Khoảng thời gian 2 ngày này, với nhà đầu tư mua để nắm giữ dài hạn thì không đáng kể, nhưng với nhà đầu tư giao dịch thường xuyên là quá dài cho câu chuyện quản trị rủi ro của khoản đầu tư.
2 ngày giá cổ phiếu có thể tăng hoặc giảm hàng chục phần trăm, nhà đầu tư có thể lỗ nặng vì độ trễ thời gian giao dịch. Ðó là chưa kể những bất cập khác như công ty chứng khoán vô hình trung được giữ tiền của nhà đầu tư từ T+0 đến T+2, được hưởng lợi ích từ đó, hay trên thị trường có những nhà đầu tư đặc biệt, chẳng hạn quỹ đầu tư, có thể để tiền ở ngân hàng lưu ký, mua cổ phiếu ngày T, nhưng đến T+2 mới “chịu” chuyển tiền.
Những bất cập này tồn tại từ lâu và ở vị thế nhà đầu tư đại chúng, việc duy nhất có thể làm được là lên tiếng nói bởi hệ thống xử lý thanh toán, giao dịch trên TTCK nằm ngoài tầm tay của họ. Trên sàn, một số nhà môi giới đã linh hoạt ứng biến bằng việc tổ chức các hoạt động vay mượn chứng khoán để “làm lỏng” cái quy định T+2.
Môi giới cũng có thể tạo ra hệ thống bù trừ ngoài sàn, cho phép các khách hàng năng động có lệnh giao dịch đối ứng được khớp với nhau và từ đó chỉ thanh toán cho nhau khoản chênh lệch. Trên bình diện giám sát giao dịch, nhà quản lý khó nắm bắt thực tế này, nhưng nó lại tiềm ẩn những rủi ro cho các bên, mà nguyên nhân cốt lõi là nhu cầu giao dịch T+0 của nhà đầu tư chưa được đáp ứng.
Dù tính chất thị trường cơ sở và phái sinh khác nhau, nhưng trong góc nhìn của nhà đầu tư, thời gian giao dịch T+0 chưa được áp dụng trên thị trường cơ sở trong khi được thực hiện trên thị trường phái sinh là một bất hợp lý.
Về phía công ty chứng khoán, kiến nghị cần áp dụng giao dịch trong ngày cũng đã được nhiều công ty nêu lên trong các cuộc họp phát triển thị trường, nhưng T+2 vẫn cứ là T+2. Lý do chủ đạo nằm ở việc hệ thống công nghệ trên TTCK giữa các bên chưa tương thích.
Từ năm 2012, Chính phủ đã cho phép TTCK triển khai gói thầu 04 nhằm trang bị hệ thống công nghệ mới cho toàn TTCK Việt Nam, phục vụ các hoạt động nghiệp vụ giao dịch, giám sát, thông tin thị trường tại Sở GDCK TP.HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) cũng như nghiệp vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán cho VSD. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống này chưa… hoạt động.
Vận hành trên nền tảng hệ thống công nghệ cũ, dù có được nâng cấp, chỉnh sửa, nhưng thị trường cơ sở tại HOSE từng chứng kiến những sự cố phải dừng giao dịch. Ðây là một hạn chế hiện hữu bên cạnh việc các công cụ, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển thị trường như T+0 chẳng hạn, vẫn chưa được triển khai.
Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến 2020, tầm nhìn 2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây đã chốt lịch thực hiện T+0 trên thị trường cơ sở là năm 2020. Gói thầu công nghệ cho toàn TTCK Việt Nam liệu có kịp xong trong 1 năm nữa? Nhà đầu tư, dù sốt ruột, vẫn sẽ phải chờ ít nhất 1 năm cho cái lịch “giao dịch trong ngày” mà đáng ra phải thực hiện từ lâu.