Trung Quốc khuyến khích thực hiện sáp nhập giữa ngân hàng yếu với ngân hàng mạnh

Trung Quốc khuyến khích thực hiện sáp nhập giữa ngân hàng yếu với ngân hàng mạnh

Tái cấu trúc ngân hàng - kinh nghiệm của Trung Quốc

(ĐTCK) Các chương trình tái cấu trúc không chỉ tập trung xử lý những vấn đề của từng ngân hàng.

Các chương trình tái cấu trúc không chỉ tập trung xử lý những vấn đề của từng ngân hàng, mà còn quan tâm mạnh mẽ đến các mức độ đáp ứng của cơ sở hạ tầng trong việc tạo lập môi trường hoạt động cho ngành ngân hàng.

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách kinh tế theo định hướng thị trường vào năm 1978, ngành ngân hàng đã có những thay đổi sâu sắc. Tuy nhiên, bước ngoặt đáng chú ý nhất là vào năm 1995, khi hệ thống ngân hàng chuyển từ hệ thống ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp. Từ đó, hệ thống ngân hàng tiến hành nhiều chương trình cải cách, tái cấu trúc mạnh mẽ, gắn kết và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế của nước này trong từng giai đoạn.

Các chương trình tái cấu trúc không chỉ tập trung xử lý những vấn đề của từng ngân hàng (kết cấu tài sản - vốn), mà còn quan tâm mạnh mẽ đến các mức độ đáp ứng của cơ sở hạ tầng trong việc tạo lập môi trường hoạt động cho ngành ngân hàng (việc tuân thủ các quy định về an toàn hoạt động, các quy định liên quan đến sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài…).

 

Các công cụ áp dụng cho từng ngân hàng

- Tăng cường năng lực tài chính. Trong giai đoạn đầu, Chính phủ thông qua Bộ Tài chính đã bơm vốn cho các NHTM thuộc sở hữu nhà nước. Sau đó, khuyến khích các ngân hàng chủ động tăng vốn thông qua việc tạo điều kiện cho các ngân hàng được niêm yết trên TTCK và huy động vốn từ các tổ chức, ngân hàng nước ngoài dưới hình thức mua cổ phần hoặc thực hiện liên minh, liên kết.

- Tập trung xử lý nợ xấu. Nợ xấu gia tăng là nhân tố hạn chế lớn nhất khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Nếu các ngân hàng phải trực tiếp xử lý các khoản nợ này ra khỏi bảng cân đối, thì tất yếu sẽ làm suy giảm vốn. Vào những năm 1990, thị trường vốn tại Trung Quốc chưa phát triển và khá phân đoạn nên nước này đã lựa chọn phương pháp xử lý nợ xấu tập trung. Có nghĩa là sử dụng phương pháp hoán đổi nợ và vốn cổ phần là chủ yếu.

Theo đó, tất cả các khoản nợ xấu từ ngân hàng sẽ được bán cho một hoặc một vài công ty quản lý tài sản mới được thiết lập (AMC), với một tỷ lệ chiết khấu nhất định. Khoản tiền để trả cho các tài sản đó sẽ được quy đổi thành giá trị phần vốn góp của AMC đầu tư vào ngân hàng. Theo cách này, phần vốn cơ bản của ngân hàng được bảo toàn, nhưng quan hệ sở hữu bị suy giảm một phần. Sau đó, các AMC sẽ tập trung vào việc thu hồi các khoản nợ xấu.

Ngoài ra, để tăng cường năng lực tài chính của ngân hàng, chính phủ nước này còn khuyến khích thực hiện sáp nhập giữa ngân hàng yếu với ngân hàng mạnh trên quan điểm cho rằng, quản lý thành công sẽ tạo ra sự khác biệt và tính hiệu quả của việc quản lý thành công này không bị cản trở bởi quy mô hoạt động. Theo phương châm này thì các ngân hàng nước ngoài thực sự đóng vai trò quan trọng. Trong một số trường hợp, sự tham gia của các đối tác nước ngoài có thể xem là đối tác “kép”. Điều đó có nghĩa là họ vừa cung cấp vốn, vừa giúp các ngân hàng yếu kém xác định và thực hiện những thay đổi trong hoạt động quản lý của mình.

- Tái cơ cấu hoạt động quản lý. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc khởi động chương trình này bắt đầu bằng việc tăng cường công tác đào tạo cán bộ quản lý, nhằm nâng cao độ nhạy bén của họ đối với những thay đổi của thị trường và xác định rõ ảnh hưởng của hoạt động quản lý đối với khả năng sinh lời của ngân hàng. Đồng thời, nhấn mạnh hoạt động quản lý cần phải tương thích với quá trình hoạt động để đảm bảo đạt được các quyết định mục tiêu, cũng như nhận biết kịp thời những ảnh hưởng của các quyết định này. Sự tương thích được thể hiện thông qua một hệ thống kế toán và thông tin hoàn thiện, các quy trình phê duyệt và đánh giá tín dụng hiệu quả, mô hình quản lý rủi ro lành mạnh, quy trình phát triển các sản phẩm mới khoa học và đồng bộ.

 

Cải thiện cơ sở hạ tầng hoạt động của hệ thống

- Tư nhân hóa và giảm quy mô. Một trong những giải pháp quan trọng đem đến sự thành công trong việc cải cách khu vực ngân hàng tại Trung Quốc đó là việc chuyển 4 NHTM thuộc sở hữu nhà nước lớn, chiếm 70% tài sản và thị phần tín dụng, sang các doanh nghiệp cổ phần. Quá trình tư nhân hóa này đã tạo ra một sân chơi bình đẳng trong lĩnh vực ngân hàng. Chính vì vậy, Chính phủ Trung Quốc rất quyết tâm trong việc tạo lập một cơ sở bền vững để các ngân hàng có thể niêm yết trên TTCK trong nước và quốc tế.

Mặc dù vậy, các ngân hàng này vẫn được xếp vào nhóm “quá lớn để đổ vỡ”, nên vấn đề quy mô ngân hàng như thế nào là hợp lý cũng được cân nhắc trong giai đoạn này. Các cơ quan quản lý đã tiến hành rà soát và đưa ra những quy định hạn chế các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng như việc thành lập công ty con phi tài chính, các hoạt động tín thác và đầu tư chứng khoán…

Việc tiến hành đồng thời giải pháp tư nhân hóa và thu hẹp quy mô hoạt động không chỉ giúp các ngân hàng tăng năng lực cạnh tranh, mà còn tập trung phát triển chuyên sâu vào một số nhóm sản phẩm.

- Ban hành, đổi mới các quy định điều tiết hoạt động ngân hàng và tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát. Các cơ quan quản lý tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát, đặc biệt đối với các ngân hàng lớn, nhằm ngăn chặn nguy cơ lan truyền rủi ro hệ thống giống như cuộc khủng hoảng ở khu vực Đông Á năm 1997. Đồng thời, trong giai đoạn cải cách, các cơ quan này ban hành một khuôn khổ điều tiết linh hoạt, đảm bảo cho các ngân hàng phát triển ổn định trong môi trường hoạt động liên tục thay đổi và độ mở ngày càng gia tăng.

- Chấp nhận sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc đã triển khai việc cải cách và cơ cấu lại hoạt động ngân hàng một cách linh hoạt theo hướng tìm kiếm sự trợ giúp các ngân hàng yếu kém từ ngân hàng nước ngoài một cách thận trọng.

Mặc dù các ngân hàng nước ngoài có những lợi thế nhất định, nhưng khi chấp nhận để các ngân hàng này gia nhập thị trường, Trung Quốc đã phải chuẩn bị một nền tảng vững chắc cho công tác thanh tra, giám sát. Hơn nữa, các ngân hàng nước ngoài được phép gia nhập thị trường phải tập trung nguồn lực tín dụng cho các khu vực chủ chốt của nền kinh tế, đồng thời, tuân thủ các quy định về giới hạn hoạt động tại một vài khu vực, lĩnh vực chính yếu.