IFRS tác động ra sao lên doanh nghiệp?
Việc áp dụng IFRS có thể đem lại nhiều ảnh hưởng tích cực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập và phát triển. Các tác động lớn nhất phải kể đến là tiết giảm chi phí huy động vốn, tăng cường năng lực quản trị nội bộ và nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp.
Giảm chi phí huy động vốn: Quan sát của PwC trên phạm vi toàn cầu cho thấy, các doanh nghiệp đều nhận thấy chi phí huy động vốn giảm khi áp dụng các tiêu chuẩn IFRS. Các tiêu chuẩn IFRS đem lại cho các công ty “tấm hộ chiếu” để thâm nhập vào nhiều thị trường vốn trên thế giới, bao gồm cả châu Âu và Hoa Kỳ. Khi một công ty áp dụng các tiêu chuẩn IFRS tức là công ty đó công khai cam kết các tiêu chuẩn cao nhất về thông tin tài chính và bảo vệ nhà đầu tư. Doanh nghiệp có nhu cầu cao về vốn, đặc biệt là từ vốn đầu tư nước ngoài sẽ thấy rõ tác động này sau khi chuyển đổi.
Hoàn thiện công tác quản trị nội bộ: Các chuẩn mực IFRS đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ các quy trình quản trị nội bộ với các thông tin tài chính được lập. Các thông tin tài chính IFRS sẽ có tác động phản biện lại về tính hiệu quả của các quy trình quản trị nội bộ, tạo ra các thay đổi tích cực.
Thông tin tài chính phản ánh sát thực tế hơn: Với việc cập nhật các chuẩn mực về giá trị hợp lý và coi trọng bản chất hơn hình thức, nhiều tài sản hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được đánh giá lại một cách thường xuyên bằng các mô hình định giá khác nhau để đảm bảo số liệu thể hiện trên báo cáo tài chính phù hợp với khả năng sinh lời của các tài sản này, thay vì sử dụng phương pháp ghi nhận theo giá gốc như Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS).
Các doanh nghiệp với các tài sản đầu tư lớn, nhưng khả năng sinh lời chưa thực sự hiệu quả, hoặc các doanh nghiệp có nhiều khoản mục đầu tư sẽ có nhiều tác động mạnh khi áp dụng hệ thống IFRS. Các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng được dự đoán là có thay đổi trọng yếu về tình hình tài chính do Việt Nam hiện nay không có chuẩn mực về công cụ tài chính, nhưng đây lại là một trong những chuẩn mực rất phức tạp của IFRS.
Những thách thức chính khi triển khai IFRS là gì?
IFRS tạo ra các cơ hội hợp tác kinh doanh mới, tạo động lực cho sự cải tổ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đi kèm với đó là các trở ngại, thách thức lớn. Trở ngại từ việc chuyển đổi báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS không đơn thuần là vấn đề về kế toán, IFRS còn có thể ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Các vấn đề cụ thể doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý:
IFRS có thể ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.
Nguồn nhân lực: Thực tế nguồn nhân lực sẵn sàng để triển khai IFRS còn khá hạn chế tại Việt Nam. Hiện nay, phần lớn các cơ sở đào tạo tại Việt Nam chưa có chương trình giảng dạy bài bản về IFRS cho sinh viên và các chuyên gia hành nghề kế toán, kiểm toán. Doanh nghiệp nên phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp và công ty kiểm toán uy tín quốc tế để trang bị đầy đủ kiến thức cho đội ngũ quản lý và nhân viên, tạo điều kiện cho việc áp dụng vào thực tế được dễ dàng hơn.
Tác động tài chính: Doanh nghiệp có thể gặp phải tình trạng bị động khi triển khai do tác động tài chính không mong muốn, hay tình trạng ban lãnh đạo thiếu thông tin dự báo về các tác động đối với báo cáo tài chính khi chuyển từ VAS sang IFRS.
Hệ thống thông tin tài chính: Việc áp dụng IFRS đòi hỏi sự tiên tiến trong hệ thống công nghệ thông tin, nhằm hỗ trợ quá trình thu thập, xử lý thông tin cũng như kết nối mọi hoạt động từ tất cả các phòng ban trong nội bộ cũng như bên ngoài doanh nghiệp. Hệ thống thông tin tài chính hiện tại có thể không cung cấp đủ các thông tin cần thiết để tính toán khác biệt, dẫn đến ý kiến kiểm toán có thể bị ngoại trừ. Khái niệm ERP - Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp đã không còn quá xa lạ đối với hầu hết doanh nghiệp ở Việt Nam, tuy nhiên, để triển khai tích hợp IFRS thực sự là một thách thức rất lớn.
Quy trình nội bộ: Các quy trình nội bộ hiện tại có thể không còn phù hợp và cần được điều chỉnh, do triển khai IFRS yêu cầu sự gắn kết chặt chẽ giữa các bộ phận hoạt động với thông tin tài chính. Một sơ đồ tổ chức hiệu quả, lược bỏ sự cồng kềnh, chú trọng tăng năng suất hiệu quả sẽ là bước đi mà doanh nghiệp cần thực hiện.
Quản trị kỳ vọng của các bên liên quan: Các bên liên quan có thể có các mục tiêu và kỳ vọng khác nhau, có thể dẫn đến mâu thuẫn khi triển khai IFRS. Ðiều này yêu cầu doanh nghiệp phải xác định rõ các bên liên quan và đánh giá tác động từ các thay đổi thông tin tài chính, từ đó xây dựng kế hoạch quản trị kỳ vọng của mỗi nhóm đối tác quan trọng.
Mọi câu hỏi về quản trị công ty và các vấn đề liên quan, độc giả vui lòng gửi về địa chỉ vn.enquiries@vn.pwc.com để nhận được tư vấn từ các chuyên gia của PwC.