Tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tăng cao, thực tế đe dọa đến hệ thống an sinh tiếp tục được nhiều ĐBQH chất vấn và tranh luận với người đứng đầu ngành LĐTB&XH tại Nghị trường quốc hội sáng 6/6.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) đặt vấn đề về giải pháp xử lý việc làn sóng rút bảo hiểm một lần tăng cao do nhiều nguyên nhân nhưng lớn nhất vẫn là sự bất an của công nhân, người lao động.
"Năm 2019 có khoảng 500.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần thì năm 2022 đã tăng lên 997.470 người, Đối tượng rút bảo hiểm một lần chủ yếu là công nhân, phía Nam chiếm tới 72%, phía Bắc và miền Trung ít hơn, là điều chúng tôi phải suy nghĩ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng lý giải, đã báo cáo Chính phủ trong cuộc họp gần đây về tình trạng vì sao rút bảo hiểm xã hội một lần tăng lên, thì phải thừa nhận, không có quốc gia nào cơ chế rút bảo hiểm một lần dễ như Việt Nam. Ai có nhu cầu thì rút, trong khi thông lệ quốc tế chủ yếu chỉ cho rút trong 2 trường hợp, một là mắc bệnh nan y, hai là đi định cư nước ngoài.
Ngoài ra, quyền lợi khi rút cũng rất cao, nên dẫn đến nhiều trường hợp, có khi chưa cần cũng rút.
"Nhưng, tín hiệu tích cực hơn là thời gian gần đây, 1/3 số người rút bảo hiểm xã hội một lần đã quay trở lại tiếp tục tham gia bảo hiểm", Bộ trưởng Dung chia sẻ.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng BHXH một lần là 997.470 người (tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021.
Giai đoạn 2016 - 2022, cơ quan BHXH tại các tỉnh, thành phố đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người (chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng).
"Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần", BHXH nêu.
Nói về gia tăng tình trạng rút BHXH một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận: "Thời gian qua chúng ta tuyên truyền vận động chưa tốt. Thực tế, tại Hà Nội, cứ 10 người đi rút BHXH một lần, được tuyên truyền thì 6 người không rút nữa.
Ngoài ra, còn có hiệu ứng từ sửa đổi Luật BHXH, có một bộ phận người lao động tranh thủ đi rút, nên sửa Luật sẽ theo hướng không giảm quyền lợi, không hạn chế quyền lợi.
Về giải pháp nhằm hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, "Tư lệnh" ngành LĐTB&XH cho rằng, sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn, tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động.
Tập trung tuyên truyền và phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân nói chung và người tham gia BHXH nói riêng.
Sửa đổi quy định chính sách nhằm phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động tham gia BHXH.
Thực trạng công tác quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội
Quy mô Quỹ bảo hiểm xã hội tăng nhanh qua các năm, dự kiến đến cuối năm 2022, quy mô các quỹ đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, gấp khoảng 175 lần quy mô đầu tư năm 1998, gấp 2,1 lần quy mô các quỹ năm 2016 (năm đầu thực hiện Luật BHXH năm 2014).
Tốc độ sinh lời từ hoạt động đầu tư còn hạn chế và có xu hướng giảm dần do danh mục đầu tư chủ yếu là trái phiếu Chính phủ và lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm mạnh từ mức trung bình khoảng 8-9%/năm còn khoảng 2,8-2,5%/năm vào năm 2021.
Nguồn: Báo cáo của Bộ LĐTB&XH gửi các Đại biểu Quốc hội.