Tái cấu trúc ngân hàng dần đi vào chiều sâu

Tái cấu trúc ngân hàng dần đi vào chiều sâu

(ĐTCK) Sau bước đi đầu tiên thực hiện Đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng là ổn định thanh khoản hệ thống bằng việc xử lý các NHTM nhỏ, yếu kém thông qua M&A, ngành ngân hàng đang tập trung vào mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống, với việc xử lý nợ xấu, xử lý sở hữu chéo.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc xử lý sở hữu chéo trong ngành ngân hàng sẽ giúp lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng, xóa sổ tình trạng tồn tại các công ty “sân sau” của ngân hàng. Mặt khác, điều này giúp giải quyết nợ xấu trong doanh nghiệp Nhà nước, gắn với việc các doanh nghiệp Nhà nước phải thoái vốn ngoài ngành, trong đó có đầu tư vào ngân hàng.

Theo ông Võ Trí Thành, thực tế cho thấy, không phải sức ép từ cơ quan quản lý, mà chính sự vận động của thị trường đã buộc các ngân hàng thời gian qua phải thực hiện M&A, nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển, nhất là đối với các ngân hàng có cùng bóng dáng một chủ sở hữu thì việc sáp nhập là phù hợp. Bởi trong thời điểm khó khăn như hiện nay, các khoản đầu tư tràn lan trước kia không còn hiệu quả, trong khi ngân hàng đang cần một nguồn vốn bổ sung để tái cơ cấu và phát triển nên đòi hỏi phải có nguồn lực. Vì vậy, với các NHTM quy mô nhỏ, yếu kém, giải pháp M&A là tốt nhất.

“Tái cấu trúc ngành ngân hàng đang được đẩy mạnh, nhưng cũng chưa thể kỳ vọng đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn. Thứ nhất là bởi chính sách tiền tệ phụ thuộc rất lớn vào việc xử lý nợ xấu. Song có một thực tế hiện nay là nợ xấu lớn, nhưng không thể dùng tiền ngân sách để xử lý. Thứ hai là chính sách tài khóa hiện dư địa cũng không còn nhiều”, TS. Võ Trí Thành nhìn nhận.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, nợ xấu của Việt Nam vẫn cao. Do đó, dù lãi suất thấp, tín dụng vẫn khó tăng trưởng và tiền còn tồn đọng trong hệ thống khá lớn.

Theo đánh giá của một chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ, việc đẩy mạnh tái cấu trúc ngành sẽ làm làn sóng M&A trong lĩnh vực này ngày một nóng lên, đưa cấu trúc sở hữu về đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có thời gian, vì sở hữu chéo là vấn đề lịch sử để lại, không thể giải quyết trong “ngày một ngày hai”. Trong khi đó, thanh khoản cổ phiếu ngân hàng hiện nay rất kém, việc thoái vốn của cổ đông lớn không dễ dàng, thu hút cổ đông chiến lược trong và ngoài nước cũng khó khăn. Điều quan trọng là hệ thống giám sát của NHNN phải nghiêm khắc, để không ai có cơ hội dùng sở hữu chéo tạo ra rủi ro cho hệ thống tài chính.

Sức khỏe của các ngân hàng thực hiện M&A trong 2 năm qua chưa thể nói đã tốt hơn rõ rệt, nhưng các chuyên gia tiền tệ cho rằng, chắc chắn không xấu đi. Thanh khoản của các ngân hàng cũng chưa thể nói là đã hoàn toàn tốt, nhưng ổn định và dần cải thiện. Tuy nhiên, do các ngân hàng này trước đây cho vay nhiều vào bất động sản và đầu tư bất động sản nhiều, nên cần có thời gian đủ dài để xử lý các khoản vay và đầu tư này.

Thành quả lớn nhất sau hai năm thực hiện tái cấu trúc toàn ngành ngân hàng, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, là một số ngân hàng đang tái cơ cấu trong giai đoạn hậu M&A đã minh bạch hơn trong hoạt động. Đó chính là yếu tố cần thiết để từng bước củng cố lại niềm tin đối với thị trường, khách hàng và cổ đông.

Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại đã và đang tích cực xử lý nợ xấu bằng việc thu hồi nợ, tái cơ cấu, bán nợ xấu cho VAMC và dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng. 

NHNN cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này tiếp tục rà soát tình hình sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, đồng thời tiến hành các cuộc kiểm tra về tình hình sở hữu chéo, đầu tư chéo và vi phạm sở hữu cổ phần của một số tổ chức tín dụng có cổ đông lớn đang nắm tỷ lệ cổ phần vượt trần tại ngân hàng.               

Tin bài liên quan