Taekwang “rập rình” mua lại Gemadept

Taekwang “rập rình” mua lại Gemadept

(ĐTCK) Nếu đạt được thỏa thuận với các trái chủ của Công ty cổ phần Gemadept (GMD), Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) sẽ có cơ hội trở thành cổ đông lớn của công ty hàng đầu trong lĩnh vực cảng, logistics và vận tải biển ở Việt Nam.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của GMD cuối tuần qua, trả lời câu hỏi của cổ đông về tính xác thực của thông tin Taekwang (một tập đoàn lớn của Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực sợi tổng hợp, dệt may, hóa dầu…, đang đặt cơ sở sản xuất giày dép tại Việt Nam) ngỏ ý mua cổ phần GMD, ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc GMD cho biết đã tiếp xúc với Taekwang một lần.

“Tuy nhiên, Công ty sẽ không phát hành cổ phiếu mới cho họ. Nếu muốn mua, họ phải mua trên thị trường, mua nhiều thì sẽ trở thành cổ đông lớn và với lượng hàng hóa lớn về giày dép, phân bón, xi măng của họ sẽ rất tốt cho hoạt động của GMD thì chúng ta đồng ý thôi”, ông Minh nói.

Trong khi đó, GMD đã trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành thêm 109 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi khoản vay 40 triệu USD cho các trái chủ là VI (Vietnam Investment) Fund II, l.P và bà Lê Thúy Hương.

Sau khi phát hành, Quỹ VI Fund và bà Hương sẽ sở hữu lần lượt là 30,41% và 7,34% vốn điều lệ của GMD (2.883 tỷ đồng). Mức giá phát hành là 10.640 đồng/cổ phiếu. Mức giá này đã khiến cổ đông GMD lo ngại một lượng hàng lớn giá rẻ pha loãng giá cổ phiếu GMD.

Khoản nợ vay 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi này GMD đã phát hành cho VI Fund từ hồi giữa năm 2012. Khi đó, thị giá cổ phiếu GMD dưới 20.000 đồng/cổ phiếu. Sau 5 năm, tỷ suất lợi nhuận trái chủ nhận được là 4 lần giá mua, chưa kể lãi suất trái phiếu 6%/năm.

Ông Minh cho biết, theo cam kết thì đối tác sở hữu cổ phiếu chuyển đổi từ trái phiếu không được bán trước thời hạn 1 năm và “sẽ tìm đối tác chiến lược thích hợp để chuyển nhượng cổ phần nhằm tránh biến động giá cổ phiếu”.

Nếu Taekwang đạt được thỏa thuận mua lại phần vốn góp của các trái chủ hiện nay thì hoàn toàn có thể trở thành cổ đông lớn của GMD ở mức tối thiểu là gần 31% vốn (mua lại của VI Fund) và về lâu dài có thể sở hữu cao hơn tỷ lệ có quyền phủ quyết là 35%. 

Nhưng đó là chuyện của ít nhất 1 năm tới, còn trước mắt, điều mà cổ đông GMD đặc biệt quan tâm là kế hoạch thoái vốn của GMD tại các công ty con. Câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra là khoản tiền thu về từ bán vốn góp vào công ty con có đủ lớn để hấp dẫn với nhà đầu tư nắm giữ hay tiếp tục mua vào cổ phiếu GMD ở mức P/E tương đối cao hiện nay.

Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), ở mức giá hiện tại là 42.000 đồng/cổ phiếu, P/E của GMD đang ở mức tương đối cao (hơn 26 lần). Tại Đại hội đồng cổ đông, GMD công bố khoản cổ tức đặc biệt mà Công ty dự kiến chi trả cho cổ đông khi hoàn thành việc thoái vốn khỏi các công ty như đã công bố là 85% và nếu kịp chốt cùng với cổ tức 2016 là 15% thì cổ đông nhận cổ tức 100%. Như vậy, ở mức giá hiện nay, nhà đầu tư sẽ được hưởng cổ tức trên thị giá xấp xỉ 25%.

Theo thông tin mà Tổng giám đốc GMD trình bày tại Đại hội đồng cổ đông thì khả năng bán thành công vốn góp như kế hoạch trình cổ đông là khả thi.

Cụ thể, dự án cao su đã có nhiều đối tác quan tâm và đang đàm phán với đối tác ban đầu và năm nay có thể hoàn thành việc đàm phán. Việc bán nốt 15% cổ phần của Cao ốc GMD cho CJ Việt Nam thu về 140 tỷ đồng lợi nhuận 100 tỷ đồng. Với cảng Quốc tế Hoa Sen đã ký biên bản hợp tác với đối tác Hàn Quốc nên khả năng bán là chắc chắn.

Thương vụ này dự kiến thu về 177 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận 100 tỷ đồng. Thương vụ thoái 25% vốn góp tại cảng Gemalink, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 50% đang đàm phán bước 2, có thể hoàn thành trong năm nay, nhưng chưa có giá chuyển nhượng.

Mảng vận tải biển và logistic được định giá 250 triệu USD nếu bán 50% sẽ thu về một nửa giá này. Hiện đã có đối tác muốn mua ngay mảng này, nhưng GMD đang cân nhắc để chọn cổ đông hợp lý.

Như vậy, với những thông tin được tiết lộ thì GMD có thể thu về khoảng 3.000 tỷ đồng từ các thương vụ thoái vốn, chưa kể mảng cao su và 25% cổ phần Gemalink.

Với mức cổ tức 100%, ước tính, GMD sẽ dùng số tiền 2.883 tỷ đồng để trả cổ tức (trong trường hợp các trái chủ thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu trước ngày chốt danh sách cổ đông chia cổ tức).

Về kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới, Hội đồng quản trị GMD đặt mục tiêu đến năm 2020, GMD trở thành nhà khai thác cảng và logistic hàng đầu với cầu cảng dài gấp 4 lần và công suất gấp nhiều lần hiện nay.

GMD đã quyết định đầu tư cảng Gemalink, dự kiến đưa vào khai thác từ tháng 6/2019. Cảng Nam Đình Vũ đang được đầu tư, dự kiến tháng 12/2017 đưa vào hoạt động giai đoạn 1 và theo Ban lãnh đạo GMD, phấn đấu năm đầu tiên hoạt động, cảng Nam Đình Vũ đạt 50% công suất và lợi nhuận đạt 100 tỷ đồng.

Năm 2017, GMD đặt kế hoạch doanh thu 3.743 tỷ đồng, có khả năng vượt kế hoạch 5% và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 389 tỷ đồng.

Tin bài liên quan