Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam thăm gian hàng của Hapro tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam thăm gian hàng của Hapro tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018.

Sức sống mới ở Hapro từ cộng lực của nhà đầu tư chiến lược

(ĐTCK) Gian hàng của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), thành viên mới nhất của Tập đoàn BRG tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018 (diễn ra hồi đầu tháng 11) được bài trí đẹp với đầy ắp sản vật phong phú như gạo, hạt điều, tiêu, cà phê, các loại gia vị Việt… luôn tấp nập khách tham quan. Lời nhắn nhủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các cán bộ cấp cao Việt Nam khi ghé thăm gian hàng sẽ là động lực để cả Tập đoàn nỗ lực trên hành trình đưa thương hiệu Việt Nam vươn ra biển lớn.

Hapro cùng 21 doanh nghiệp Việt Nam khác đã tham gia trưng bày trong gian hàng Quốc gia Việt Nam. Trong 6 ngày diễn ra Hội chợ, gian hàng Hapro đã đón hàng trăm lượt khách hàng, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Nga, Togo, Canada, Azerbaijan, Hongkong...

Mặt hàng chủ lực của Hapro là các loại gạo nếp, gạo thơm được khách hàng Trung Quốc rất quan tâm và ưa chuộng. Đây đều là các loại gạo do Hapro thu mua của bà con nông dân và chế biến tại Nhà máy Đồng Tháp, đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài gạo, các mặt hàng nông sản thực phẩm khác như hạt điều, tiêu, trà, cà phê, cơm dừa, các loại gia vị: hồi, quế, ớt khô; mộc nhĩ, rau củ quả chế biến, các loại hoa quả sấy khô, sấy dẻo, đậu phộng chế biến các loại, bún miến phở khô... cũng hút khách quan tâm.

Thông qua Hội chợ, Chi nhánh của Tổng công ty tại tỉnh Đồng Tháp đã ký trực tiếp Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Xuất nhập khẩu dầu và ngũ cốc Giang Tô để xuất khẩu gạo cho tập đoàn này. Hapro cũng đã thiết lập được mối quan hệ ban đầu với nhiều đối tác, để từ đó có những trao đổi, đàm phán sâu hơn. Chắc chắn, sau chuyến công tác hiệu quả như vậy, số lượng khách hàng lớn tại thị trường Trung Quốc của Hapro sẽ mở rộng hơn nhiều so với con số 30 như hiện nay.

Xuất khẩu, mở rộng và tìm kiếm các thị trường mới là định hướng mà Tập đoàn BRG đang quyết liệt triển khai và tập trung nguồn lực lớn cho Hapro. Ngay sau khi kết thúc thành công đại hội đồng cổ đông lần đầu vào tháng 6/2018, Chủ tịch Nguyễn Thị Nga đã chỉ đạo kiện toàn bộ máy nhân sự trên cơ sở giữ nguyên bộ máy lãnh đạo của Hapro, đồng thời bổ sung nhiều cán bộ dày dạn kinh nghiệm của Tập đoàn BRG nhằm hỗ trợ Hapro nhanh chóng triển khai đồng bộ các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở mang thị trường, tăng tốc cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Các cuộc họp chỉ đạo hàng tháng được tổ chức định kỳ hàng tháng nhằm xoát xét các chỉ tiêu tăng trưởng và đưa ra những quyết định chiến lược như mở rộng nhà máy gạo tại Đồng Tháp hay mở rộng nhà máy may xuất khẩu ở Yên Mỹ... với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số (trên 30%) trong giai đoạn 2018 – 2019.

Một trong những hoạt động được chú trọng là tích cực chào hàng tại các hội chợ nông sản lớn trong khu vực và trên thế giới nhằm xúc tiến các hợp đồng xuất khẩu mới cho Hapro. Đơn cử, tham dự Hội chợ World Food Itstabul (Thổ Nhĩ Kỳ) cuối tháng 8/2018, Hapro đã ký được một số hợp đồng xuất khẩu nông sản trị giá khoảng 1 triệu USD. Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 10/2018, tham gia Hội nghị Điều quốc tế tổ chức tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh và Hội nghị Gạo thế giới lần thứ 10 tổ chức tại Hà Nội, Hapro đã ký được một số hợp đồng xuất khẩu hạt điều cho khách hàng đến từ Mỹ và châu Âu trị giá khoảng 1 triệu USD, ký được 3 hợp đồng xuất khẩu gạo cho khách hàng đến từ Malaysia và Mỹ trị giá gần 2,5 triệu USD.

Xác định nông nghiệp là thế mạnh của quốc gia, Tập đoàn BRG đã chủ trương tập trung đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, điển hình như Nhà máy gạo Đồng Tháp ưu tiên đẩy mạnh thu mua lúa của bà con nông dân, tiến tới hợp tác vùng trồng nguyên liệu. Các sản phẩm gạo chủ lực của Hapro đã tạo được tiếng vang tại thị trường trong nước cũng như quốc tế. Mới đây, sản phẩm gạo Hương lài sữa dẻo đã đạt Top 2 hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích năm 2018 tại “Lễ khai mạc tháng khuyến mại tôn vinh hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. 

Mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu khác mà Hapro đang dày công nghiên cứu để “đem chuông đi đánh xứ người” là gốm Chu Đậu. Phải tận mắt thấy các gôn thủ quốc tế nâng niu ngắm nhìn chiếc cup được chế tác tinh xảo bằng gốm Chu Đậu tại BRG Festival Golf Hà Nội 2018 mới có thể cảm nhận được rằng đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam là những tác phẩm vô cùng đẹp và không có lý gì sản phẩm này không thể có mặt ở khắp năm châu...

Dệt may, lĩnh vực Việt Nam đang có nhiều lợi thế cũng được Ban lãnh đạo của Hapro tập trung ưu tiên đầu tư. CTCP Thương mại dịch vụ thời trang Hà Nội, thành viên của Hapro đang khẩn trương hoàn tất nhà xưởng, lắp ráp máy móc... để đưa phân xưởng may mới đi vào hoạt động. Dự án mở rộng Xí nghiệp may xuất khẩu Yên Mỹ đã được lãnh đạo Tập đoàn BRG chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện tối đa để hoàn thành đúng tiến độ. Phân xưởng mới được trang bị 20 máy dệt điện tử theo công nghệ hiện đại nhất nhập khẩu từ Ý, với công suất 2,5 triệu sản phẩm/năm, xuất khẩu sang 2 thị trường là Mỹ, EU.

Có tầm nhìn dài hạn, chiến lược rõ ràng và giải pháp thực thi cụ thể, đặc biệt là sự hỗ trợ sát sao của Tập đoàn BRG, Hapro đã đạt những chuyển biến ấn tượng. Sau gần 4 tháng hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Hapro phát triển mạnh mẽ trong mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh, người lao động phấn khởi bởi khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả sẽ đảm bảo và cải thiện các chính sách, chế độ dành cho họ. 

 “Muốn đi xa phải đi cùng nhau”, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ rất cần sự hợp lực của các doanh nghiệp. Sức sống mới ở Hapro là minh chứng cho thấy chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là đúng đắn. Có thêm sức mạnh cộng hưởng từ các nhà đầu tư chiến lược có tâm và có tầm, doanh nghiệp sẽ được tiếp thêm đôi cánh để bay xa.

9 tháng đầu năm, Hapro đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 89 triệu USD, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu đạt 3.905 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2017. Một số mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao như: Hạt điều đạt 62 triệu USD, tăng 15%; gạo đạt gần 12 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017.

Tin bài liên quan