Các ngân hàng trung ương châu Á đã bảo vệ đồng nội tệ thông qua các biện pháp can thiệp trước đợt tăng giá không ngừng của đồng đô la do kỳ vọng các chính sách thuế quan cao của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy lạm phát. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đang làm giảm dự trữ ngoại hối của một số quốc gia, với tốc độ tăng trưởng chậm chạp liên tục buộc một số ngân hàng trung ương phải ưu tiên thúc đẩy nền kinh tế hơn là quản lý tiền tệ.
Alex Loo, chiến lược gia vĩ mô tại TD Securities cho biết: "Tôi cho rằng các ngân hàng trung ương châu Á sẽ sớm từ bỏ việc bảo vệ tiền tệ một cách quyết liệt nếu như chính quyền Trump tiếp tục áp dụng thuế quan trong thời kỳ đồng đô la mạnh... Các ngân hàng trung ương châu Á có thể sẽ chú ý nhiều hơn đến việc rút dự trữ ngoại hối và nếu thương mại trên toàn cầu bắt đầu chậm lại, điều đó có nghĩa dự trữ ngoại hối sẽ giảm sút".
Dự trữ ngoại hối lớn của các ngân hàng trung ương châu Á đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tiền tệ của khu vực. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đã giảm 70 tỷ USD kể từ khi đạt mức cao kỷ lục là 705 tỷ USD vào cuối tháng 9, trong khi dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đã giảm hơn 50 tỷ USD trong hai năm.
Trong khi đó, đồng đô la vẫn tiếp tục tăng và những bất ổn xung quanh các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump trước lễ nhậm chức vào ngày 20/1 đang mang lại thách thức cho các nhà giao dịch tiền tệ của châu Á vì các quyết định về lãi suất ngày càng khó dự đoán hơn.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã giữ nguyên lãi suất trong tuần này, phủ nhận kỳ vọng về đợt cắt giảm thứ ba liên tiếp và cho biết đây là một quyết định khó khăn để hỗ trợ đồng won đang bị ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn chính trị. Mặt khác, ngân hàng trung ương Indonesia đã gây bất ngờ với việc cắt giảm lãi suất trong tuần này để hỗ trợ nền kinh tế ngay cả khi động thái này đã giáng một đòn mạnh vào đồng nội tiền.
Ken Cheung, chiến lược gia tại Ngân hàng Mizuho ở Singapore cho biết: "Các quyết định về lãi suất gây bất ngờ đã nhấn mạnh đến sự gia tăng bất ổn về triển vọng tỷ giá và tiền tệ của châu Á mới nổi… Có vẻ như các ngân hàng trung ương châu Á đang phải chật vật để đạt được mục tiêu ổn định tỷ giá hối đoái và đồng thời hỗ trợ tăng trưởng trước các mối đe dọa về thuế quan".
Chính sách không chắc chắn
Hầu hết tiền tệ của các thị trường mới nổi của châu Á đều suy yếu so với đồng đô la từ đầu năm tới nay. Các nhà phân tích cũng đang theo dõi các chính sách tiền tệ ở Ấn Độ và Trung Quốc để đánh giá tác động của chúng đối với khu vực.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vẫn tiếp tục duy trì chặt chẽ kiểm soát tiền tệ thông qua tỷ giá tham chiếu hàng ngày, hạn chế biến động của đồng nhân dân tệ ở mức 2%. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc có thể để đồng nhân dân tệ suy yếu để làm giảm tác động của các mức thuế quan tiềm tàng của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của quốc gia này và tạo điều kiện cho việc nới lỏng tiền tệ nhiều hơn để phục hồi nền kinh tế.
Quyết định lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ vào tháng 2 đang trở thành tâm điểm chú ý của các nhà giao dịch đồng rupee vì đây sẽ là quyết định đầu tiên dưới thời Thống đốc Sanjay Malhotra. Theo các nhà phân tích, có thể ông đã sẵn sàng để đồng rupee biến động tự do hơn cùng với các đồng tiền khác. Điều đó cho thấy sự thay đổi so với cách tiếp cận của thống đốc tiền nhiệm là kiểm soát chặt chẽ tiền tệ.
Theo BofA Securities, tiền tệ châu Á sẽ mất giá trong nửa đầu năm. Điều này là do các ngân hàng trung ương sẽ "chuyển sang cắt giảm lãi suất vì mục tiêu ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng, thay vì nhấn mạnh quá mức nhu cầu ổn định tỷ giá hối đoái", Claudio Piron, đồng Giám đốc chiến lược tỷ giá hối đoái và lãi suất tại công ty cho biết.
Ngoài lãi suất, các nhà phân tích dự kiến các ngân hàng trung ương sẽ triển khai một loạt các công cụ để quản lý tiền tệ. Theo Nomura, Dịch vụ hưu trí quốc gia Hàn Quốc sẽ sớm kích hoạt hoạt động phòng ngừa rủi ro ngoại hối. Đối với Indonesia, quy định bắt buộc tiền thu được từ xuất khẩu phải được giữ lại trong nước có thể sớm được sửa đổi.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các ngân hàng trung ương sẽ bảo vệ tiền tệ khỏi làn sóng tăng giá của đồng đô la như thế nào.
"Các phản ứng chính sách đang khác nhau trong khu vực, vì các ngân hàng trung ương cân nhắc các ưu tiên trong nước liên quan đến sự biến động của thị trường tiền tệ và trái phiếu do các tác nhân toàn cầu… Các cơ quan chức năng có thể sẽ thực hiện để hạn chế những biến động mạnh nhưng không thể đảo ngược tình thế", Radhika Rao, chuyên gia kinh tế cấp cao tại DBS Bank cho biết.