Họ là đại diện điển hình của đội ngũ doanh nhân Việt
Quãng thời gian 3 năm mà Hội đồng bình chọn doanh nhân tiêu biểu khoanh vùng để cân đo, đong đếm các tiêu chí liên quan đến sức khoẻ, sức bền của doanh nghiệp mà các doanh nhân này đang chèo lái là 3 năm khó khăn chưa từng có. Sự khắc nghiệt, may rủi của thương trường và cả những sai lầm trong các quyết định đầu tư của nhiều doanh nhân, trong đó có cả những doanh nhân từng được vinh danh là những doanh nhân tiêu biểu những năm trước, khiến nhiều DN, bất kể quy mô, ngành nghề không vượt qua được thử thách.
Đằng sau sự tôn vinh, thừa nhận của xã hội là biết bao mồ hôi, công sức của các doanh nhân
Trong 9 tháng đầu năm nay, con số DN giải thể, ngừng hoạt động đã lên tới khoảng 43.000 công ty. Nếu cộng thêm khoảng 110.000 DN đã giải thể, ngừng hoạt động của 2 năm 2011 và 2012, số DN đã lui chân ra khỏi thị trường trong gần 3 năm qua là khoảng 150.000 đơn vị… Chính trong khó khăn, những doanh nhân đang dũng cảm đương đầu với khó khăn, đang tìm cách vươn lên từ những vấp váp, sai lầm và cả thất bại… thực sự đáng được tôn vinh, ghi nhận. Nhất là khi cùng với sự tồn tại, duy trì và phát triển của các DN này là sự ổn định cuộc sống của hàng trăm, hàng nghìn gia đình người lao động…
Họ chính là những người chỉ ra được bài học xương máu, không có thành công dễ dãi nào bền vững, không có khát vọng bay lên nào thực hiện dựa vào các kế hoạch đầu cơ, quản trị DN yếu kém hay sự tách biệt mình với thế giới, với hội nhập…
Xu hướng quay trở lại lĩnh vực truyền thống, cốt lõi, dựa trên thực lực đang là xu thế trong các kế hoạch tái cơ cấu của DN Việt
Tuy nhiên, trên con đường trở lại này, dấu hiệu bế tắc về công nghệ đang nổi lên, lý giải khó khăn khiến không ít DN không thể cải thiện năng suất, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Trong nghiên cứu về DN mới đây của VCCI, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI phát hiện rằng, sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong các DN Việt Nam trong 2 năm trở lại đây rất chậm chạp. Một phần nguyên do có sự hạn hẹp trong dư địa tái cơ cấu khi bài toán kinh tế vĩ mô vẫn đang trong giai đoạn tìm lời giải. Những giao thoa giữa mô hình tăng trưởng cũ và mới trong tư duy phát triển có thể sẽ cản trở cơ hội tái cơ cấu một cách mạnh mẽ của không ít DN.
Lần đầu tiên có mặt trong 100 doanh nhân tiêu biểu được bình chọn, trao Cúp Thánh Gióng năm 2013, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Công ty Kangaroo thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh kinh tế thay đổi hàng ngày như hiện nay, thì những tư duy cố hữu sẽ rất khó trụ vững và phát triển. Các cảnh cửa đang mở rộng với những doanh nhân thực sự sáng tạo, nhạy bén và có nền tảng vững chắc.
“Kinh doanh ngày nay không phải là cạnh tranh như ‘hai con dê qua cầu’, mà là tìm ra những yếu tố mới, con đường đi riêng để vượt lên”, ông Phương chia sẻ kinh nghiệm và cũng để nói về thách thức của chính các doanh nhân Việt