các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp tài chính khi tỷ lệ nợ xấu của khối ngân hàng lên đến 15%.

- Hai là, tái cấu trúc hệ thống tài chính: Thực hiện giải thể 58 chi nhánh ngân hàng và công ty tài chính, 7 ngân hàng trong nước đã phải chuyển đổi theo hình thức mua lại hoặc sáp nhập. Cụ thể, ở giai đoạn từ đầu năm 1997 đến tháng 8/1998, BoT tiến hành giải quyết từng bước các vấn đề thanh khoản của các NHTM vừa và nhỏ.

Vào 3 tháng cuối năm 1997, BoT yêu cầu những định chế tài chính có vốn dưới chuẩn phải cơ cấu lại nguồn vốn, nhằm khôi phục sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Bốn NHTM trong nước là Bangkok Metropolitan Bank (BMB), BBC, Siam City Bank (SCIB) và First Bangkok City Bank (FBCB) bị đánh giá là vốn dưới chuẩn, do không đáp ứng được các quy định trong trích lập dự phỏng rủi ro. Vì vậy, vào tháng 5/1998, BoT đã can thiệp vào 4 ngân hàng này bằng cách giảm vốn sở hữu đến mức tối thiểu nhằm xóa bỏ nợ xấu. BoT thực hiện chuyển các khoản vay từ Quỹ Phát triển các định chế tài chính (FIDF) - trực thuộc BoT, thành nguồn vốn và bơm thêm vốn bổ sung. Nhưng nguồn vốn hiện có là rất hạn chế, chính vì vậy, Thái Lan đã phải tìm đến nguồn vốn quốc tế, với việc tự do hóa hoàn toàn trong 10 năm đối với các khoản đầu tư nước ngoài cho khu vực tài chính ngân hàng.

Chính phủ nước này mở rộng cơ hội đầu tư nước ngoài bằng những liên doanh liên kết hoặc mua bán các định chế trong nước, với việc nới lỏng quy chế, tăng mức sở hữu tối thiểu cổ phần ngân hàng trong nước của doanh nghiệp nước ngoài từ 25 lên 50%, điển hình là 4 ngân hàng Bangkok Bank (BBL), TFB, SCIB và Nakornthon Bank (NTB), trong đó BBL và TFB tăng cả vốn cấp 1 và cấp 2 trên thị trường quốc tế.

- Ba là, kiểm soát nợ xấu: Tháng 3/1998, BoT ban hành các quy định phân loại nợ và dự phòng rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế cho hệ thống ngân hàng tài chính, trong đó yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cho tất cả các khoản vay quá hạn trên 6 tháng và nghiêm cấm phân bổ lãi suất của các khoản vay này.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi khách hàng, BoT không thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, ủy quyền cho FIDF cung cấp bảo hiểm toàn phần cho khách hàng gửi và vay tiền ở những ngân hàng hay tổ chức tài chính bị đóng cửa. Đối với các nhà đầu tư mua lại các ngân hàng sở hữu nhà nước, FDIF bảo đảm bồi thường lỗ từ những món nợ xấu thông qua chính sách duy trì lợi nhuận và chia sẻ lãi lỗ.

Các ngân hàng phải tập trung phân tán rủi ro bằng việc quy định hạn mức cho vay đối với một khách hàng không quá 25% vốn tự có, các khoản nợ ngoài bảng tổng kết tài sản hạn chế dưới 50% tổng số vốn. Hơn nữa, các ngân hàng không được đầu tư quá 20% tổng số vốn vào cổ phiếu, giấy chứng nhận nợ của một công ty, tỷ lệ dự trữ thanh khoản theo quy định là 7%, trong đó 2% tiền gửi tại NHTW, tối đa không quá 2,5% tiền mặt, còn lại dưới dạng chứng khoán. Bên cạnh đó, ngân hàng phải thực hiện lập 100% dự phòng đối với những tài sản có rủi ro, còn các ngân hàng bị đóng cửa phải tăng vốn điều lệ lên 15% tổng vốn thì mới có thể tiếp tục hoạt động.

Tái cấu trúc dựa theo cơ chế thị trường

Tuy nhiên, trong một năm thực hiện nhiều biện pháp tác động vào khu vực tài chính để cứu nền kinh tế khỏi suy thoái, Thái Lan vẫn chìm trong khủng hoảng. Vì vậy, tháng 8/1998, BoT đã đưa ra giải pháp tái cấu trúc ngân hàng có hệ thống dựa theo cơ chế thị trường. Chương trình trọng tâm vào 3 vấn đề: (i) giải quyết khủng hoảng, (ii) ổn định cơ sở tiền gửi của các ngân hàng, (iii) khôi phục dòng tín dụng cho các khu vực sản xuất của nền kinh tế. Kế hoạch này gồm 4 phần:

- Tiêu chuẩn hóa tỷ lệ an toàn vốn (CAR): CAR phải duy trì ở mức 8,5% đối với các ngân hàng (cao hơn so với tiêu chuẩn quốc tế Basel) và 8% cho các công ty tài chính. Nhưng yêu cầu vốn cấp 1 cho các ngân hàng phải giảm từ 6% đến 4,25%, vốn cấp 2 tăng từ 2,5% đến 4,25% theo tiêu chuẩn của Basel và trích lập dự phòng rủi ro là 1%.

- Thực hiện các công cụ hỗ trợ về vốn: Mục tiêu của các chính sách hỗ trợ vốn là khuyến khích các NHTM và công ty tài chính cơ cấu lại nguồn vốn để khôi phục và duy trì thanh khoản. Đối với chính sách về vốn cấp 1, Chính phủ Thái Lan sẽ mua cổ phần, trái phiếu để tăng tỷ lệ vốn cấp 1 theo quy định. Về vốn cấp 2, Chính phủ thực hiện bơm vốn thông qua trao đổi trái phiếu chính phủ không giao dịch cho các khoản vay ngân hàng ở mức tối đa 2% so với tài sản rủi ro.

- Thành lập các công ty quản lý tài sản tư hữu: Chính phủ đưa ra một cơ chế loại bỏ các tài sản xấu từ bảng cân đối của các ngân hàng tư nhân, thông qua các công ty quản lý tài sản tư được sở hữu hoàn toàn bởi các định chế tài chính mẹ. Các tổ chức này như một kênh giúp các ngân hàng tách tài sản tốt khỏi tài sản xấu, cải thiện cân đối tài sản, chất lượng tài sản và trọng tâm vào các ngành kinh tế có tiềm năng.

- Giải quyết các tổ chức tài chính yếu kém: BoT tiếp tục can thiệp thêm vào 2 ngân hàng (UBB và Laem Thong Bank) và 5 công ty tài chính, nâng tổng số tổ chức tài chính cần can thiệp lên con số 18, trong đó có 6 ngân hàng và 12 công ty tài chính. BMB và SCIB được bán cho các nhà đầu tư chiến lược; FBCB được mua lại bởi KTB; còn BBC bị giải thể, tài sản - nợ chuyển hoàn toàn sang KTB và các khoản nợ xấu do FIDF chịu trách nhiệm. KTT đã mua lại UBB và 12 công ty tài chính bị can thiệp sau khi các tổ chức này đáp ứng trích lập rủi ro và tái cơ cấu vốn lên lần lượt là 8,5 và 8%. Ngoài ra, Chính phủ cũng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho RSB và chuẩn bị cổ phần hóa KTB và BTH.

Giải pháp từng bước của NHTW, các cơ quan tài chính liên quan và sự thực thi nghiêm túc, quyết liệt các chính sách của NHTM đã tạo nên hiệu quả rõ rệt trong quá trình cải tổ hệ thống ngân hàng và giúp Thái Lan thực sự phục hồi sau khủng hoảng. Mặc dù số lượng các ngân hàng giảm đáng kể sau quá trình tái cơ cấu, nhưng quy mô và hoạt động kinh doanh được cải thiện rõ ràng theo hướng chuyên nghiệp và quốc tế hóa hơn. Các ngân hàng nhỏ lẻ, hoạt động kém hiệu quả và quản lý rủi ro yếu không còn tồn tại, thay vào đó là những ngân hàng vững vàng về tiềm lực tài chính, tổ chức và có tính cạnh tranh cao. Những tiêu chuẩn, chuẩn mực nội địa của hệ thống ngân hàng - tài chính Thái Lan đều tiến gần hơn tới những chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Sự minh bạch hóa thông tin hệ thống tài chính - ngân hàng được cải thiện, khả năng giám sát và cảnh báo sớm của các cơ quan chức năng cũng mang lại nhiều hiệu quả, làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển khu vực tài chính - ngân hàng trong dài hạn.