Trong thư viết: “Quý Tổng cục đã giúp doanh nghiệp giảm bớt việc phải thực hiện một quy định vô cùng phức tạp, nhiêu khê, tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc đối với hàng hóa xuất khẩu, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể thông quan được các lô hàng xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay”.
Trước đó, ngày 10/4, Tổng cục Hải quan đã gửi văn bản yêu cầu công chức hải quan không bắt người khai hải quan phải xuất trình văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu. Người khai hải quan sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Với yêu cầu này, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản giảm được gánh nặng vô cùng lớn.
Vì để có được xác nhận này, doanh nghiệp đang phải trả phí 500.000 đồng/lần đăng ký, hoặc 10.000 đồng/sản phẩm tùy theo hồ sơ và số mã sản phẩm đăng ký. Với số lượng lớn các sản phẩm xuất khẩu, tổng chi phí doanh nghiệp phải chi trả cho việc tuân thủ quy định này không nhỏ.
Kể cả khi sẵn sàng chi trả các khoản trên, việc thực hiện thủ tục đăng ký mã số, mã vạch với doanh nghiệp không dễ dàng gì, khi phải liên hệ tới Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (GSI) tại Hà Nội, gửi các giấy tờ theo yêu cầu bằng hồ sơ giấy, chưa có thủ tục qua mạng... Trong khi tình hình dịch bệnh đang căng thẳng và tỷ lệ 90% hàng thủy sản xuất khẩu đều đóng nhãn hiệu, mã số mã vạch của khách hàng, thì việc một nhà xuất khẩu Việt Nam yêu cầu khách hàng nhập khẩu phải có Giấy ủy quyền gốc để làm thủ tục với GSI thực sự quá khó...
Các doanh nghiệp đã rất vui mừng, không quên gửi thư cảm ơn tới cơ quan đã lắng nghe và xử lý ngay đề nghị của doanh nghiệp. Song, không hiểu các công chức, các cơ quan liên quan nghĩ sao về lời cảm ơn này.
Thực ra, khó khăn của doanh nghiệp chỉ tạm để sang bên, vẫn còn nguyên vì đây là nội dung được quy định tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm. Nếu không tuân thủ, doanh nghiệp sẽ bị phạt.
Vấn đề nằm ở chỗ, VASEP đã không tìm thấy có cơ sở nào đầy đủ, thuyết phục cho quy định liên quan đến mã số, mã vạch đối với hàng xuất khẩu. Nhưng ngay cả khi cần phải thực hiện, VASEP cũng đã đặt câu hỏi tại sao không thể phân cấp các thủ tục này cho cơ quan ở địa phương, hay áp dụng thực hiện đăng ký điện tử... để doanh nghiệp đỡ gánh nặng thủ tục, chi phí.
Tình trạng doanh nghiệp than phiền khi chi phí tuân thủ quá lớn, trong khi ý nghĩa quản lý nhà nước không cao như VASEP phản ánh không phải là đơn lẻ. Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhận được bài tính công nghệ thông tin theo dõi LPG chai bán cho thương nhân kinh doanh LPG khác hoặc khách hàng sử dụng quy định tại Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí. Chỉ riêng Petrolimex nếu thực hiện gắn chíp điện tử cho 2 triệu chai LPG, kinh phí thấp nhất phải bỏ ra là khoảng 40 tỷ đồng. Nếu tính tổng số doanh nghiệp trong ngành thì con số là khoảng 400 tỷ đồng, chưa kể các khoản chi khác để vận hành hệ thống dữ liệu. Điều đáng nói hơn là những giải pháp này không hề có hiệu quả gì về quản lý cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Về nguyên tắc, quy định luôn tạo ra chi phí tuân thủ. Chỉ một điều khoản thôi, có thể là gánh nặng cực lớn về chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng pháp luật, nhiều nước áp dụng công cụ đánh giá tác động (RIA) để tính toán lợi ích mang lại so với chi phí tuân thủ của các bên liên quan. Nếu chi phí tuân thủ quá lớn, chính sách cần phải được xem xét lại. Tuy nhiên, thực tế có vẻ như chưa nhiều cơ quan quản lý nhà nước, công chức nhà nước thực hiện bài tính này khi đề xuất các phương án quản lý. Thêm một lần nữa, câu hỏi đã khi nào các cơ quan quản lý nhà nước chọn đứng bên doanh nghiệp, ở góc độ doanh nghiệp khi đề xuất cơ chế, chính sách, phương pháp quản lý hay chưa lại phải đặt ra. Vì lúc này đang là thời cơ vàng để hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước đang được giao trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh.