TP.HCM cần sớm hình thành thêm trung tâm đô thị mới, ngang bằng hoặc hiện đại hơn trung tâm hiện hữu để chia sẻ áp lực với khu trung tâm. Trong ảnh: Khu đô thị Phú Mỹ Hưng
Chuyển phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu
Bất cứ thành phố nào cũng chỉ có thể chứa được một lượng dân cư và tổ chức vật chất có hạn, không phải là vô cùng, vô tận. Trong khi đó, tài nguyên tự nhiên là hữu hạn như đất, nước sạch, năng lượng, khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật như đường, cầu, cấp thoát nước không thể mở thêm và các dịch vụ xã hội như bệnh viện, trường học, chợ, nghĩa trang cũng có hạn định.
Với diện tích 2.100 km2, TP.HCM thuộc nhóm có quy mô lớn so với các thành phố trên thế giới, nhưng do những yếu tố khách quan và chủ quan mà công tác quy hoạch không gian và quy hoạch kinh tế - xã hội chưa hoàn hảo, vẫn còn ách tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, thiếu nhà ở, dân số gia tăng nhanh và diện mạo thành phố chưa đẹp. Tuy nhiên, nếu biết tái cấu trúc không gian sống và phân bổ dân cư hợp lý thì bức tranh toàn cảnh của thành phố sẽ sáng sủa hơn, hoàn toàn có thể tránh được tình trạng “nén đông đặc” trong diện tích khu vực nội thành 570 km2 như hiện nay.
TP.HCM cần phải nhanh chóng và quyết liệt chuyển phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào chất lượng hơn số lượng, không quảng canh, mà thâm canh trên một diện tích hẹp và nhân công ít. Phát triển theo chiều rộng là đô thị hóa nhanh, mở rộng liên tục diện tích đô thị (được hiểu là bê tông hóa bề mặt và xây dựng các công trình trên đất), gia tăng dân số đô thị mà chủ yếu là gia tăng dân số cơ học, tăng quy mô các cơ sở sản xuất sử dụng mặt bằng lớn, thâm dụng lao động… Những hoạt động như thế cần được thu hẹp dần và chấm dứt.
Động lực để thúc đẩy TP.HCM trước mắt và lâu dài là chuyển đổi sang xã hội số. Xã hội số vừa là động lực, vừa là mục tiêu và nền tảng của phát triển.
Cùng với công nghiệp thì hệ thống dịch vụ buộc phải chuyển đổi sang “thông minh hơn”. Xã hội số được sử dụng trong hành chính công, quản lý xã hội (gồm quản lý dân số, quản lý môi trường, trật tự xã hội, an toàn và an sinh xã hội). Các ngành như giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí cũng không nằm ngoài vùng phủ sóng của xã hội số. Chuyển đổi số sẽ tham gia vào đến từng tế bào xã hội, như thế mới có được một xã hội phát triển không lạm dụng tài nguyên.
Thành phố cần chuyển nhanh hơn thành trung tâm quốc tế về tài chính, dịch vụ (y tế, giáo dục, du lịch) ở bậc cao. Tiến hành tái cấu trúc không gian kinh tế, giảm lực lượng lao động phổ thông, không phát triển các loại nhà máy gia công ở trình độ thấp.
Sớm hình thành thêm ít nhất 1 hay 2 trung tâm đô thị mới, ngang bằng hoặc hiện đại hơn trung tâm hiện hữu (930 ha hiện nay ở quận 1 và quận 3) nhằm chia sẻ áp lực ngày một gia tăng với trung tâm hiện hữu.
Thực tế cho thấy, vào các ngày cuối tuần, lễ tết, dân tập trung về khu vực trung tâm quá nhiều, điều này bất lợi cho an ninh, trật tự, cháy nổ. Nhu cầu giải trí, mua sắm của người dân rất lớn, nếu tất cả chỉ đổ dồn về khu vực 930 ha, quanh đường Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng là cực kỳ nguy hiểm. Do vậy, cần hình thành thêm các trung tâm mới, ngoài Thủ Thiêm ra (Thủ Thiêm thực ra là phần mở rộng của trung tâm hiện hữu) thì có thể ở bán đảo Thanh Đa, phía Nam, phía Đông Bắc Thành phố (TP. Thủ Đức mới), phía Tây Bắc (Củ Chi, Hóc Môn).
Trước năm 1990, TP. Manila (Philippines) cũng rơi vào tình cảnh không sao “cựa quậy” được vì dân số và xe cộ đặc quánh, sau đó họ xây dựng một thành phố tài chính, thương mại, dịch vụ hoàn toàn mới, hoành tráng hơn, tiện dụng hơn, có tên là Makati, cách trung tâm Manila chừng 12 km, nằm trong vùng đô thị Metro Manila (vùng đô thị Metro Manila bao gồm 16 thành phố đồng cấp), thế là lượng dân số, xe cộ ở khu vực trung tâm cũ giảm hẳn. Khách du lịch đổ về Makati nhiều hơn là Malacanang (tên gọi khu vực trung tâm của Manila cũ).
Giải pháp chiến lược điều phối dân số đồng bộ này cũng được áp dụng ở Jakarta khi họ phát triển Bangdung làm thành phố đối trọng với trung tâm cũ của Jakarta, và Phố Đông của Thượng Hải đối trọng với phần Thượng Hải cũ.
TP.HCM phải quyết tâm phát triển theo mô hình đa cực, đa trung tâm, phi tập trung hóa thì mới cứu vãn được tình trạng quá tải và phát huy hết tiềm năng của thành phố. Mô hình đơn tâm, nén vào một điểm và lan tỏa tự phát ra theo các trục lộ thực sự đã lạc hậu và mang lại nhiều hệ quả tiêu cực.
Phát triển các trung tâm dịch vụ vệ tinh ở bên ngoài thành phố như bệnh viện, trường học, siêu thị, nhằm hút dân cư ra bớt bên ngoài. Việc hình thành một số bệnh viện ở Bình Chánh như công trình Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM (quy mô 1.000 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 4.500 tỷ đồng), Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố tại huyện Bình Chánh, cho thấy nỗ lực theo hướng này.
Một ví dụ điển hình là Siêu thị Aeon của Nhật ở Tân Phú (Bình Tân) ra đời đã làm cho bức tranh kinh doanh và đời sống ở khu vực này trở nên sôi động, như một cú hích kéo theo rất nhiều loại dịch vụ khác lan tỏa ra xung quanh như nhà hàng, khách sạn, nhà trọ, thuê xe… Như vậy, bên cạnh việc kiến tạo nên các “đơn vị ở” từ các khu công nghiệp, thì nay được bổ sung việc hình thành các khu cư trú từ chính các cụm siêu thị - dịch vụ. Nếu không tạo ra được các dịch vụ tiện ích thì sẽ đưa đến tình trạng là người dân ở các khu dân cư mới phải mang con vào trung tâm học hành, chữa bệnh và vui chơi giải trí. Như thế, hiện tượng “dao động con lắc” cứ dày thêm và dài ra, làm cho thành phố ngày càng bị kẹt xe.
Quy hoạch lại vành đai nông nghiệp
Các huyện ngoại thành cần quy hoạch lại vành đai nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, những vùng nông nghiệp công nghệ cao này ngoài việc cung cấp thực phẩm cho TP.HCM, còn nhằm giữ nông dân ở lại không chuyển dịch vào bên trong nội thành, đồng thời hút người dân nhập cư vào lĩnh vực hoạt động này, không để họ di chuyển sâu vào nội thành (hiện nay đã xuất hiện mô hình người dân miền trung, miền Bắc đến Hóc Môn thuê đất canh tác rau xanh).
Nên giữ có trọng điểm ở những nơi cần giữ, ví dụ vùng rau xanh, cây ăn trái chất lượng cao ở Củ Chi hay Hóc Môn. Khi đã xác định rồi thì phải đầu tư lớn, loại trừ các tác nhân làm ảnh hưởng, chỉ kêu gọi các nhà đầu tư thực lòng vào nông nghiệp, kiên quyết không chuyển mục đích sử dụng đất cho công nghiệp.
Ở TP.HCM có Khu nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng năm 2004 tại xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi), với diện tích 88 ha. Nhưng mô hình này chưa nhân rộng ra được, mới dừng ở mức nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ với quy mô nhỏ. Giữ nông nghiệp, nhưng có thể không còn nông dân truyền thống nữa, mà sẽ hình thành nên công nhân làm nông nghiệp trong các trang trại bò sữa, trồng cây trái có quy mô lớn, sử dụng công nghệ kỹ thuật canh tác hiện đại mà không tốn quá nhiều đất.
Đầu tư giữ lại các làng nghề truyền thống, kết hợp với việc phát triển du lịch như gốm, đan lát, mộc mỹ nghệ, hoa lan, cây kiểng... kết hợp với homestay. Như thế sẽ được một vành đai nông nghiệp xanh, hiện đại, mà không nhất thiết phải chuyển sang làm công nghiệp hay chuyển thành thành phố.
Chuyển dịch dân cư có chất lượng thấp ra dần các vành đai ngoài thông qua các lực đẩy và lực hút. Lực đẩy là giá cả dịch vụ, bất động sản đắt đỏ. Từ năm 1990, TP.HCM có hai hiện tượng cho thấy lực đẩy phát huy tác dụng đáng chú ý về dân số.
Một là, hiện tượng “thay máu” ở khu trung tâm quận 1 và quận 3. Những người nghèo, trung bình bán nhà chuyển dần ra các quận gần trung tâm như Tân Bình, Bình Thạnh, Tân Phú.
Hai là, dịch chuyển thương mại, dịch vụ lan tỏa từ trung tâm ra bên ngoài theo các trục đường, các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp trở nên sôi động hơn.
Cùng với lực đẩy là lực hút. Đó là việc hình thành thị trường bất động sản giá thấp. Tạo ra các khu dân cư trung bình và thấp ở bên ngoài thành phố với hình thức nhà giá thấp, nhà cho thuê, nhưng đảm bảo các dịch vụ xã hội ở mức tương đối. Cùng với các hoạt động cộng hưởng khác nhằm giữ người dân nhập cư ở lại bên ngoài. Chương trình nhà ở xã hội của TP. HCM sẽ góp phần hiện thực hóa việc dịch cư này.
Tái không cấu trúc không gian sống để hướng đến phân bổ lại dân cư hợp lý là bài toán quan trọng nhất của TP.HCM từ nay đến cuối thế kỷ 21. Nếu không làm được điều này, Thành phố sẽ mãi trong tình trạng quá tải và các giải pháp chiến lược rốt cục chỉ là đi giải quyết những vấn nạn bằng các chính sách đối phó.
Động lực để thúc đẩy TP. HCM trước mắt và lâu dài là chuyển đổi sang xã hội số. Xã hội số vừa là động lực, vừa là mục tiêu và nền tảng của phát triển. Cùng với công nghiệp thì hệ thống dịch vụ buộc phải chuyển đổi sang “thông minh hơn”.