Kết phiên giao dịch ngày 14/6/2019, VN-Index chốt ở 953,61 tăng 3,23 điểm (+0,37%) với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 115 triệu đơn vị, giá trị 2.296 tỷ đồng.
Về mặt kỹ thuật
Thanh khoản nhích nhẹ trong 1 phiên hồi kỹ thuật điển hình. Tuy độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng nhưng chênh không nhiều. Điểm sáng là cầu duy trì ổn định và mạnh dạn hơn hẳn khi xuất hiện dòng ngân hàng tăng tốt thu hút được dòng tiền. Tuy nhiên, về cuối phiên chỉ một số mã như VCB, BID… là có lực mua duy trì được ổn định khiến chỉ số không có phiên tăng mạnh hơn.
Lịch sử giao dịch ghi nhận mỗi khi dòng ngân hàng dẫn sóng, chỉ số thường tiến khá xa, độ lan tỏa và ảnh hưởng tâm lý rất tốt đến nhà đầu tư. Tiếc là giữa tháng 3 đến giờ, những mã ngân hàng chủ chốt gần như chỉ đi ngang hoặc xuống gây khó khăn không nhỏ cho chỉ số.
Diễn biến trong phiên giao dịch ngoài nhóm ngân hàng thì cũng không có nhóm ngành nào nổi bật, tâm lý bớt căng thẳng nhưng cũng không quá lạc quan. Giao dịch bớt trầm lắng nhưng cũng không sôi động. Việc chỉ số giữ được đà tăng đến khi chốt phiên giao dịch cho hy vọng trong ngắn hạn chỉ số không xấu hơn. Không ngoại trừ nếu dòng ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng, nhịp hồi phục có thể còn được kéo dài.
Trên đồ thị, nhóm các đường MA20, MA50, MA100, MA150, MA200 đang rất gần nhau gây áp lực mạnh lên VN-Index. Không dễ để chỉ số vượt qua cụm MA này. Sau 10 phiên giao dịch của tháng 6 chỉ số gần như đã trở về vạch xuất phát đầu tháng, 1 tuần tăng và 1 tuần giảm với khối lượng giao dịch thấp khiến đa số nhà đầu tư đều cảm nhận được độ khó của “môn thể thao” lướt sóng trong giai đoạn này.
Hiện tại, giá vẫn vững vàng nằm trên đáy kênh tăng như hình vẽ, phiên đầu tuần mới, thách thức gần nhất của chỉ số là đường MA200 (956,6). Nếu vượt qua, tiếp theo sẽ là đường MA20 tầm 965.
Nhóm chỉ báo động lượng: Đáng chú ý là đường RSI đã tạo 1 phân kỳ dương, có cơ sở cho 1 tín hiệu đảo chiều của chỉ số, tuy đường MACD vẫn nằm dưới đường tín hiệu signal nhưng khoảng cách là khá gần.
Nhóm chỉ báo cường độ thị trường: Đường OBV và MFI, A/D đã cho tín hiệu hồi phục. Chỉ báo OBV không thủng đáy và MFI, A/D thì đang hướng lên
Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index.
Tóm lại, phiên hồi phục cuối tuần phần nào giúp tâm lý nhà đầu tư bớt tiêu cực. Khi đáy gần nhất chưa bị phá vỡ và cầu giá thấp vẫn ổn thì vẫn chưa có gì là nghiêm trọng. Ngoài ra, một số nhóm chỉ báo như phân tích ở trên cho tín hiệu hồi phục trong ngắn hạn. Tuy vậy, tuần này VN-Index sẽ chịu áp lực từ động thái mua bán của các quỹ ETF (21/6).
Nhiều khả năng tâm lý số đông nhà đầu tư vẫn là chờ đợi, nghe ngóng khiến thanh khoản không dễ được cải thiện. Thanh khoản xuống thấp thì lướt sóng rất khó, vì giá rất khó bứt phá mạnh, do vậy khi T3 hàng về ăn được thì ít mà đi thì cũng vẫn nặng như thường.