Tái cấu trúc ngân hàng: Kinh nghiệm Hungary

Tái cấu trúc ngân hàng: Kinh nghiệm Hungary

(ĐTCK) Trong số các nước có nền kinh tế chuyển đổi ở Đông Âu, bài học kinh nghiệm về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Hungary được xem là một trong những bài học tiêu biểu nhất.


Vai trò của chính phủ

Hệ thống ngân hàng Hungary được thành lập năm 1948. Khi đó, Ngân hàng Quốc gia Hungary (National Bank of Hungary) đảm nhận vai trò độc quyền về quản lý lưu thông tiền tệ và tất cả các chức năng tín dụng trong nền kinh tế.

Năm 1987, hệ thống ngân hàng độc quyền chuyển thành hệ thống ngân hàng 2 cấp: Ngân hàng Quốc gia Hungary giữ vai trò ngân hàng trung ương, còn các hoạt động ngân hàng thương mại được trao cho 3 ngân hàng thương mại mới.

Sau hơn 20 năm kể từ thời điểm chuyển thành hệ thống ngân hàng hai cấp, hệ thống ngân hàng Hungary đã phát triển đạt được một trình độ tương đối hiện đại và là một hệ thống ngân hàng có tính chất thị trường.

Đầu thập niên 90, Hungary, cũng giống như nhiều nước Trung và Đông Âu khác, trải qua một cuộc khủng hoảng chuyển đổi với các đặc điểm: tổng sản lượng sụt giảm mạnh, lạm phát và thất nghiệp tăng cao và những mất cân đối tài khóa và đối ngoại lớn.

Công tác tái cấu trúc nền kinh tế đã làm GDP sụt giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp sở hữu nhà nước, khiến sức khỏe của các doanh nghiệp này vốn đã không tốt lại càng tồi tệ hơn, không có khả năng trả nợ. Kết quả là các khoản vay của các doanh nghiệp này, chiếm 15% đến 18% các khoản tín dụng gia hạn của hệ thống ngân hàng Hungary, trở thành nợ xấu.

Một hệ thống quy định theo nguyên tắc thị trường liên quan đến hoạt động ngân hàng đã được ban hành, trong đó nổi bật là Luật Các tổ chức tín dụng năm 1991. Luật mới yêu cầu các ngân hàng phải có tỷ lệ an toàn tối thiểu 8%; có quỹ dự phòng cho các khoản nợ xấu và khoản tín dụng bị nghi ngờ; đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu về dự trữ bắt buộc.

Điều này đã khiến một số ngân hàng sở hữu nhà nước phải đối mặt với các khoản thua lỗ lớn, do các ngân hàng này vốn đã có tỷ lệ nợ xấu lớn, nhưng lại không chuẩn bị dự phòng cho các khoản nợ xấu đó.

Thực tế trên đã đặt ra yêu cầu tư nhân hóa các ngân hàng sở hữu nhà nước để lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng và để các quyết định chính trị không còn chi phối tín dụng ngân hàng. Mục tiêu chính của chương trình chuyển dịch cơ cấu ngân hàng của Hungary là giúp các ngân hàng có tính hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và chuyển đổi các khoản vay không thu hồi được từ bảng cân đối của ngân hàng bằng phương thức tái cấp vốn.

Tuy nhiên, trước khi tiến hành tư nhân hóa, việc đầu tiên mà Hungary thực hiện là xử lý danh mục các khoản nợ không có khả năng sinh lời: hợp nhất nợ và tái cấp vốn. Chính phủ Hungary đã tiến hành 2 chương trình xử lý nợ xấu nối tiếp nhau trong vòng 1 năm. Chương trình hợp nhất nợ được đưa ra vào năm 1993, cho phép các ngân hàng chuyển các khoản nợ xấu hoặc nợ cũ sang trái phiếu chính phủ với một phiếu thưởng tương đương trái phiếu kho bạc 90 ngày.

Kết quả là đã có 14 ngân hàng tham gia chương trình này và khoảng 105 tỷ HUF nợ xấu đã được chuyển đổi. Điều này giúp giải phóng nợ xấu khỏi bảng cân đối của các ngân hàng nhưng không mang lại vốn mới cho hệ thống ngân hàng.

Một năm sau đó, Chính phủ Hungary đã tái cấp vốn cho 9 ngân hàng sở hữu nhà nước, giúp các ngân hàng này đáp ứng được yêu cầu 8% tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Chi phí cho khoản này ước 2 tỷ USD, xấp xỉ 7% GDP Hungary lúc bấy giờ.

Về cơ bản, đến trước năm 1994, vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã được Chính phủ Hungary giải quyết hiệu quả. Mặc dù vậy, cũng giống như các nền kinh tế chuyển đổi khác, hệ thống ngân hàng và nền kinh tế thị trường mới được thành lập tại Hungary lại phải đối mặt với một bài toán khó: thị trường thiếu tính cạnh tranh, thiếu vốn trầm trọng và công nghệ lạc hậu. Lúc này, Chính phủ Hungary nhận ra sự cần thiết của nguồn lực bên ngoài và đi đến một quyết định quan trọng là mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Và của nhà đầu tư nước ngoài

Năm 1994, hệ thống ngân hàng Hungary chính thức được tư nhân hóa với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các hoạt động mua quyền quản lý, đấu thầu trực tiếp và trong một vài trường hợp là phát hành cổ phiếu.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động ngân hàng, năm 1996, chính phủ Hungary đã tự do hóa hơn luật ngân hàng theo hướng khuyến khích sự tham gia của phía nước ngoài và không áp đặt giới hạn cổ phần.

Chính sách ưu đãi các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đã thu được nhiều lợi ích, không chỉ bởi vì các ngân hàng Hungary đã được mua bởi các nhà sở hữu giàu có và nhiều kinh nghiệm, mà còn bởi nó ngăn chặn sự xuất hiện của việc sở hữu cổ phần chồng chéo và các xung đột lợi ích.

Song song với quá trình mở rộng mạng lưới hoạt động, dần thích nghi với cấu trúc ngân hàng Phương Tây, Hungary đã thành lập một cơ quan giám sát tài chính duy nhất, điều chỉnh các quy định ngân hàng tương thích với các quy định của Liên minh châu Âu (EU), Liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu (EMU) và các tiêu chuẩn an toàn Basel II…

Các quy định được mô phỏng theo quy định của EU và các nguyên tắc chủ yếu của Basel đã tạo ra môi trường thuận lợi cho quá trình phát triển của hệ thống ngân hàng Hungary.

Công tác tái cấu trúc và tư nhân hóa hệ thống ngân hàng thành công đã tạo ra mối quan hệ sở hữu rõ ràng và minh bạch cho hầu hết các ngân hàng Hungary - một môi trường thuận lợi thúc đẩy sự phát triển. Sau cải cách đến nay, hệ thống ngân hàng nắm giữ vai trò thống trị khu vực tài chính Hungary. Tỷ lệ tài sản ngân hàng trên GDP vào khoảng 70% trước khi xảy ra khủng hoảng 2008.

Cấu trúc của tài sản tài chính ở Hungary cũng tương tự như hệ thống ngân hàng các nước khác trong khu vực EU - tài sản ngân hàng chiếm khoảng 53% tổng tài sản tài chính và hệ thống ngân hàng Hungary đáp ứng tốt yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn 8% theo thông lệ quốc tế. Tính đến cuối năm 2008, CAR hệ thống ngân hàng Hungary là 11%.