Sudico, Vinaconex... thoái vốn: Muốn lỗ cũng khó xong!

Sudico, Vinaconex... thoái vốn: Muốn lỗ cũng khó xong!

(ĐTCK) Sudico, Vinaconex chấp nhận thoái vốn nhiều khoản đầu tư dưới mệnh giá. Tuy nhiên, dù bán rẻ, sự phức tạp ẩn phía trong những DN này cũng khiến thị trường chẳng mấy mặn mà.
 

Hiện Sudico có danh mục 500 tỷ đồng đầu tư tài chính giá vốn thuộc diện cần thoái vốn, trong đó có tới 99% danh mục đầu tư là các DN chưa lên niêm yết cổ phiếu. Ông Hồ Sỹ Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, nếu có thể thoái vốn trên mệnh giá, HĐQT Công ty sẵn sàng làm ngay, nhưng chắc chắn sẽ phải thoái vốn những khoản này thấp hơn giá vốn. “Chúng tôi sẽ căn cứ vào đánh giá của tổ chức định giá, nhưng cầm chắc khả năng không bảo toàn vốn. Tuy nhiên, nếu không quyết liệt việc này, khả năng DN phá sản thì mất hết vốn mà trong danh mục đó có nhiều DN đang bên bờ phá sản”, ông Hùng nói.

Bán vốn hoặc tài sản không hề là câu chuyện dễ dàng, bằng chứng là Sudico rất muốn tìm đối tác chuyển nhượng dự án Hòa Hải (Đà Nẵng) nhưng suốt 2 năm qua không thể thực hiện được. Dự án này có giá vốn 900 tỷ đồng, theo lời một lãnh đạo của Công ty, chấp nhận giảm xuống ½, thậm chí 1/3 giá vốn, cũng không có người mua. Đến đại hội cổ đông lần này, ông Đỗ Văn Bình, Phó chủ tịch Sudico cho biết, Sudico sẽ không chuyển nhượng dự án Hòa Hải nữa mà sẽ hợp tác đầu tư và triển khai từng giai đoạn. Thực hiện theo hướng đó mới thu hồi được vốn, vì thời điểm này khó tìm được nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính.

Cũng bị cuốn theo chiều đầu tư tràn lan một thời, TCT Vinaconex đang mắc kẹt với nhiều khoản đầu tư mà “ở không được, thoái không xong”. Trong danh mục cần thoái vốn lên tới cả chục công ty, có 2 khoản được coi đau đầu nhất với lãnh đạo DN này. Thứ nhất là khoản đầu tư tại Vinaconex ITC. Năm 2009, Vinaconex cùng các đối tác như Eximbank, Tổng hợp I… thành lập doanh nghiệp với dự án đầy viễn cảnh về một Khu đô thị sinh thái biển Cát Bà Atamara. Nay ITC lỗ lũy kế cả trăm tỷ đồng, nợ cổ tức 2010 các cổ đông đến nay chưa có nguồn trả. DN này rao bán tài sản là Khách sạn 4 sao Cát Bà Holiday View suốt hàng năm trời không có khách mua. Cổ phiếu VCR hiện chỉ còn 2.900 đồng/CP, giao dịch èo uột trên HNX. Theo lời một lãnh đạo của Vinaconex, chấp nhận bán lỗ VCR nhưng không có đối tác mua.

Tình cảnh không khá khẩm hơn là phần vốn góp của Vinaconex tại Công ty Phát triển thương mại chợ Mơ (VCTD). Năm qua, dự án này nổi đình đám trên thị trường do tranh chấp giữa chủ đầu tư VCTD và một cổ đông lớn của chính Công ty này là Công ty tư nhân VPCapital. Tại đại hội cổ đông 2014 của Vinaconex, khi được chất vấn về việc tranh chấp giữa hai bên đã được giải quyết ra sao, lãnh đạo Vinaconex né câu trả lời và chỉ mong thị trường BĐS sớm khởi sắc trở lại, mâu thuẫn hai bên sẽ được dàn xếp ổn thỏa. Nói như vậy, có nghĩa, tranh chấp còn căng thẳng, với thực tế hiện nay tại Hà Nội là cung đang vượt cầu về các trung tâm bán lẻ, diện tích văn phòng, hai bên sẽ khó hòa giải. Chừng nào vấn đề rắc rối trên chưa được giải quyết, Vinaconex khó có thể thoái vốn tại VCTD.

Bên cạnh đó, Vinaconex cũng đang chờ cơ hội tận dụng thời cơ thuận lợi của TTCK để thực hiện thoái vốn ở một loạt DN dự kiến như CTCP Vật tư ngành nước, Công ty cổ phần công trình ngầm, Nhiệt điện Quảng Ninh… Với đại dự án Bắc An Khánh, Vinaconex rất muốn thoái vốn nhưng đối tác Hàn Quốc lại nói không, bởi vậy một mặt tìm cách dàn xếp với phía Hàn Quốc để họ tránh gây khó dễ cho việc thoái vốn, một mặt Vinaconex vẫn đặt mục tiêu tìm kiếm đối tác để thực hiện tái cấu trúc phần vốn tại Công ty liên doanh An Khánh (bán đứt hoặc mua lại).

Ngoài 2 doanh nghiệp trên, năm 2014 này chứng kiến làn sóng thoái vốn của các công ty đại chúng, thể hiện ở việc đây là một trong những nội dung được đề cập nhiều tại ĐHCĐ của các doanh nghiệp. Thấm thía việc mất mát do một thời đầu tư tràn lan, giờ các DN chấp nhận vớt được đồng nào hay đồng ấy. Tuy nhiên trong bối cảnh “người khôn, của khó” không dễ tìm được đối tác cho những khoản đầu tư này. Trước mắt, khi chưa tìm được người mua, các đại gia chỉ còn cách cắn răng duy trì hoạt động của DN có vốn góp, tăng cường quản lý giám sát để kết quả kinh doanh không bị xấu thêm đồng thời để thuận lợi hơn trong quá trình tìm kiếm đối tác đàm phán, tái cấu trúc sau này.

Tin bài liên quan