Gần đây, do không được phân giao vốn ngân sách, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xin chuyển lại về Bộ Giao thông - Vận tải. Ông bình luận gì xung quanh câu chuyện này?
Đầu tiên là nguồn tiền cho hoạt động bảo trì và trả lương cho cán bộ, nhân viên từ nguồn phân giao ngân sách nhà nước. Là tiền lương lẽ ra phải là tiền của doanh nghiệp, bản chất nó phải lấy từ doanh thu của doanh nghiệp.
Nhưng vì nhiệm vụ chính trị - xã hội và nhiệm vụ kinh tế của Tổng công ty Đường sắt là không rõ ràng, cho nên nguồn tiền chi trả lại trở thành nguồn tiền của quản lý nhà nước.
Chính vì không tách bạch được 2 nhiệm vụ này nên hiện vẫn có tình trạng lấy tiền đầu tư công để trả lương, gốc gác vấn đề là ở điểm này.
Trong thời điểm hiện tại thì chưa có nguồn khác được, vẫn phải lấy từ nguồn ngân sách, mà pháp luật quy định là phải qua phân bổ từ Bộ Giao thông - Vận tải, nên mới dẫn tới đề xuất chuyển Tổng công ty Đường sắt về Bộ. Điều này tiếp tục cho thấy câu chuyện xác định chức năng, nhiệm vụ của tổng công ty này có vấn đề.
Câu chuyện cũng cần xem xét ở khía cạnh là đầu tư công để dành cho phát triển kinh tế xã hội, song lại dùng để đi trả cho chi tiêu thường xuyên. Không chỉ riêng đường sắt, mà các ngành, lĩnh vực khác như điện, cơ sở hạ tầng… cũng gặp vấn đề tương tự.
Cơ chế này cần phải khẩn trương sửa đổi.
Tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt lý luận rằng, họ làm nhiệm vụ công ích nên cần được phân giao nguồn vốn ngân sách?
Đây chính là vấn đề đặt ra khi bước trung gian là xác định chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty Đường sắt không chuẩn mực từ gốc.
Là cơ quan chủ sở hữu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) cần xác định điều này, song hơn 1 năm được bàn giao, việc xác định vẫn chưa xong, kế hoạch sản xuất - kinh doanh chưa được phê duyệt thì việc thực hiện càng khó khăn hơn.
Vậy theo ông nên có hướng giải quyết như thế nào để tháo gỡ được vướng mắc hiện nay, cũng như khắc phục căn cơ tận gốc về lâu dài?
Để giải quyết khó khăn trước mắt cho Tổng công ty Đường sắt thì các bên liên quan như Bộ Giao thông - Vận tải, SMSC cần có sự phối hợp đồng bộ và đặc biệt, phải có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành phải giải quyết rốt ráo thì mới tháo gỡ được.
Tạm thời Bộ Giao thông - Vận tải có thể chuyển giao một phần chi phí trực tiếp cho Tổng công ty đường sắt thông qua trình lên Chính phủ, Quốc hội ra nghị quyết, hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn áp dụng luật. Quan trọng là phải bàn bạc nhất trí, đặc biệt là sự phối hợp đồng thuận, ăn ý của các bộ và SMSC.
Về lâu dài, để giải quyết triệt để vấn đề thì phải tách bạch được mục tiêu kinh doanh với nhiệm vụ chính trị - xã hội của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Có như vậy thì mới có thể xây dựng cơ chế thông suốt cho tất cả các doanh nghiệp này.
Có thể xem xét theo hướng có một chính sách chung cho sản phẩm dịch vụ công ích. Hiện nay, Bộ Tài chính đã thực hiện, nhưng chỉ áp dụng cho các sản phẩm dịch vụ công ích của doanh nghiệp của địa phương (doanh nghiệp công ích thông thường), có nghĩa là Nhà nước đảm bảo chi phí bù đắp tối thiểu cho sản phẩm dịch vụ công ích đó theo mức bù đắp tối thiểu và có lợi nhuận, tương tự như dịch vụ xe bus tư nhân.
Còn trường hợp này liên quan đến nguồn tiền phụ thuộc vào Luật Đầu tư công và Luật Đường sắt, không như các địa phương, nên cần tính tới có luật mới quy định về chính sách cho các sản phẩm dịch vụ công ích.
Luật này cần bao trùm để loại ra được các quy định bất hợp lý của Luật Đường sắt, Luật Đầu tư công và các luật chuyên ngành về đường sắt, điện lực, hàng không vốn đều có các điều khoản quy định tương tự.