Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Bảo Việt đang trình Bộ Tài chính thẩm định
Từ tái cơ cấu cổ đông
Đã hơn 1 năm kể từ khi Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 9/7/2012 của Chính Phủ được chính thức ban hành. Theo đó, từ nay đến năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước… Việc thoái vốn cần có phương án, lộ trình cụ thể, gắn với quá trình tái cơ cấu DN đối với từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro, trong đó có bảo hiểm.
Cho đến nay, theo Bộ Tài chính, các DN bảo hiểm đã gấp rút điều chỉnh cơ cấu sở hữu trên vốn điều lệ sao cho đảm bảo lộ trình kể trên. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành thoái vốn tại Bảo hiểm Toàn Cầu- GIC (EVN chiếm 22,5% vốn điều lệ); còn Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng đã hoàn tất việc thoái 19,8 vốn tại SVIC. Với 5 DN bảo hiểm (có các cổ đông tổ chức là tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm trên 20%) khác thì cũng đang chuẩn bị các bước cần thiết để xây dựng cho mình phương án tái cấu trúc đáp ứng lộ trình. Có thể kể đến như: Bảo Minh (SCIC nắm 50,7%), PJICO (Petrolimex nắm 51%), PTI (VNPT nắm 36%), BIC (BIDV nắm 82%), Vinare (nắm 40,36%).
Có thể thấy, nhiều năm qua, với sự hiện diện của các cổ đông lớn nắm cổ phần chi phối, cũng là cổ đông sáng lập là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các DN bảo hiểm như PTI, BIC, PJICO đã được hưởng lợi khá nhiều thông qua việc tận dụng lợi thế, mạng lưới của cổ đông lớn để phân phối sản phẩm bảo hiểm. PVI, với lợi thế từ cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí cũng cho biết, đến nay tiếp tục duy trì hiệu quả kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và thực hiện tốt công tác tư vấn, cung cấp dịch vụ bảo hiểm trong và ngoài lĩnh vực dầu khí.
Chính vì vậy, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hậu thoái vốn thì việc tìm một đối tác mới, thị trường mới tại DN bảo hiểm để thay thế là không dễ. Đơn cử, tại SVIC, ngay sau khi Vinacomin thoái vốn thì SVIC đã chịu cạnh tranh không nhỏ từ các DN bảo hiểm phi nhân thọ khiến DN này đang gặp khó trong việc duy trì thị phần ngay trong ngành khai khoáng.
Không chỉ dừng ở việc tái cấu trúc vốn điều lệ, thời gian qua, công tác tái cơ cấu DN bảo hiểm cũng diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những “ông lớn” như Bảo Việt rồi đến PVI, hay Vinare (đang phối hợp với Swiss Re triển khai tái cơ cấu Công ty). Hay các DN nhỏ hơn như MIC, Hàng không… cũng đã bắt tay vào việc tái cấu trúc.
CTCP PVI (PVI) cho biết, từ nay đến cuối năm, PVI tập trung đẩy mạnh hoàn thiện mô hình tái cấu trúc thông qua các hoạt động: tiếp tục các công tác chuẩn bị để thành lập công ty quản lý quỹ; chuyển đổi mô hình hoạt động của Tổng công ty Tái bảo hiểm PVI (hiện do PVI nắm 100% vốn).
Tập đoàn Bảo Việt cho biết, Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn đã hoàn thiện và đang trình Bộ Tài chính (cổ đông nắm cổ phần chi phối tới trên 70%) thẩm định. Theo đó, Bảo Việt sẽ tập trung triển khai các dự án thuộc Đề án từ Công ty mẹ tới các đơn vị thành viên 100% vốn gồm: Dự án tái cơ cấu chiến lược ngành nghề theo hướng kiên trì định hướng trở thành tập đoàn tài chính bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, vươn ra thị trường khu vực và thế giới; Dự án tái cơ cấu tài chính, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại các dự án đầu tư chiến lược của Tập đoàn; Dự án tái cơ cấu quản trị, trong đó tập trung sắp xếp, bố trí lại một số vị trí quản trị trong hệ thống Tập đoàn tiếp cận quản trị doanh nghiệp quốc tế.
Đến tái cấu trúc sản phẩm
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, 6 tháng đầu năm, theo báo cáo nhanh từ các DN bảo hiểm phi nhân thọ, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 11.878 tỷ đồng; bồi thường ước đạt 4.584 tỷ đồng.
Quý I/2013, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), thị trường bảo hiểm phi nhân thọ quý I/2013 lần đầu tiên trong lịch sử có số liệu tăng trưởng doanh thu giảm, chỉ đạt 5.920 tỷ đồng, giảm 4,53% so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể, bảo hiểm sức khỏe tai nạn giảm 17,7%, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển giảm 11%, bảo hiểm xe cơ giới giảm 8,72%. Bức tranh trên cũng cho thấy những khó khăn của nền kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến bảo hiểm phi nhân thọ (tài sản, cháy nổ, tàu biển), đồng thời cũng cho thấy nỗ lực của DN bảo hiểm trong việc chuyển hướng tái cơ cấu sản phẩm bảo hiểm để phù hợp với tình hình mới. Cụ thể, các DN bảo hiểm đã chuyển sang tăng cường phát triển sản phẩm bảo hiểm tài sản, tính mạng, sức khỏe cá nhân (bảo hiểm sức khỏe, tai nạn con người, bảo hiểm xe cơ giới).
Song song với việc tái cơ cấu mô hình kinh doanh, theo hướng chuyên sâu, gắn trách nhiệm với các đơn vị thành viên để giúp hoạt động kinh doanh được thuận lợi hơn, Bảo Minh cũng đã tiến hành tái cơ cấu sản phẩm.
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký AVI, năm 2012, không ít DNBH đã thực hiện chiến lược tái cơ cấu gắn liền với phát triển kinh doanh có hiệu quả, mang lại thành công nhất định góp phần vượt qua khó khăn thách thức của thị trường bảo hiểm. Năm 2013, hy vọng chiến lược này sẽ được thúc đẩy hơn để đem lại sự thay đổi về chất cho DN bảo hiểm và thị trường bảo hiểm. Bên cạnh việc tái cơ cấu vốn điều lệ theo chủ trương của Chính phủ, ông Lộc cho rằng, 6 tháng cuối năm, DN bảo hiểm sẽ thành công nếu tập trung giải quyết được các bài toán sau: tận dụng và sử dụng hết tiềm lực về nguồn nhân lực, bộ máy tổ chức quản lý kinh doanh, sản phẩm và kênh phân phối sản phẩm; chăm sóc và gìn giữ khách hàng; quản lý chặt chẽ, phòng ngừa trục lợi bảo hiểm; khai thác những phân khúc thị trường còn bỏ ngỏ và ít cạnh tranh.