Xu hướng hợp nhất CTCK dường như là tất yếu

Xu hướng hợp nhất CTCK dường như là tất yếu

Tái cấu trúc công ty chứng khoán: Công ty nhỏ vẫn loay hoay

(ĐTCK) Năm 2015, TTCK tiếp tục chứng kiến quá trình tái cấu trúc khối CTCK, với việc có thêm 4 công ty thực hiện hợp nhất. Thị trường cũng chứng kiến sự phân cực rõ ràng hơn giữa các nhóm CTCK. Hướng đi nào cho các CTCK nhỏ vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp rõ ràng.

Tái cấu trúc CTCK yếu kém được đẩy mạnh

Ngày 16/12/2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký phát hành hoán đổi cổ phiếu cho CTCP Chứng khoán Phú Hưng và CTCP Chứng khoán An Thành để thành lập CTCK mới. Theo đó, từ số vốn điều lệ 347,45 tỷ đồng của Chứng khoán Phú Hưng và 41 tỷ đồng của Chứng khoán An Thành, CTCK mới sẽ được thành lập có vốn điều lệ 202,585 tỷ đồng.

Với sự kiện này, năm 2015 là năm đầu tiên TTCK chứng kiến 2 thương vụ M&A CTCK, đánh dấu bước phát triển tốt hơn trong quá trình tái cấu trúc nhóm công ty này, nâng tổng số thương vụ hợp nhất CTCK lên 4 thương vụ (8 công ty).

Xóa tên 4 CTCK có tình trạng khó khăn về tài chính, đặc biệt có lỗ lũy kế, để hình thành 2 pháp nhân mới có tình hình tài chính minh bạch hơn, các CTCK đã có cơ hội được lành mạnh hóa tài chính, cung cấp các dịch vụ mới trong lĩnh vực chứng khoán.

Đặc biệt, sự kiện CTCP Chứng khoán MB (MBS) đưa ra thông điệp về việc khởi động lại kế hoạch niêm yết cổ phiếu cho thấy sự thành công của quá trình tái cấu trúc CTCK, bởi trước khi M&A, công ty này bị tổn thương khá nặng về tài chính.

Ngoài việc các CTCK yếu kém tự tái cấu trúc thông qua mua bán, sáp nhập, hợp nhất, việc rút giấy phép hoạt động hoặc đình chỉnh hoạt động các CTCK yếu kém không đáp ứng các quy định về hoạt động cũng được thực hiện, gần đây nhất là đình chỉ hoạt động CTCP Chứng khoán Việt Quốc.

Điều này cho thấy, các CTCK yếu kém sẽ rất khó có cơ hội tồn tại, nếu không thực sự nỗ lực tái cấu trúc, đặc biệt là tái cấu trúc giai đoạn đầu, đáp ứng yêu cầu về tài chính. 

CTCK lớn mạnh hơn, CTCK nhỏ vẫn loay hoay

Thị phần môi giới CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trên HOSE trong quý III/2015 là 13,45%, giảm nhẹ với mức thị phần của quý liền trước là 13,52%, nhưng vẫn tăng mạnh so với năm 2013 là 10,65% và năm 2014 là 12,53%.

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC) dù bị mất ngôi đầu bảng, nhưng trong quý III/2015 đã đưa thị phần lên mức cao hơn của năm 2014, đạt 12,76%. Cũng trong năm nay, CTCP Chứng khoán Bản Việt liên tục duy trì thị phần ở mức trên 7%, có lúc tiệm cận mức 8%, lớn hơn khá nhiều so với thị phần trên HOSE năm 2013 là 6,79% và năm 2014 là 6,52%.

Tái cấu trúc công ty chứng khoán: Công ty nhỏ vẫn loay hoay ảnh 1

Diễn biến về thị phần của 3 CTCK có thị phần môi giới nhất trên HOSE có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất cho xu hướng phân cực CTCK. Tất nhiên, đi kèm với diễn biến này là kết quả kinh doanh khả quan của các CTCK Top đầu. Sức mạnh về tài chính cùng đội ngũ nhân sự hùng hậu giúp chất lượng dịch vụ tư vấn được nâng cao. Cùng với đó, tập khách hàng tổ chức đã giúp các CTCK lớn bứt phá trong giai đoạn vừa qua.

Trái ngược với kết quả kinh doanh của các CTCK tốp đầu, nhóm CTCK phía sau có kết quả kinh doanh khá èo uột. Số lượng CTCK báo lãi năm 2015 tăng lên, nhưng mức lãi rất khiêm tốn và chất lượng các khoản lãi của nhóm CTCK phía sau không cao.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một số CTCK cho biết, dù thuộc Top 20 về thị phần môi giới, nhưng bản thân họ cũng cảm thấy khá lúng túng trong việc chọn hướng đi cho mình, nhất là giai đoạn thị trường không có “sóng”.

“Đầu tư khó khăn, nghiệp vụ môi giới hầu như chỉ đủ nuôi ‘quân’, trông chờ chính của công ty là dịch vụ tài chính, nhưng cạnh tranh cũng khá gay gắt và do quy mô vốn nhỏ, nên lợi nhuận đạt thấp. Công ty đã nhiều lần họp để đưa ý tưởng về các sản phẩm mới, nhưng khó triển khai vì hạn chế về vốn”, tổng giám đốc một CTCK có thị phần môi giới trong Top 15 nói.

Mâu thuẫn giữa mục tiêu thị phần và quản trị rủi ro, trong khi nguồn vốn lại hạn chế, đến tận giờ này, sau 3 năm thực hiện tái cấu trúc, các CTCK dường như mới chỉ giải được 2 bài toán là quản trị ro tài chính, rủi ro hoạt động và tiết giảm chi phí. Làm cách nào để sinh lời lớn hoặc huy động nguồn vốn để thực sự lớn mạnh, tăng khả năng cạnh tranh và lợi nhuận đạt mức cao vẫn là câu hỏi của... tương lai.           

Tin bài liên quan