Tái cấp vốn cho Vietnam Airlines là giải pháp trước mắt, về lâu dài phải tái cấu trúc toàn diện

Tái cấp vốn cho Vietnam Airlines là giải pháp trước mắt, về lâu dài phải tái cấu trúc toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là phát biểu của ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khi trả lời phỏng vấn tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7 sáng nay (29/6).

Sáng 29/6, tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, phóng viên đặt câu hỏi về việc Quốc hội đồng ý thông qua phương án tái cấp vốn gần 4.000 tỷ đồng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tối đa đến 31/12/2027.

Theo đó, trong phiên họp chiều ngày 25/6, đối với vấn đề Chính phủ đề xuất gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn gần 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines tối đa đến 31/12/2027, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.

"Ngoài giải pháp nêu ra trong tờ trình, Uỷ ban Kinh tế còn có giải pháp nào khác có thể triển khai, tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines trong thời gian tới", câu hỏi được gửi tới Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phân công trả lời câu hỏi này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, liên quan đến việc tái cấp vốn 3 lần cho Vietnam Airlines, Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra, các đại biểu Quốc hội đều đã thảo luận.

Theo ông Hiếu, các đại biểu đã thảo luận, ngoài biện pháp tái cấp vốn thì còn các biện pháp khác là phát hành thêm cổ phần, phát hành trái phiếu... "Tuy nhiên, trong tất cả các giải pháp, xét về tính cấp thiết và tính khả thi thì tái cấp vốn hỗ trợ Vietnam Airlines là khả thi nhất hiện nay", ông Hiếu nói.

Đại biểu này cũng khẳng định, trong nghị quyết của Quốc hội đều nói rằng đây là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu là ngay cả việc tái cấp vốn 3 lần thì cũng phải được thực thi một cách có hiệu quả.

“Chính vì vậy, Nghị quyết của kỳ họp thứ 7 cũng giao nhiệm vụ này cho Chính phủ, yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các đơn vị có liên quan xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện cam kết trước Quốc hội về hiệu quả việc triển khai các giải pháp để cho vay tái cấp vốn.

Quốc hội nhấn mạnh đến việc gia hạn cấp vốn, nhưng việc sử dụng có hiệu quả các giải pháp tái cấp vốn là điều quan trọng nhất”, ông Hiếu cho biết.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trả lời tại họp báo (Ảnh: M. Minh)

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trả lời tại họp báo (Ảnh: M. Minh)

Bên cạnh đó, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, Nghị quyết của kỳ họp của Quốc hội cũng đã lưu ý rằng về lâu dài thì cần phải có giải pháp căn cơ toàn diện tái cấu trúc Vietnam Airlines cũng như ngành hàng không nói chung.

“Vì vậy mà trong nghị quyết cũng đã giao rất rõ nhiệm vụ này cho Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan có liên quan và Tổng công ty Hàng không Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển toàn diện, khẩn trương hoàn thiện đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn để sớm phục hồi và phát triển”, ông Hiếu nói.

Nội dung yêu cầu đẩy nhanh việc tái cơ cấu lại toàn diện Vietnam Airlines, theo ông Hiếu, đã được đề cập tại nghị quyết kỳ họp trước.

Trước đó, sáng 29/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 100% đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành.

Tại Nghị quyết này, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại điểm a khoản 11 Điều 1 của Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (bao gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14).

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan liên quan và Vietnam Airlines xây dựng chiến lược phát triển toàn diện; khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines để sớm phục hồi và phát triển bền vững.

Toàn cảnh buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV

Toàn cảnh buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV

Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc cơ cấu lại toàn diện Vietnam Airlines theo đúng tinh thần Nghị quyết số 12 ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; xác định rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân do vướng mắc về văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng Đề án tổng thể, kiến nghị giải pháp tháo gỡ kịp thời.

“Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện cam kết trước Quốc hội về hiệu quả của việc triển khai giải pháp về cho vay tái cấp vốn. Các cơ quan hữu quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện giải pháp bảo đảm đúng quy định”, Nghị quyết nêu rõ.

Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ, từ ngày 23/7/2021 đến ngày 24/12/2021, trên cơ sở các hợp đồng tín dụng ký với các tổ chức tín dụng, Vietnam Airlines đã hoàn thành sử dụng gói vay vốn với tổng giá trị đạt 3.999,96 tỷ đồng.

Số tiền giải ngân được các tổ chức tín dụng giải ngân dựa trên cơ sở hóa đơn, chứng từ và thanh toán trực tiếp vào tài khoản của nhà cung cấp căn cứ lịch thanh toán theo thỏa thuận với các nhà cung cấp. Các tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay đã được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn tương ứng với giá trị giải ngân.

Tính đến 31/12/2023, Vietnam Airlines đã thanh toán đầy đủ 220 tỷ đồng lãi vay cho các tổ chức tín dụng. Theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và các hợp đồng tín dụng, từ tháng 7 đến tháng 12/2024, Vietnam Airlines có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số nợ gốc vay.

Tuy nhiên, trước hệ lụy từ đại dịch Covid-19 và môi trường kinh doanh tiếp tục biến động, nhiều rủi ro, trạng thái tài chính năm 2024 của Vietnam Airlines chưa được cải thiện như kỳ vọng.

Dự kiến đến cuối năm 2024, vốn chủ sở hữu công ty mẹ Vietnam Airlines và hợp nhất vẫn âm lần lượt là 8.237 tỷ đồng và 13.108 tỷ đồng. Vay ngắn hạn (bao gồm khoản vay từ nguồn tái cấp vốn) và nợ quá hạn của Vietnam Airlines ở mức cao, trong đó khoản vay tái cấp vốn có thời hạn hoàn trả từ tháng 7/2024 cùng nhiều khoản nợ từ giai đoạn trước sẽ đến hạn phải trả trong năm 2024.

Ngoài ra, dòng tiền trong năm 2024 của Vietnam Airlines tiếp tục thâm hụt. Các giải pháp tái cơ cấu tài sản và cơ cấu danh mục đầu tư không triển khai kịp nên Vietnam Airlines không thể trả nợ khoản vay tái cấp vốn đúng hạn.

Từ thực tiễn trên, Chính phủ đề xuất thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm; lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.

Tin bài liên quan