Đồng ruble Nga (bên trái) và đồng đôla Mỹ. (Ảnh: Sputnik/TTXVN).
Trong sáu tháng kể từ khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, các thị trường tài chính toàn cầu đã biến động mạnh.
Nguy cơ suy thoái kinh tế ở châu Âu hiện gần như là chắc chắn, khi giá khí đốt, mặt hàng thiết yếu đối với các gia đình và ngành công nghiệp, tăng hơn ba lần chỉ trong tháng Sáu, do lo ngại Nga sẽ cắt nguồn cung, khiến nhiều nước phải phân phối năng lượng.
Các thị trường nông sản trồi sụt sau khi xung đột nổ ra nhưng đã cho thấy sự linh hoạt sau đó. Lúa mỳ và ngô, hai mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Ukraine và Nga, đã giảm mạnh trở lại sau khi tăng vọt, trong khi giá dầu mỏ, nguồn thu chính của Nga, đã hạ nhiệt.
Việc giá năng lượng và lương thực tăng mạnh cùng với những căng thẳng của chuỗi cung ứng hậu đại dịch đã khiến lạm phát trên toàn cầu cao kỷ lục kể từ những năm 1970.
Điều này đã tác động đến các thị trường trái phiếu, đặc biệt là ở những nước mà chi phí đi vay tăng và những lo ngại về nguy cơ vỡ nợ lớn hơn.
Đồng euro để mất hơn 12% giá trị kể từ đầu năm, giảm mạnh nhất kể từ khi ra đời vào năm 1999, khi việc Nga giảm nguồn cung khí đốt được cho là sẽ tác động mạnh đến các nền kinh tế lớn trong Khu vực sử dụng đồng euro phụ thuộc vào nước này như Đức và Italy.
Lượng khí đốt của Nga được vận chuyển qua các đường ống chính tới châu Âu đã giảm khoảng 75% kể từ đầu năm, khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu cho rằng Nga đang vũ khí hóa nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Sự phụ thuộc của Đức và Italy vào Nga đã khiến thị trường chứng khoán các nước này nằm trong số những thị trường giảm mạnh nhất thế giới.
Những nước gần khu vực chiến sự như Ba Lan và Hungary cũng chứng kiến thị trường chứng khoán và đồng tiền lao dốc.
Trái phiếu của những nước nhập khẩu nhiều khí đốt và lúa mỳ cũng không tránh được việc chịu ảnh hưởng.
Giá cổ phiếu của các công ty hóa chất giảm mạnh nhất kể từ khi nổ ra xung đột, do khí đốt tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất của các công ty này.
Các nhà sản xuất phụ tùng ôtô cũng chịu tác động mạnh, do Nga là thị trường lớn của các nhà sản xuất như VW và Mercedes, và một phần là do Ukraine cùng với Nga cũng là những nhà cung cấp phụ tùng.
Chỉ số đo lường sự biến động của các thị trường từ chứng khoán và trái phiếu đến dầu mỏ và tỷ giá euro-USD tăng mạnh sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2, trước khi giảm sau đó.
Tuy nhiên, các chỉ số lại vọt lên trong tháng này, khi những lo ngại về suy thoái và năng lượng một lần nữa gia tăng.
Xung đột Nga-Ukraine được cho là một yếu tố đưa đến việc S&P Global hạ bậc xếp hạng tín nhiệm hoặc hạ triển vọng gần 250 lần kể từ cuối tháng Hai.
Ukraine đã vỡ nợ khi xung đột khiến nền kinh tế nước này lao đao.
Các biện pháp trừng phạt cũng khiến Nga lần đầu tiên vỡ nợ nước ngoài trong nhiều thập niên và trên 25 tỷ USD nợ của doanh nghiệp chưa được thanh toán.
Các thương hiệu lớn, từ Nike và Coca-Cola tới IKEA và Apple, nằm trong số hơn 1.000 doanh nghiệp nước ngoài đã rời khỏi Nga hoặc công bố kế hoạch thu hẹp hoạt động ở nước này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp khác vẫn hoặc là tiếp tục hoạt động hoặc duy trì các hoạt động thiết yếu không thể bán.