Tác động của việc nâng lãi suất của Nhật Bản có thể sớm tấn công thị trường tài chính toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà kinh tế học Herb Stein có một câu nói nổi tiếng rằng: "Khi một thứ gì đó không thể tiếp tục mãi thì nó sẽ dừng lại". Kinh nghiệm trong kinh tế học cho thấy rằng, khi một thứ gì đó không bền vững dừng lại, nó thường dừng lại bằng một tiếng nổ chứ không phải tiếng thút thít.
Tác động của việc nâng lãi suất của Nhật Bản có thể sớm tấn công thị trường tài chính toàn cầu

Nền kinh tế Nhật Bản đang có tất cả các dấu hiệu của sự không bền vững, làm tăng khả năng quốc gia này có thể sẽ sớm trở thành nguồn gốc của các làn sóng chấn động kinh tế toàn cầu. Điều đó có thể xảy ra sau khi có quyết định bổ nhiệm thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào tháng 4.

Trong khi phần còn lại của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang tích cực thắt chặt chính sách tiền tệ, thì BOJ có thể chấm dứt chính sách nới lỏng định lượng lâu dài của mình.

Có thể nhận định rằng, tình hình tài chính công của Nhật Bản là không bền vững. Điều này sẽ đặc biệt đúng trong một thế giới mà lãi suất của Nhật Bản cao hơn. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ tổng nợ công của Nhật Bản trên tổng sản phẩm quốc nội là khoảng 260%, khoảng gấp đôi tỷ lệ tương ứng ở Mỹ.

Có rất ít triển vọng rằng Nhật Bản có thể tự tăng trưởng từ núi nợ công của mình. Dân số Nhật Bản đang già đi nhanh chóng và tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng chỉ ở mức 0,5%. Trong khi đó, với việc đất nước dự kiến sẽ thâm hụt ngân sách cơ bản trong chừng mực, có nhiều khả năng tỷ lệ nợ công của Nhật Bản có thể tăng cao hơn nữa. Đó sẽ là trường hợp đặc biệt nếu Chính phủ Nhật Bản phải đi vay với lãi suất cao hơn so với lãi suất cực thấp mà họ có thể đi vay hiện nay.

Chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng của BOJ là yếu tố chính giúp chính phủ Nhật Bản duy trì hoạt động. BOJ đã giữ lãi suất ở mức thấp giả tạo và tham gia vào việc kiểm soát đường cong lợi suất. BOJ đã can thiệp mạnh mẽ vào thị trường trái phiếu chính phủ để giữ cho lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn không tăng trên mức 0,5%.

Chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng này đã dẫn đến sự mở rộng lớn về quy mô bảng cân đối kế toán của BOJ. Quy mô bảng cân đối kế toán hiện tương đương với 135% GDP, gấp hơn 3 lần tỷ lệ tương ứng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Chính sách này cũng đã dẫn đến sự sụt giảm lớn của đồng yên và lạm phát tăng đột biến. Năm ngoái, đồng yên đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la Mỹ, góp phần quan trọng vào việc lạm phát giá cơ bản của Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua là 4,25%.

Nhiệm kỳ của Thống đốc Haruhiko Kuroda hiện tại sẽ kết thúc vào ngày 8/4, và người thay thế ông vẫn chưa được nêu tên. Nhưng có vẻ như, vị thống đốc mới rất có thể sẽ xem xét sự lại chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng, vào thời điểm mà lạm phát của Nhật Bản đang ở mức cao hơn gấp đôi so với mục tiêu lạm phát 2% của BOJ. Điều đó rất có thể là dấu hiệu cho sự kết thúc đối với việc kiểm soát đường cong lợi suất của BOJ, cũng như đối với chính sách tràn ngập thanh khoản trên thị trường tài chính toàn cầu.

Một sự đảo ngược trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản có thể sẽ có tác động lớn đối với thị trường tài chính thế giới. Nhật Bản sẽ không còn cung cấp thanh khoản cho thị trường tài chính thế giới vào thời điểm mà cả Fed và ECB đều đang rút thanh khoản thị trường thông qua các chính sách thắt chặt định lượng. Ngoài ra, một sự phục hồi mạnh của đồng yên Nhật có thể sẽ diễn ra. Điều đó cũng sẽ gây thêm áp lực cho thị trường tín dụng và chứng khoán toàn cầu vốn đã chững lại.

Tệ hơn nữa, việc tăng lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản ngoài dự đoán có thể gây ra sự cố trên thị trường tài chính Nhật Bản, vì các tổ chức tài chính mất cảnh giác. Những sự cố tài chính tương tự có thể xảy ra như năm ngoái, khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Anh tăng đột biến sau khi thủ tướng lúc bấy giờ là Liz Truss thông qua kế hoạch ngân sách nhỏ đã gây ra những vấn đề lớn cho các quỹ hưu trí của Anh. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sau đó đã phải can thiệp vào thị trường trái phiếu chính phủ với số tiền 65 tỷ USD để giải quyết các vấn đề.

Một ngân hàng trung ương lớn có thể hãm phanh chính sách tiền tệ vào thời điểm thế giới chìm trong nợ nần. Đó sẽ là một bước ngoặt nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, BOJ có thể không còn có sự lựa chọn nào khác trong bối cảnh lạm phát gia tăng của Nhật Bản.

Theo Desmond Lachman, thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Mỹ và từng là Phó giám đốc Ban Đánh giá và Phát triển Chính sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chúng ta phải hy vọng rằng Fed đang theo dõi chặt chẽ nền kinh tế Nhật Bản. Và Fed có thể cần phải từ bỏ kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa trong trường hợp BOJ gây ra sự bất ổn trên thị trường tài chính.

Tin bài liên quan