Thời gian thanh toán được rút ngắn sẽ giúp thanh khoản thị trường gia tăng.

Thời gian thanh toán được rút ngắn sẽ giúp thanh khoản thị trường gia tăng.

T+2 kích dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Về mặt thanh toán, cơ chế giao dịch T+2 mà thị trường chứng khoán Việt Nam áp dụng từ ngày 29/8/2022 tương đương mô hình thanh toán của các thị trường tiên tiến trên thế giới.

Sóng hồi có thể tiếp diễn

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa ban hành Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSD, có hiệu lực từ 29/8/2022.

Theo đó, kể từ ngày quy chế mới có hiệu lực, thời gian ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền và VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán được điều chỉnh từ 15h30 - 16h00 lên 11h00 - 11h30 ngày T+2 (trường hợp có phát sinh thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán tiền thì thời gian hoàn tất thanh toán chậm nhất là 12h00); thành viên lưu ký phải thực hiện phân bổ tiền và chứng khoán cho khách hàng ngay sau khi ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền và VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán, đảm bảo hoàn tất trước 13h00 ngày thanh toán, đồng thời thông báo cho VSD về kết quả thực hiện chậm nhất 16h30 cùng ngày.

Như vậy, nhà đầu tư được bán chứng khoán sau khi mua vào phiên giao dịch chiều ngày T+2, thay vì phiên sáng ngày T+3 như trước (do chứng khoán về tài khoản khi phiên giao dịch chiều ngày T+2 đã kết thúc). Tương tự, nhà đầu tư có thể sử dụng tiền bán chứng khoán để giao dịch trong phiên chiều ngày T+2, thay vì phiên sáng ngày T+3 như trước.

Sau khi mua, nhà đầu tư được bán chứng khoán vào phiên giao dịch chiều ngày T+2 là yếu tố được đánh giá cao, bởi rủi ro biến động giá trong thời gian chờ chứng khoán về tài khoản sẽ giảm.

Thực tế, nhà đầu tư được bán chứng khoán sau khi mua vào phiên giao dịch chiều ngày T+2 là yếu tố được đánh giá cao, bởi rủi ro biến động giá trong thời gian chờ chứng khoán về tài khoản sẽ giảm.

Còn việc thời gian nhận tiền bán chứng khoán sớm hơn không phải là yếu tố quan trọng, do các công ty chứng khoán đều có dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán ngay sau khi lệnh bán được khớp.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), thời gian thanh toán được rút ngắn có thể giúp thanh khoản thị trường tăng 10 - 15%. Tuy nhiên, diễn biến giao dịch trong thời gian qua cho thấy, thị trường kỳ vọng nhiều hơn thế.

Cụ thể, giá trị giao dịch khớp lệnh trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ mức bình quân hơn 10.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 7 đã tăng lên hơn 12.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 8, trong đó, không ít phiên đạt trên 15.000 tỷ đồng.

Riêng nhóm cổ phiếu chứng khoán, vốn có sự vận động cùng chiều với diễn biến thanh khoản và điểm số chung của thị trường, ghi nhận mức tăng giá tích cực trong 2 tuần qua, một số mã nằm trong nhóm dẫn dắt.

So với vùng đáy ngắn hạn, hầu hết các mã cổ phiếu chứng khoán tăng giá bình quân trên 30% như SSI, HCM, VCI…, gấp 3 lần mức hồi phục của VN-Index (trước đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm giá mạnh hơn thị trường chung).

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược thị trường và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, việc giảm thời gian thanh toán có tác động tích cực đến thị trường về mặt thanh khoản, trong khi tác động về mặt điểm số là không đáng kể, chủ yếu thông qua diễn biến khả quan ở nhóm cổ phiếu chứng khoán nhờ kỳ vọng được hưởng lợi (kết quả hoạt động của các công ty chứng khoán gắn liền với diễn biến của thị trường).

“Hiệu ứng từ việc giảm thời gian thanh toán T+2, tôi kỳ vọng thanh khoản thị trường có sự cải thiện, nhưng không quá đột biến, có thể tăng 10 - 20% nếu các điều kiện khác không thay đổi”, ông Đức Anh chia sẻ.

Về dài hạn, việc rút ngắn thời gian thanh toán sẽ giúp cải thiện kết quả đánh giá của FTSE về thị trường chứng khoán Việt Nam (tính đến tháng 7/2022, Việt Nam chưa đạt 2/9 tiêu chí là chu kỳ thanh toán và giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài), góp phần đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường.

Đợt sóng hồi của thị trường chứng khoán kể từ đầu tháng 7/2022 đến nay được không ít công ty nhận định có thể kéo dài thêm 1 - 2 tuần, một trong những căn cứ là hiệu ứng T+2, trong bối cảnh thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Trên bình diện toàn cầu, thị trường chứng khoán thế giới đang ở đoạn cuối của sóng hồi ngắn hạn, dù lạm phát dần hạ nhiệt, trong khi rủi ro suy thoái kinh tế chưa có tác động quá tiêu cực.

Cần thêm nhiều yếu tố để giao dịch sôi động trở lại

Một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư là tính thanh khoản cao, thị trường giao dịch sôi động. So với giai đoạn trước đợt điều chỉnh kể từ đầu tháng 4/2022, giá trị giao dịch gần đây vẫn ở mức thấp. Để tăng thanh khoản cho thị trường, việc giảm thời gian giao dịch từ T+3 về T+0 được nhiều ý kiến đề cập.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, việc giao dịch cổ phiếu chỉ được thực hiện khi bên mua có đủ tiền và bên bán có cổ phiếu trong tài khoản. Quy định mới của VSD về bản chất là cải thiện khâu thanh toán, hiện tại đã tương tương với mô hình thanh toán của các sàn giao dịch chứng khoán tiên tiến trên thế giới, còn khâu giao dịch vẫn chưa được cải thiện.

Hầu hết các quốc gia đều đang áp dụng mô hình thanh toán T+2 như Mỹ, châu Âu. Trong đó, Mỹ chuyển sang thanh toán T+2 từ năm 2017. Tại châu Á, Nhật Bản áp dụng chu kỳ thanh toán T+2 từ năm 2019. Tuy nhiên, nhiều thị trường chứng khoán cho phép bán khống, đặc biệt là giao dịch trong ngày (giao dịch T+0).

Theo các chuyên gia, Việt Nam muốn giảm khâu giao dịch, tức thời gian cổ phiếu sau khi mua về đến tài khoản sớm hơn, thậm chí triển khai giao dịch T+0 chỉ cần có hệ thống giao dịch và hệ thống bù trừ phù hợp. Làm được điều này thì giao dịch chắc chắn sẽ rất sôi động.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới HSC cho biết, giao dịch trong ngày không liên quan đến khâu thanh toán, mà là khả năng xử lý phù hợp trong hai khâu giao dịch và bù trừ. Cơ chế giao dịch T+0 đã được tích hợp trong gói thầu công nghệ KRX mà HOSE, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang triển khai.

Một giải pháp khác giúp tăng thanh khoản cho thị trường là giảm tỷ lệ ký quỹ trước khi mua chứng khoán từ mức 100% bằng tiền mặt hiện nay. Đây cũng là yêu cầu của các tổ chức nâng hạng thị trường.

Bởi lẽ, với đặc điểm giao dịch không hủy ngang, chứng khoán/tiền của lệnh giao dịch sau khi được khớp đã là phần tài sản đảm bảo quan trọng cho giao dịch. Việc yêu cầu phải ký quỹ 100% bằng tiền ngay tại thời điểm đặt lệnh giao dịch làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của nhà đầu tư và tính thanh khoản của thị trường.

Bên cạnh đó, để thu hút thêm sự tham gia của các nhà đầu tư, giải pháp cấp thiết là đẩy mạnh quá trình phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết các cổ phiếu mới. Thống kê cho thấy, trong 4 năm gần đây, số doanh nghiệp niêm yết mới trên HOSE ở mức thấp, năm 2019 có thêm 13 doanh nghiệp, con số này năm 2020 là 20 doanh nghiệp và năm 2021 là 17 doanh nghiệp, 7 tháng đầu năm 2022 là 6 doanh nghiệp.

Việc nới hạn mức sở hữu nước ngoài (room) tại các doanh nghiệp cũng cần được xem xét, qua đó thu hút sự tham gia của các quỹ đầu tư ngoại. Trên 3 sàn chứng khoán (HOSE, HNX và UPCoM) hiện có hơn 1.600 mã cổ phiếu, nhưng các quỹ lớn gặp khó khăn trong việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư, do những doanh nghiệp “như ý” đã hết room.

Về mặt kỹ thuật, Việt Nam có thể giảm thuế, phí giao dịch để hỗ trợ thanh khoản thị trường.

Dài hạn và có tính căn cơ hơn, các biện pháp được khuyến nghị là tăng số lượng và chất lượng hàng hoá, tăng tính minh bạch của thị trường, đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường cũng như công tác thoái vốn nhà nước…

Tin bài liên quan