Sun Air cung cấp dịch vụ hàng không hạng sang: Rất cần thêm những sản phẩm đẳng cấp

0:00 / 0:00
0:00
Việc Tập đoàn Sun Group ra mắt Hãng hàng không chung Sun Air có thể coi là tín hiệu tích cực với cả ngành hàng không lẫn du lịch ngay trước thềm Việt Nam dự kiến mở cửa hoàn toàn.
Sun Air góp phần khai mở phân khúc hạng sang trong ngành hàng không chung tại Việt Nam - lĩnh vực đầy tiềm năng ở nhiều quốc gia giàu có trên thế giới.

Sun Air góp phần khai mở phân khúc hạng sang trong ngành hàng không chung tại Việt Nam - lĩnh vực đầy tiềm năng ở nhiều quốc gia giàu có trên thế giới.

Được biết, tiến trình thẩm định, cấp phép kinh doanh hàng không chung cho Công ty TNHH Sun Air đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất cao, từ Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đến lãnh đạo Chính phủ.

Thời gian từ khi Sun Group nộp đơn và hồ sơ cho đến lúc được cấp phép kinh doanh hàng không chung cho Sun Air (ngày 2/3/2022) chỉ khoảng 3 tháng. Ngoài nỗ lực chuẩn bị bài bản các điều kiện xin cấp phép của Sun Group, việc có thêm doanh nghiệp hàng không chung là điều được cơ quan quản lý nhà nước mong đợi trong nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm hàng không.

Trên thế giới, việc thành lập hãng hàng không chung đã được nhiều nước triển khai nhằm đáp ứng những khách hàng có nhu cầu sử dụng máy bay cá nhân, gồm lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khách VIP, khách có khả năng chi trả cao, khách hàng là thành viên của các tập đoàn lớn thường xuyên phải di chuyển giữa các nước.

Hiện có một số hãng hàng không chung được cấp phép tại Việt Nam, nhưng số lượng còn hạn chế. Có một số hãng tuy thành lập nhiều năm, nhưng chưa thể triển khai hoạt động bay; chất lượng dịch vụ và chất lượng đội tàu bay chưa cao, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của kinh doanh hàng không chung.

Tới đây, khi Covid-19 được kiểm soát, khi thị trường vận tải hàng không phục hồi, nhu cầu đi lại của đối tượng khách là lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khách VIP, khách có khả năng chi trả cao chắc chắn sẽ tăng mạnh.

Báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty tư vấn hàng không ARGUS International cũng đưa ra dự báo, hàng không tư nhân sẽ phục hồi nhanh hơn nhiều ngành, trong đó du lịch bằng máy bay tư nhân tăng trưởng cao hơn 15% so với thời điểm trước đại dịch. Chính vì vậy, việc có thêm đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không chung là cần thiết, có thể giúp các doanh nhân quốc tế di chuyển thuận lợi hơn khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Với riêng Sun Air, có lẽ, điểm độc đáo hơn của doanh nghiệp này so với các hãng bay khác tại Việt Nam nằm ở dịch vụ hàng không thuộc phân khúc hạng sang, đẳng cấp xuất hiện lần đầu tại Việt Nam và được chuyên biệt hóa với hai loại hình gồm dịch vụ quản lý tàu bay tư nhân cùng dịch vụ bay thuê chuyến, bay tham quan ngắm cảnh, du lịch bằng trực thăng và thủy phi cơ. Đây không chỉ là mảnh ghép mới trong bức tranh hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ chất lượng của Sun Group, mà còn góp phần khai mở phân khúc hạng sang trong ngành hàng không chung tại Việt Nam - lĩnh vực đầy tiềm năng ở nhiều quốc gia giàu có trên thế giới.

Khai thác phân khúc bay thuê chuyến (private jet charter), Sun Air sẽ phát triển nhiều đường bay đưa dòng khách sang trọng tới nhiều thị trường lớn bằng các dòng máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER, Gulfstream G700 có tầm bay xuyên lục địa. Đây cũng là những chuyên cơ được rất nhiều tỷ phú thế giới như Elon Musk hay Jeff Bezos lựa chọn. Do vậy, sự ra đời của Sun Air không chỉ đặt nền móng cho một thương hiệu hàng không cao cấp tại Việt Nam, mà còn tạo cú hích, đưa lĩnh vực du lịch xa xỉ của Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn.

Bên cạnh những sản phẩm hàng không, du lịch dành cho đại chúng, việc hình thành những sản phẩm đẳng cấp thế giới, có tính độc đáo cao là điều rất cần được các cơ quan quản lý ủng hộ. Đây cũng là điều mà cả ngành hàng không lẫn du lịch Việt Nam đang thiếu để có thể sớm đưa và định vị thêm dòng sản phẩm cao cấp, siêu cao cấp đến bạn bè quốc tế trong thời gian tới.

Tin bài liên quan