Tỷ giá VND/USD bật tăng, hiện ở mức 24.088 đồng/USD

Tỷ giá VND/USD bật tăng, hiện ở mức 24.088 đồng/USD

Tác động của tỷ giá bị khuyếch đại

(ĐTCK) Năm ngoái, tỷ giá tăng mạnh song không quá gây chú ý khi có nhiều thông tin xấu, thế nhưng năm nay lại khác, tác động của tỷ giá tăng dường như bị khuếch đại.

Hút tiền về: Nhà quản lý phát tín hiệu gì?

Kết quả đấu thầu thị trường mở trong phiên ngày 29/9 cho biết, Ngân hàng Nhà nước rút khỏi hệ thống 3.800 tỷ đồng thông qua việc tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày, điều này cũng có nghĩa số tiền này sẽ được đưa trở lại hệ thống vào ngày 27/10/2023. Đáng chú ý, lãi suất tín phiếu đấu thầu thành công đã nhích lên 1%/năm, từ mức xấp xỉ 0,6%/năm những phiên trước, đồng thời tỷ giá cũng giảm nhẹ xuống mức 24.300 đồng/USD.

Trước đó, ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước cũng rút khỏi hệ thống 20.000 tỷ đồng. Như vậy, trong gần 10 ngày, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu 7 phiên liên tiếp đạt 93.800 tỷ đồng đều có kỳ hạn 28 ngày và được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất.

Thực tế, giai đoạn tháng 2 đến tháng 3/2023, cơ quan quản lý đã quay trở lại hút ròng liên tục thông qua chào bán tín phiếu, thậm chí trong tháng 2 có đợt rút ròng khoảng 2 tuần lên đến 140.000 tỷ đồng, trước khi bơm tiền trở lại khi hết kỳ hạn. Còn nhớ năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước từng trong 1 tuần hút ròng 70.000 tỷ đồng. Do vậy, diễn biễn của những phiên vừa qua không phải là sự đột ngột với những người theo dõi thị trường, mà chỉ là tìm lời giải cho động thái của cơ quan quản lý.

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), Ngân hàng Nhà nước đang cẩn trọng quan sát và duy trì diễn biến tự nhiên của tỷ giá trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực đều yếu đi đáng kể so với USD. Bởi một mặt, phải giữ VND ở mức cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam cần kích thích xuất khẩu, các đồng tiền khác trong khu vực đều yếu đi đáng kể như CNY giảm 6%, baht Thái giảm 5,3%, ringgit Malaysia giảm 6,5%... Mặt khác, cần quan sát áp lực tỷ giá đẩy lên lạm phát trong thời gian tới. Vì vậy, động thái hút ròng liên tục của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua là giải pháp tạm thời nhằm đẩy lãi suất liên ngân hàng, hạn chế các hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng vẫn chưa nhích lên đáng kể sau những phiên vừa qua nên động thái này có thể còn tiếp diễn trong một vài ngày tới.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo cao cấp Maybank nhận định, quan sát lãi suất trúng thầu thấp cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn dư nhiều. Ngân hàng Nhà nước đang tính toán liều lượng hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng để đảm bảo vừa đủ đạt các mục tiêu là tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, từ đó giảm bớt áp lực cho tỷ giá, đồng thời không gây gián đoạn thanh khoản cho toàn bộ nền kinh tế và đảm bảo lãi suất cho vay sẽ tiếp tục xu hướng giảm.

Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI, mục đích của Ngân hàng Nhà nước là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và lượng tiền hút về cũng không quá nhiều (nếu so sánh với giai đoạn nửa cuối năm 2022) nhằm không gây ra căng thẳng thanh khoản trên thị trường này và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (khu vực định chế tài chính và dân cư). Bên cạnh đó, cần phải chú ý rằng, nghiệp vụ phát hành tín phiếu kỳ hạn là nghiệp vụ hút VND tại thời điểm hiện tại và sẽ bơm lại sau khi đáo hạn.

Các chuyên gia phân tích nhận định, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước có thể được xem như là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống, cũng là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP chưa có sự bứt phá rõ nét và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát (thấp hơn lạm phát mục tiêu của Chính phủ), khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ không được đánh giá cao, mà sẽ nghiêng nhiều về việc thận trọng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát như hiện tại.

Phản ứng thị trường chỉ là ngắn hạn

Chính sách tỷ giá tại thời điểm này không phải là vấn đề quá lớn, đặc biệt khi dự trữ ngoại tệ đã và đang tăng.

Trong khi đó, bà Trần Khánh Hiền cảnh báo: “Không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ dùng đến biện pháp can thiệp tỷ giá bằng dự trữ ngoại hối trong trường hợp diễn biến lạm phát các tháng tới tăng mạnh, hoặc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 11, đẩy chỉ số USD tăng lên mức đỉnh tương đương năm 2022”.

Quả vậy, vài tuần qua, USD duy trì sức mạnh khi chỉ số US Dollar Index (DXY) giao dịch trên mốc 105 điểm xuyên suốt. Ngày 28/9, chỉ số DXY đo lường biến động “đồng bạc xanh” với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,44%, đạt mốc 106,67 điểm - mức cao nhất trong 10 tháng.

Tâm điểm là thông điệp từ Fed thông qua cuộc họp FOMC tháng 9 và đúng như dự báo, lãi suất trong kỳ họp này không có sự thay đổi, nhưng cơ quan này khẳng định mức lạm phát trong dài hạn vẫn ở mức 2%. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tương đối nhanh và lạm phát vẫn ở mức cao như thời gian qua, biểu đồ Dot-plot của Fed cho thấy lãi suất kết thúc năm 2023 ở mức 5,6%/năm, đồng nghĩa với việc có một lần tăng nữa trong những tháng cuối năm, trước khi bắt đầu giảm trong năm 2024 xuống còn 5,1%/năm - chậm hơn so với dự báo xuống mức 4,6%/năm ở cuộc họp tháng 6.

Trên thị trường trong nước, diễn biến tỷ giá VND/USD bật tăng theo xu hướng của chỉ số DXY và tương đồng với biến động của các đồng tiền khác trong khu vực. Theo đó, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ngày 28/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 4 đồng/USD, hiện ở mức 24.088 đồng/USD.

Xung quanh diễn biến trên thị trường ngoại hối, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, đề cập đến câu chuyện tỷ giá cần nhìn 2 góc độ, đó là chính sách và thị trường.

Ở khía cạnh chính sách, theo ông Hùng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt khi nới rộng biên độ tỷ giá và các biến động thị trường vẫn nằm trong biên độ này, nghĩa là không có vấn đề gì lớn. Trên khía cạnh thị trường, tỷ giá là cung - cầu và việc giảm lãi suất chỉ là một yếu tố tác động đến cung - cầu. Người dân không giữ đồng tiền Việt Nam vì lãi suất thấp, chuyển sang giữ ngoại tệ khiến cầu tăng hay hoạt động xuất nhập khẩu đã có cải thiện…, nhưng diễn biến thực tế cho thấy chưa có nhu cầu ngoại tệ quá mức gây ra biến động lớn đối với tỷ giá.

“Do đó, những biến động trên thị trường ngoại hối những ngày qua liên quan đến động thái Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu, nhưng sau đó sẽ ổn định. Ngoài ra, chính sách tỷ giá tại thời điểm này cũng không phải là vấn đề quá lớn, đặc biệt khi dự trữ ngoại tệ đã và đang tăng”, ông Hùng nói.

Bà Hiền phân tích, tỷ giá tăng một phần do chỉ số DXY tăng, phần khác do chênh lệch lãi suất nên các ngân hàng thương mại tăng mua bán ngoại hối, trong khi rủi ro tỷ giá năm nay không đáng kể so với năm ngoái. Tuy nhiên, tác động của thị trường ngoại hối lên thị trường chứng khoán năm nay lại lớn hơn, bởi năm ngoái quá nhiều tin xấu nên việc tỷ giá tăng vọt không được quá chú ý.

“Kinh tế vĩ mô đang có xu hướng tốt lên, nhưng vì tâm lý thị trường yếu nên tác động của tỷ giá bị khuyếch đại”, bà Hiền lý giải.

Một chuyên gia kinh tế tính toán: “Con số gần 94.000 tỷ đồng được hút về tương đương 4 tỷ USD, nghĩa là khoảng 0,5% GDP - là con số không lớn. Những phản ứng thị trường chỉ là ngắn hạn và sẽ giảm nhanh”.

Tin bài liên quan