Xuân này, Tây Nguyên đón nhận tin vui sớm khi Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên được tái khởi động. Trước đó, việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường huyết mạch này bị đình hoãn nhiều năm do thiếu kinh phí.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh nội dung, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh. Theo đó, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên được Quốc hội nhất trí sẽ dùng vốn trái phiếu chính phủ để đầu tư với mục tiêu cơ bản hoàn thành Dự án vào năm 2016. Vậy là “nút thắt” giao thông quan trọng nhất để kinh tế Tây Nguyên “cất cánh” đã được mở.
Ngày đầu năm, có dịp theo chân đoàn công tác Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh kiểm tra công tác thi công tại các gói thầu dọc Tây Nguyên, phóng viên Báo Đầu tư cảm nhận không khí hối hả chạy đua đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.
Mờ sáng, từ thủ phủ Tây Nguyên, Thành phố Buôn Ma Thuột, xe chạy theo hướng tỉnh Đắk Nông. Sau 30 phút, đoàn tới điểm dừng chân đầu tiên, đại bản doanh chỉ huy công trường liên danh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương. Không khí làm việc nơi đây thật khẩn trương.
Nhà thầu Công ty Hoàng Nam tập trung vật tư, thiết bị thi công Gói thầu số 6
Anh Phạm Văn Cường, Giám đốc Công ty Băng Dương cho biết, liên danh tham gia Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua hai huyện Cư Jut và Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông theo hình thức BOT, chiều dài 30 km, mức đầu tư 1.024 tỷ đồng. Sau lễ khởi công, liên danh nhanh chóng bắt tay thu xếp vốn, chuẩn bị triển khai thi công. Để đảm bảo chất lượng thảm nhựa mặt đường, Băng Dương mạnh tay chi gần 15 tỷ đồng mua trạm trộn bê tông nhựa nóng Speco công nghệ tiên tiến nhất Việt Nam hiện nay.
Dẫn chúng tôi thăm công trường, anh Cường nói: “Băng Dương đang triển khai 3 gói thầu, trong đó ngoài 2 gói nằm trong Dự án BOT do liên danh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương làm chủ đầu tư, Công ty còn thi công 1 gói vốn trái phiếu chính phủ. Hiện tại, tại gói thầu số 4 (BOT), dài 6 km, Băng Dương đã hoàn thiện đào hữu cơ, lu nền đường độ chặt k95 và đổ đá cấp phối đá được 1,3 km. Theo kế hoạch công ty sẽ đổ đá lớp 2, thảm lớp bê tông nhựa thứ nhất dày 7 cm trước Tết Giáp Ngọ. Việc lắp đặt 6 cống ngang đường cũng như xây cửa xả cho các cống này được hoàn thành. Tại Gói thầu số 5 (BOT) dài 8 km, Băng Dương phối hợp với đối tác Công ty Hoàng Nam tiến hành thi công hai mũi, mỗi mũi tích cực đào nền đường, đang đổ đất, lu độ chặt k98. Riêng với gói thầu dùng vốn trái phiếu chính phủ, Công ty đã hoàn thiện đào hữu cơ, lu nền đường độ chặt k95”.
Dời Đắk Mil, xe vượt những triền đồi đất đỏ bazan màu mỡ ngút ngàn cà phê, cao su ngập tràn nắng xuân hòa sắc vàng hoa cúc quỳ bên đường.
Anh Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, người từng gắn bó cả chục năm với các dự án giao thông trên Tây Nguyên tâm sự: “Vùng đất này rất đẹp, giàu tiềm năng, kinh tế Tây Nguyên như chàng Đam San đang chờ dịp vươn mình bật dậy khi hạ tầng giao thông được hoàn chỉnh”.
Qua câu chuyện, anh Sơn và các cộng sự rất tự hào khi được trực tiếp thi công các dự án giao thông ở Tây Nguyên, cảm thấy trách nhiệm lớn lao của mình khi tham gia dự án giao thông huyết mạch này. Rồi đây, đường Hồ Chí Minh sẽ nâng tầm cho Tây Nguyên trở mình mạnh mẽ.
Anh Sơn cho biết thêm, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên gồm 5 dự án BOT và 16 gói trái phiếu chính phủ. Theo đó, tổng mức vốn từ nguồn trái phiếu chính phủ khoảng 10.000 tỷ đồng và 5.800 tỷ đồng cho các dự án BOT.
Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tại công trường
Theo anh Sơn, khó khăn lớn nhất mà các anh phải đối diện chính là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và thời tiết. Trước mắt, Tây Nguyên đang vào mùa khô nên việc thi công diễn ra thuận lợi, nhưng khi mùa mưa tới, việc thi công sẽ là thách thức lớn.
Về công tác GPMB đã được Chính phủ chỉ đạo làm quyết liệt cộng với sự vào cuộc của các tỉnh, tình hình đã có chuyển biến tích cực. Theo anh Sơn, cái “thuận” của Dự án này so với các dự án khác khi GPMB là lộ giới đường ít vướng nhà dân, công trình hạ tầng như hệ thống điện, cáp viễn thông, nước. Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh thành lập nhiều tổ công tác hiện trường để hỗ trợ địa phương kịp thời tháo gỡ khúc mắc nảy sinh. Hiện nay, công tác GPMB diễn ra khá thuận lợi, các nhà thầu bước đầu đã có mặt bằng để thi công.
Sau một vòng mục sở thị các gói thầu trên địa bàn tỉnh Đắc Nông, đoàn công tác quay đầu hướng lại Đắk Lắk để kịp giờ chiều lên tuyến bắc Buôn Ma Thuột - Pleiku. Quên cái mệt mỏi, dù chưa như kỳ vọng, nhưng đoàn công tác tỏ ra hài lòng về động thái tích cực ra quân các nhà thầu.
Chiều xuân Tây Nguyên đầy nắng ấm, trên đường hướng về Pleiku, đoàn chúng tôi dừng lại liên tục mỗi khi gặp một văn phòng ban chỉ huy công trường. Trên tuyến đường mà đoàn khảo sát đi qua, không khí lao động rất náo nhiệt. Ví như, trên địa bàn cac huyện phía Bắc tỉnh Đắk Lắk như Gói thầu số 10 trên địa phận huyện Buôn Hồ; Gói thầu số 6 địa phận huyện Krông Búk; Gói thầu số 5 địa phận huyện Ea H’Leo…
Anh Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Hoàng Nam, đơn vị thi công Gói thầu số 6 cho biết, Công ty đã tập kết vật tư, máy móc và thi công đào đắp nền đường, lu độ chặt k98 được 1,5 km đầu tiên. Các đơn vị đang tranh thủ từng ngày quý giá mùa khô thi công nền đường đảm bảo tiến độ.
Càng cận Tết Nguyên đán, ai cũng mong ngày về nhà đoàn tụ cùng gia đình song không vì thế nhịp công việc kém hối hả, anh Huấn, thành viên trong đoàn nhận xét.
Tới địa phận Gia Lai, anh Sơn cho biết, đã tới danh giới Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Pleiku - Cầu 110. Đây là dự án đầu tư theo hình thức BOT lớn nhất toàn tuyến do Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư, chiều dài gần 60 km, vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng.
Anh Phạm Minh Việt, Phó tổng giám đốc Đức Long Gia Lai cho biết, Dự án đã triển khai thi công 7 gói trên 9 gói thầu. Các đơn vị thi công tích cực triển khai làm nền đường hạ, giải đá cấp phối (đã thực hiện được 12 km), nhiều gói có tiến độ nhanh như gói số 5, gói số 2.
Anh Việt cũng cho biết, Dự án có nhiều thuận lợi khi đã hoàn thành GPMB và mới đây, ngày 30/12/2013, Đức Long Gia Lai đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng BIDV để bơm vốn cho dự án. “Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ ra quân trong ngày Mùng 6 Tết Giáp Ngọ để đáp ứng kịp thời tiến độ”, anh Việt nói.
Con đường mới được thảm nhựa phẳng lỳ dưới chân núi Hàm Rồng, một gói thầu thành phần Dự án đường Hồ Chí Minh mới được bàn giao và đưa vào sử dụng, như nâng chiếc xe Land Cruiser nhẹ nhàng lăn bánh hơn sau một ngày mệt nhoài. Phố núi Pleiku lung linh ánh đèn trong màn đêm Tây Nguyên tĩnh mịch. Nhâm nhi ly cà phê trong cái tiết se lạnh, anh Nguyễn Tiến Hùng, Giám đốc Chi nhánh Tây Nguyên CENCO 1 cho biết, “Gói thầu số 2 đoạn qua Pleiku mới được đơn vị bàn giao trong những ngày đầu năm 2014. CENCO 1 đã vượt qua nhiều gian khó, quyết tâm thực hiện gói thầu kịp tiến độ, “dân” mở đường như chúng tôi rất hạnh phúc khi góp thêm phần khang trang cho “phố núi” những ngày xuân này bằng con đường đẹp”.
Khép lại một ngày rong ruổi, ngày mai đang chờ chúng tôi với hành trình tuyến Pleiku – Kon Tum. Dẫu vậy, hành trình ngày mai hứa hẹn những trải nghiệm đong đầy niềm vui khi các gói thầu tuyến này đã dần định hình. Định hình con đường hiện đại, con đường đưa Tây Nguyên tới hội nhập sâu hơn với cả nước, tới cuộc sống phồn thịnh hơn - con đường Hồ Chí Minh.