Hoạt động sản xuất toàn cầu chậm lại trong tháng thứ năm liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2002.
Hôm thứ Ba (1/10), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng sự chậm lại trong nền kinh tế toàn cầu có thể “sắc nét” hơn so với dự báo trước đây.
David Lipton, Phó giám đốc điều hành thứ nhất IMF, cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một sự chậm lại đồng bộ và “trơn tru", đồng thời cho đến khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được loại bỏ, các công cụ kinh tế vĩ mô chủ chốt khó có thể ngăn chặn tác động của sự leo thang trong cuộc chiến thương mại này.
Không có gì đáng ngạc nhiên, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã hạ dự báo tăng trưởng thương mại trong năm nay xuống 1,2%, trong khi trước đó vào tháng 4, các chuyên gia đã dự báo tăng trưởng nằm ở mức 2,6%.
Trên hết, thị trường đã trở nên “hỗn loạn” sau khi dữ liệu về sự suy giảm mạnh trong ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 9 được công bố.
Theo báo cáo của Viện Quản lý cung ứng (ISM), chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 9 đã giảm xuống còn 47,8, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009 và là tháng giảm thứ hai liên tiếp. Vào tháng 8, lần đầu tiên sau 3 năm chỉ số PMI sản xuất giảm xuống dưới 50, nằm ở mức 49,1.
"Ngoài chỉ số PMI sản suất, chúng tôi còn nhận được dữ liệu về doanh số bán xe. Honda, Toyota, Nissan đã ghi nhận mức giảm hai chữ số. Và tệ hơn nhiều so với dự kiến. Điều này đặt ra câu hỏi về niềm tin của người tiêu dùng. Chúng tôi không có lý do để nói rằng người tiêu dùng bắt đầu tiết kiệm, nhưng nỗi sợ hãi đang gia tăng", Bloomberg dẫn lời chiến lược gia đầu tư Baird Willy Delwich thuộc Robert W. Baird.
Trước đó, một số hãng sản xuất ô tô lớn đã báo cáo doanh số xe hơi giảm đến hai chữ số. Toyota tuyên bố doanh số hàng năm giảm 16,5%, trong khi Nissan giảm 17.6%, còn Honda giảm 14,1%.
Số liệu thống kê cho thấy sự suy yếu của ngành công nghiệp Mỹ, doanh số bán xe hơi, thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế rõ ràng đang dự báo về một cuộc suy thoái.
Nếu dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu một lần nữa phải điều chỉnh giảm (mà theo IMF thì điều này rất có thể xảy ra), sẽ gây ra một sự suy giảm khác trong dự báo về nhu cầu trên thị trường dầu mỏ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Toyota tuyên bố doanh số hàng năm giảm 16,5%, trong khi Nissan giảm 17.6%, còn Honda giảm 14,1%.
Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA, cho biết: “Có một sự suy yếu rõ ràng trong nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc, động lực tăng trưởng nhu cầu về dầu mỏ của thế giới, đang có mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong gần 30 năm qua. Các nền kinh tế phát triển cũng đang tuột dốc. Chúng tôi có thể sẽ phải sửa đổi dự báo nhu cầu của chúng tôi xuống trong những ngày tới hoặc trong tháng tới”.
IEA cho đến nay vẫn tuân thủ dự báo tăng trưởng về nhu cầu là 1,1 triệu thùng mỗi ngày.
Giá dầu thô Bent liên tục giảm trong những ngày gần đây. Nguồn: Trading View
Trong phiên giao dịch hôm thứ Năm (3/10), dầu thô WTI đã giảm xuống dưới mức 53 USD/thùng và dầu thô Brent đã giảm xuống dưới 58 USD/thùng. Cả hai mức giá đều ở gần mức thấp trong vòng hai tháng qua.
Theo một khảo sát mới đây của Commerzbank, giá dầu đang giảm do dữ liệu kinh tế Mỹ yếu và những lo ngại mới về nhu cầu.
Ngoài ra, dấu hiệu giảm căng thẳng ở khu vực Trung Đông cũng là một nguyên nhân khiến giá dầu giảm liên tục. Hồi giữa tháng 9, giá dầu đã có một cú nhảy vọt chưa từng thấy trong lịch sử sau vụ tấn công nhằm vào các mỏ dầu trọng yếu của Ả Rập Xê-út.
Bên cạnh đó, báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của nước này trong tuần trước tăng tuần thứ ba liên tiếp, với mức tăng 3,1 triệu thùng, vượt xa dự báo tăng 1,3 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.