“Tạ nặng” xiềng chân doanh nghiệp BOT giao thông

0:00 / 0:00
0:00
Việc phải hạch toán lãi vay ngay tại thời điểm phát sinh đối với các khoản vay chiếm tới 85% chi phí đầu tư công trình đang làm biến dạng tình hình tài chính của doanh nghiệp BOT giao thông.
Nhiều doanh nghiệp BOT đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán.

Nhiều doanh nghiệp BOT đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán.

Gánh nặng đặc thù

“Nếu Bộ Tài chính không sớm ban hành quy định riêng về hạch toán, phân bổ lãi vay cho doanh nghiệp BOT giao thông, thì nhiều cổ phiếu trong lĩnh vực này sẽ bị hủy niêm yết, ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nhà đầu tư”, ông Ngô Quốc Đông, Trưởng phòng Marketting (Công ty cổ phần Tập đoàn Tasco - mã chứng khoán HUT) lo lắng.

Theo đại diện Tasco - “ông trùm BOT” phía Bắc với khoảng 10 dự án đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang trong giai đoạn thu phí hoàn vốn, các dự án hạ tầng giao thông triển khai theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT có rất nhiều điểm khác biệt so với các dự án sản xuất - kinh doanh thông thường.

Cụ thể, ngoài tổng vốn đầu tư dự án BOT thường rất lớn (từ 1.000 tỷ đồng đến 25.000 tỷ đồng), thì phần lớn giá trị đầu tư được thực hiện bằng vốn vay (chiếm 80 - 85% tổng mức đầu tư), nên khoản chi phí lãi vay những năm đầu thường rất cao (do số dư tính lãi vay vốn lớn), sau đó, số dư tính lãi vốn vay giảm dần và chi phí lãi vay giảm theo. Trong khi đó, doanh thu của các dự án BOT trong các năm đầu thường rất thấp. Doanh thu thu phí sẽ tăng dần cùng với tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe, điều chỉnh giá vé sử dụng đường bộ (do trượt giá) và lên đến đỉnh sau khoảng 3/4 thời gian thu phí hoàn vốn.

Một điểm khác biệt rất lớn nữa là, nếu như dự án sản xuất - kinh doanh thông thường, lợi nhuận của nhà đầu tư thường không chắc chắn, luôn xuất hiện rủi ro thua lỗ, thì lợi nhuận của nhà đầu tư dự án BOT lại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chốt ngay trong hợp đồng dự án.

Chính vì các đặc thù về doanh thu, chi phí, lợi nhuận của dự án BOT giao thông như trên, nếu phải ghi nhận toàn bộ lãi vay tại thời điểm phát sinh theo quy định của Chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành (áp dụng chung cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thông thường) sẽ làm biến dạng tình hình tài chính của doanh nghiệp dự án BOT. Các doanh nghiệp dự án BOT sẽ phải ghi nhận các khoản lỗ lũy kế rất lớn trong 2/3 - 3/4 vòng đời dự án, trong khi toàn bộ lợi nhuận của dự án lại dồn vào những năm cuối cùng.

Một dự án BOT đường bộ quy mô trung bình hiện nay có tổng mức đầu tư 2.500 - 3.000 tỷ đồng. Nếu áp dụng phương thức hạch toán lãi vay theo quy định hiện hành, doanh nghiệp dự án chắc chắn lỗ trong 6-8 năm đầu, với khoản lỗ lũy kế có thể lên đến 300 - 500 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế sẽ tăng lên cả ngàn tỷ đồng đối với các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đang được Bộ Giao thông - Vận tải và các nhà đầu tư triển khai.

“Hậu quả nhãn tiền là, việc phải hạch toán lỗ liên tiếp nhiều năm sẽ khiến doanh nghiệp dự án không có lợi nhuận để chi trả cổ tức cho nhà đầu tư và phải đối diện với nguy cơ bị hủy bỏ niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán”, ông Đông phân tích.

Chữa bài toán ngược

Theo Tasco, để phù hợp thực tiễn của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BOT, chi phí lãi vay phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của dự án BOT (không bao gồm chi phí lãi vay trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định đã vốn hóa) cần tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định tương ứng theo doanh thu tính thuế trong kỳ.

Được biết, tham gia đóng góp ý kiến về Phương pháp phân bổ chi phí lãi vay theo doanh thu tại các doanh nghiệp BOT, trong văn bản gửi Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, Công ty Kiểm toán và Tư vấn tài chính Amber cũng cho rằng, việc hạch toán lãi vay theo quy định hiện hành đang gây ra những khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, vốn huy động khác và vốn huy động trên thị trường chứng khoán… Do vậy, cần có hướng dẫn riêng về hạch toán áp dụng cho dự án BOT để đảm bảo các số liệu tài chính được thể hiện phù hợp với tính chất dự án, phản ánh được hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư.

“Phương pháp phân bổ chi phí lãi vay theo doanh thu kể từ kỳ tính thuế dự án BOT hoàn thành, đã được Bộ Tài chính cho phép một số doanh nghiệp áp dụng thí điểm tại các Văn bản số 14149/BTC-TCDN ngày 7/10/2009 và 9060/BTC-CST ngày 3/7/2015 là phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp BOT”, đại diện Công ty Amber đánh giá.

Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, không phải Bộ Tài chính không nhận thấy những bất cập nêu trên. Tuy nhiên, trong 5 - 6 năm qua, Bộ Tài chính chỉ ban hành văn bản đặc thù cho từng doanh nghiệp xin áp dụng phương pháp phân bổ chi phí lãi vay theo doanh thu.

Trước áp lực của các nhà đầu tư BOT, năm 2018, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo sửa đổi Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định để điều chỉnh nội dung bất cập nêu trên. Tuy nhiên, sau gần 3 năm kể từ khi lấy ý kiến các bộ, ngành và các nhà đầu tư BOT, Dự thảo thông tư này vẫn đang ở trạng thái “chờ” ban hành.

“Bài toán ngược trong việc hạch toán chi phí lãi vay đối với các dự án BOT cần sớm được các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, tránh để kéo dài gây thêm thiệt hại cho doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Thế nhấn mạnh.

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 5503/VPVP-KTTH gửi Bộ Tài chính truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc xử lý vướng mắc chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng của các dự án BOT theo kiến nghị của Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI).

Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xem xét kiến nghị của VARSI; đồng thời đề xuất xử lý, tháo gỡ, hoàn thiện quy định của pháp luật, có văn bản trả lời Hiệp hội, doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý.

Tin bài liên quan