Tác nghiệp báo chí: Đừng để mãi là cuộc chiến không cân sức

0:00 / 0:00
0:00
Gánh vác nhiệm vụ chống tiêu cực, nhiều khi tiên phong, báo chí và nhà báo điều tra như đang trong cuộc chiến không cân sức, đối diện với nhiều trở ngại, hiểm nguy…
Tác nghiệp báo chí: Đừng để mãi là cuộc chiến không cân sức

Có một sự thật, báo chí là cánh cửa cuối cùng mà doanh nghiệp, người dân bị oan sai “gõ” tới, sau khi cùng đường. Trong khi đó, nhà báo chống tiêu cực lại chỉ có ngòi bút, không có công cụ hỗ trợ hay phán xử. Thế nên, gánh vác nhiệm vụ chống tiêu cực, nhiều khi tiên phong, báo chí và nhà báo điều tra như đang trong cuộc chiến không cân sức, đối diện với nhiều trở ngại, hiểm nguy…

Vinh quang

Tờ báo có tiếng nói chống tiêu cực mạnh và những nhà báo điều tra thường rất được ngưỡng mộ. Nếu đứng trên giảng đường kể về những khoảnh khắc gian nguy và vượt hiểm, nhà báo sẽ cảm nhận được ngay sự thán phục của sinh viên báo chí. Nếu bước vào căn nhà của nông dân, nhà báo sẽ gặp đôi mắt thán phục, gửi gắm niềm tin của những người thấp cổ bé họng.

Tờ báo có tính chiến đấu mạnh và nhà báo điều tra có tên tuổi luôn là nỗi e ngại của quan chức “có vấn đề” hay doanh nghiệp sai phạm. Nhiều vụ án tham nhũng, nhiều vấn đề tiêu cực được đưa ra ánh sáng trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của báo chí.

Điển hình như vụ án Trịnh Xuân Thanh, “mắt xích” đầu tiên là do báo chí phát hiện đối tượng đi xe ô tô cá nhân gắn biển số xanh trái quy định. Từ đó, hàng loạt sai phạm của đối tượng trong quá khứ đã được báo chí phanh phui, là cơ sở cho các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh và xử lý.

Tương tự, báo chí cũng góp công “đưa ra ánh sáng” hàng loạt dự án đầu tư cả ngàn tỷ đồng chưa đưa vào hoạt động, gây thất thoát, lãng phí tài sản công rất lớn như: Dự án Mở rộng giai đoạn II Nhà máy Gang thép Thái Nguyên; Nhà máy Đạm Ninh Bình; 3 dự án nhà máy sản xuất ethanol Tam Nông, Bình Phước, Dung Quất; Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng)…

Báo chí cũng “chiến đấu” quyết liệt để bảo vệ quyền lợi chính đáng, thậm chí còn “cứu” cả một doanh nghiệp. Đơn cử, mới đây, Báo Đầu tư có loạt bài phản ánh việc kiểm tra và kết luận bất thường đối với Vinamit của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cũng như thanh tra tỉnh này. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp vào cuộc, làm rõ và việc thanh tra phải dừng lại.

Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, từ sau Ðại hội Ðảng lần thứ XII đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được Ðảng, Nhà nước ta triển khai quyết liệt hơn với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Nhiều cơ quan báo chí, nhiều phóng viên đã có thông tin, phản ánh sinh động công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận và phản ánh đa dạng, chính xác, góp phần cổ vũ, động viên các cơ quan pháp luật điều tra, xử lý có hiệu quả, tạo hiệu ứng dư luận xã hội tích cực, lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân.

Cay đắng bên ngoài

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó tổng thanh tra Chính phủ từng nói: “Dân không tham nhũng, tiêu cực”. Nghĩa là, chỉ những người có quyền lực, có chức vụ mới có điều kiện để tham nhũng, tiêu cực. Tất nhiên, đó chính là đối tượng của báo chí chống tham nhũng, tiêu cực.

Điều oái oăm là, những đối tượng có tri thức và ít nhiều am hiểu pháp luật hơn người dân đó lại phạm luật khi cản trở báo chí tác nghiệp bằng mọi cách.

Đơn giản và phổ biến là yêu cầu phóng viên dù có thẻ nhà báo vẫn phải xuất trình giấy giới thiệu, thậm chí cả giấy tờ chứng minh đang công tác tại cơ quan báo chí (như hợp đồng lao động…). Trong khi, theo Luật Báo chí, thì Thẻ Nhà báo hoàn toàn có thể thay thế cho giấy giới thiệu của cơ quan. Chỉ trong trường hợp phóng viên chưa được cấp Thẻ Nhà báo, thì mới cần phải trình giấy giới thiệu của cơ quan khi tác nghiệp.

Nhà báo có thể gặp chiêu… hẹn, tức người tiếp nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị ghi lại câu hỏi, nội dung cần tìm hiểu để báo cáo lãnh đạo và chờ trả lời. Rốt cuộc, có khi sau 1 tuần, 1 tháng hoặc lâu hơn, nhà báo mới có được hồi đáp, khiến những đề tài “nóng” trở thành “nguội ngắt”.

Đáng nói, không chỉ Đảng, Nhà nước xem trọng báo chí chống tham nhũng, tiêu cực, mà theo ông Trần Nhật Minh, Giám đốc Viện nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED Communication), luật pháp Việt Nam đã quá đầy đủ để bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo và cơ quan báo chí.

Cụ thể, Luật Báo chí (năm 2016) quy định các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật...

Bất kỳ hành vi xâm phạm tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp đều bị xử lý theo quy định pháp luật với các quy phạm tương ứng trong Bộ luật Hình sự… Thậm chí, Bộ luật Hình sự còn chi tiết, ghi nhận hành vi “xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” là một hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù, ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là “cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm”.

Luật quy định đầy đủ, nhưng cũng theo nghiên cứu của RED Communication (năm 2011 - 2018) và thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2017, đã có 135 vụ cản trở, tấn công nhà báo đang tác nghiệp. Còn từ năm 2018 tới nay, theo ông Trần Nhật Minh, số vụ cản trở giảm, trung bình khoảng 10 vụ/năm; chỉ có khoảng 30% vụ việc không được xử lý theo quy trình pháp luật.

Nghiệt ngã… bên trong

Để có được bài viết đến tay bạn đọc, chỉ với “con ngựa sắt”, ngòi bút, chiếc máy ảnh, bất kể nửa đêm hay rạng sáng, cứ nơi nào nguy hiểm mà người ta lao ra, thì nhà báo lại lao vào, dù bụng chưa hạt cơm và chiếc áo mỏng chính là đồ bảo vệ. Rồi khi đặt bút, họ phải cân não từng con chữ, đấu trí, đấu luật, mà chỉ cần sai một từ, một câu hoặc thiếu một con số 0, sẽ bị “phản đòn”, nhẹ thì bị kiện ra tòa hành chính, nặng thì “bóc lịch”.

Đó là chưa nói, bán trí, bán sức, bán mạng để đổi lấy khoản nhuận bút ít ỏi nếu sản phẩm được đăng; còn không, hoặc do tôn chỉ mục đích, hoặc bởi chỉ đạo…, thì trí, sức cũng theo gió bụi.

Những cản trở bên ngoài có thể xem là quy luật cuộc sống vốn dĩ luôn có 2 mặt, là thử thách để nhà báo vượt qua. Nhưng đôi khi, ngay chính những quy định của cơ quan báo chí lại làm lụi đi ngọn lửa chiến đấu của nhà báo. Có những tờ báo vì áp lực kinh tế trước xu hướng lên ngôi của báo điện tử đã chọn view bằng mọi giá với cơ chế KPI (Chỉ số Đánh giá hiệu quả công việc) đánh đồng, cào bằng thể loại. Trong khi, thể loại chống tiêu cực, tham nhũng thường ít view hơn những tin, bài có tính giật gân, sốc, sến.

Báo chí chạy theo view dẫn tới bi hài đến mức khó tin, khi 1 bài điều tra chấn động đánh đổi cả an nguy tính mạng, thời gian, công sức, trí não của nhà báo, được cơ quan trung ương quan tâm chỉ đạo làm rõ lại thua view, thua nhuận bút một bài được gọi là “đáp ứng thị hiếu”.

Ít view, nhuận bút thấp, thậm chí không có nhuận bút dẫn tới nhà báo điều tra không hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế đó khiến không ít nhà báo điều tra nổi danh một thời cay đắng buông bút, hoặc “hòa nhập” theo kiểu viết để có view. Điều này dẫn tới hệ quả là có thể hình thành cả một thế hệ phóng viên chỉ làm việc với tư duy “câu view”, lụi tàn khả năng phát hiện, phân tích, đánh giá sâu vấn đề.

Và nữa, có cơ quan báo chí áp dụng định mức chỉ tiêu cho nhà báo, với cơ chế cào bằng thể loại, số lượng, dẫn đến điều bất cập tới phi lý. Đó là, ngay cả cơ quan công an có khi cũng mất hàng tháng, thậm chí hàng năm mới hoàn thành điều tra một vụ sai phạm. Trong khi đó, nhà báo viết điều tra chống tiêu cực, tham nhũng chỉ có “ngọn lửa” yêu nghề cùng ngòi bút, mà buộc phải viết tới 5 - 7 bài (có thể là 5 - 7 vụ việc) trong 1 tháng mới đủ chỉ tiêu để được xếp “hoàn thành nhiệm vụ”.

Những phi lý đó tồn tại sẽ làm tắt dần ngọn lửa nghề của những nhà báo điều tra vốn xem đó là “nghiệp”, còn tờ báo chẳng khác gì tự chặt đi cánh tay, loại bỏ sức mạnh của chính mình.

Cho nên, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, muốn đáp ứng được nhiệm vụ chính trị, hoàn thành mục tiêu kinh tế, chiếm được niềm tin của độc giả, việc đầu tiên là nội tại tờ báo phải tự thay đổi. Bởi chắc chắn, vẫn có một bộ phận không nhỏ độc giả cần những thông tin nghiêm túc, có ích và đây cũng là đòi hỏi của xã hội tiến bộ.

Tin bài liên quan