Hàng Việt chinh phục người Việt
Vừa qua, Thủ tướng Malaysia đã lái thử chiếc ô tô “made in Vietnam” mang thương hiệu Vinfast và có những đánh giá tích cực. Ông Mahathir là cha đẻ của chiếc xe Proton Saga - ô tô đầu tiên của Malaysia và có vai trò lớn trong thúc đẩy ngành công nghiệp nước này phát triển, thay vì phụ thuộc vào nông nghiệp như trước đây. Bước xuống xe Vinfast Lux SA 2.0 sau khi lái thử, ông chia sẻ cảm nhận: “Chiếc xe thiết kế đẹp, khỏe, chạy êm như xe điện, tôi tiếc rằng quãng đường ngắn nên chỉ tăng tốc lên đến 100 km/giờ”.
Dấn thân vào ngành công nghiệp ô tô, Vingroup đã khiến rất nhiều ánh mắt từ quan ngại đến ngỡ ngàng và ngưỡng mộ khi tập đoàn này chính thức ra mắt sản phẩm, đánh dấu một bước ngoặt mới cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Trước đó, tháng 11/2018, tại Công viên Thống Nhất, khi Vinfast giới thiệu xe điện và xe ô tô, đồng thời phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” đã thu hút hàng nghìn người tham dự. Trong đó, nhiều người tiêu dùng đã xuống tiền đặt mua xe điện, xe ô tô Vinfast.
Những thương hiệu Việt như Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, Viettel, FPT… đã trở thành những lá cờ đầu cho công cuộc vươn lên của hàng hóa Việt Nam. Với slogan “Vươn cao Việt Nam” nhiều ý nghĩa, Vinamilk không chỉ chinh phục người tiêu dùng trong nước, mà cả thị trường quốc tế. Cái gốc làm nên thành công của những thương hiệu này là chất lượng sản phẩm, chính chất lượng tạo nên giá trị.
Nếu những chiếc xe Vinfast chứng minh được chất lượng sau khi bán ra thị trường thì một kỳ tích của ngành công nghiệp ô tô vốn bị cho là thất bại suốt hơn 20 năm nay sẽ trở thành hiện thực. Ðược biết, chủ tịch của những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Chứng khoán SSI… đã lựa chọn sản phẩm ô tô của Vinfast để làm phương tiện di chuyển.
Ủng hộ hàng Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt An Group Nguyễn Hoài Thi cho biết, ông mua điện thoại Bphone của BKAV để ủng hộ sản phẩm made in Việt Nam.
“Việt Nam muốn hùng cường thì doanh nghiệp tư nhân phải phát triển, gồm cả các doanh nghiệp lớn như Vingroup, FPT, nhỏ hơn như BKAV…”, ông Thi nhìn nhận.
Theo lãnh đạo Việt An Group, Công ty hoạt động trong lĩnh vực môi trường, chinh phục được nhiều khách hàng ngoại như Formosa. Việt An đang có hai thứ giá trị là sản phẩm trạm quan trắc môi trường tự động và phần mềm giám sát môi trường. Tâm huyết với việc xây dựng thương hiệu Việt lớn mạnh, Việt An nung nấu ý định vươn ra thị trường thế giới thông qua thâu tóm doanh nghiệp ngoại.
Không những hàng Việt chinh phục được người Việt, mà còn chinh phục cả lãnh đạo nhiều tập đoàn toàn cầu. Khi quyết định lựa chọn NutiFood đồng hành tại thị trường Thụy Ðiển, tỷ phú Erik Paulsson của Tập đoàn Backahill cho biết:
“NutiFood có thế mạnh về các sản phẩm dinh dưỡng đặc trị, đứng đầu trong phân khúc tiêu dùng này ở Việt Nam nhiều năm liền và nằm trong Top 40 thương hiệu giá trị nhất ở Việt Nam do Tạp chí Forbes bình chọn. Ðặc biệt, chúng tôi ấn tượng khi NutiFood có được chứng chỉ FDA của Hoa Kỳ với những điều kiện khắt khe để đưa sản phẩm vào thị trường này. Chúng tôi cũng đánh giá cao những hoạt động vì cộng đồng và những nỗ lực của NutiFood nhằm bảo vệ môi trường”.
Trong một hội thảo mới đây, ông Matthew Heller, Tổng giám đốc quản lý đối tác cấp cao Google Ấn Ðộ và Ðông Nam Á chia sẻ, Goolge đã bị doanh nghiệp Việt chinh phục bởi cách làm ấn tượng và trí tuệ.
Ông Matthew Heller cho biết, khi bắt đầu bước chân vào phát triển thị trường Việt Nam, Google đã tính toán rất nhiều kịch bản, trong đó có việc đưa các công ty lớn trên thế giới của Tập đoàn đến Việt Nam để phát triển kinh doanh, đồng thời đưa nhân sự cao cấp đến khai thác thị trường…
Tuy nhiên, sau một thời gian, Google nhận ra đây là những lựa chọn sai lầm. Lựa chọn đúng đắn nhất là phải khai thác nhân lực tại thị trường Việt Nam.
“Sự đổi mới không ở đâu xa, mà nằm ở chính những con người Việt Nam với trí tuệ và sự quyết tâm rất cao. Một số doanh nghiệp Việt đã chinh phục được Google và trở thành đối tác tốt như Tập đoàn Novaon có nhiều bứt phá với sự sáng tạo, sẵn sàng thay đổi nhiều thứ trong nền tảng digital, kỹ thuật số”, ông Matthew Heller nói.
Vươn cao, vươn xa
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, trong 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã mang lại nhiều thành tựu và có ý nghĩa đáng kể ở nhiều góc độ.
Niềm tự hào, khát vọng sử dụng hàng Việt được khơi dậy mạnh mẽ trong mỗi người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hơn, qua đó, tính phát triển bền vững, tầm nhìn, kế hoạch chiến lược của doanh nghiệp bài bản hơn.
Ðã có nhiều doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường toàn cầu và khẳng định được thương hiệu.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị NutiFood chia sẻ niềm tự hào khi NutiFood là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đầu tư vào Thụy Ðiển. Công ty lựa chọn phát triển ở Thụy Ðiển vì đây là đất nước cung cấp thực phẩm đạt chuẩn organic cao hàng đầu thế giới, đặc biệt là sữa.
Một thế hệ doanh nghiệp Việt đang tự tin vươn lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo ông Võ Trí Thành, trong một chừng mực nào đó, lòng tin của người dân với hàng Việt tốt lên, nhưng chưa phải quá cao. Sự phát triển thương hiệu Việt còn chậm, đặc biệt khả năng vươn ra toàn cầu.
Làm thế nào để khắc phục điểm yếu của doanh nghiệp Việt khi vươn ra quốc tế? Ông Võ Trí Thành cho rằng, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, thể hiện qua các yếu tố: con người, doanh nghiệp, sản phẩm, năng suất lao động và chú trọng phát triển bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến phát triển bền vững gắn với trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp cần lồng ghép hoạt động này vào trong phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, truyền thông marketing.
“Một trong những yếu tố quan trọng là doanh nghiệp phải có tầm nhìn toàn cầu, lấy thị trường khu vực và toàn cầu như một phép thử để có sự vươn cao, vươn xa. Xây dựng năng lực cạnh tranh luôn đi cùng với xây dựng thương hiệu để khẳng định thương hiệu mang giá trị Việt”, ông Võ Trí Thành nói.