Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), đây là một giải pháp để triển khai phát triển thị trường chứng khoán và từng bước áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế đối với các hoạt động giao dịch, thanh toán chứng khoán.
Còn không ít nhà đầu tư cho rằng, quy định này không thực sự tạo ra ảnh hưởng tích cực tới thị trường vì tiền và chứng khoán về tài khoản từ ngày T+2, nhưng phiên giao dịch trên 2 sàn đã kết thúc, thời điểm đó cũng không còn thời gian cho nhà đầu tư thực hiện các giao dịch khác như cầm cố cổ phiếu để lấy tiền hoặc chuyển tiền từ tài khoản chứng khoán qua ngân hàng…
Một số nhà đầu tư lại cho rằng, dẫu về cuối ngày T+2, ít nhất nhà đầu tư cũng tiết kiệm được 1 ngày tiền lãi suất margin nếu dùng đòn bẩy…
Theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, T+2 giải quyết được vấn đề của nhà đầu nước ngoài. Với chu kỳ thanh toán như hiện tại, nhà đầu tư ngoại phàn nàn vi phạm nguyên tắc là tiền và chứng khoán chuyển giao đồng thời: tiền đi trong ngày T+2 trong khi chứng khoán về ngày T+3.
Nhìn một cách tổng thể, bước đầu, việc rút ngắn thời gian thanh toán có thể chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường và nhà đầu tư, nhưng đây có thể là tiền đề để cơ quan quản lý tiếp tục có động thái để đẩy nhanh thời gian thanh toán hơn nữa.
Theo nhiều ý kiến, nếu tiền và chứng khoán về tài khoản vào đầu phiên giao dịch buổi chiều ngày T+2 sẽ là lý tưởng nhất. Khi ấy, thanh khoản thị trường có thể gia tăng đáng kể do vòng quay tiền và chứng khoán của nhà đầu tư được rút ngắn thực sự vì họ có thể ra quyết định mua bán ngay trong phiên T+2.
Với các nhà đầu tư ngoại, sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa để thu hút dòng vốn này đến và ở lại Việt Nam. Số liệu thống kê từ đầu năm đến cuối tháng 9 cho thấy, vốn ngoại mua ròng trên 2 sàn đạt khoảng 4.500 tỷ đồng, song tháng 9 là thời gian họ bán ròng mạnh, lên đến gần 900 tỷ đồng, xấp xỉ giá trị hồi tháng 3, là tháng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong năm.
Bên lề Diễn đàn đầu tư toàn cầu vừa diễn ra, đại diện một tổ chức đầu tư lớn cho hay, thị trường Việt Nam đang thiếu hàng hóa có chất lượng để đầu tư, đồng thời có nhiều rào cản khác khiến nhà đầu tư mới ngại bỏ vốn, đơn cử như thanh khoản yếu, minh bạch kém và đặc biệt là yếu về quản trị doanh nghiệp.
Dù sẵn tiền trong tay, nhưng với những điểm quan ngại trên, trong vòng hơn một năm nay, tổ chức trên chưa tìm được doanh nghiệp nào để giải ngân. Thực sự trong hơn một năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng thiếu các thông tin về thương vụ đầu tư lớn của các nhà đầu tư ngoại, tạo nền tảng và niềm tin cho thị trường thứ cấp giao dịch sôi động hơn.