Nhận định về tình hình chung của nền kinh tế năm 2014, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, Trưởng nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo cho rằng, cũng như năm 2013, năm 2014, nền kinh tế tiếp tục có thêm dư địa chính sách nhờ lạm phát tương đối thấp, tuy nhiên các vấn đề của nền kinh tế thực vẫn là điều đáng lo ngại.
“DN tiếp tục suy yếu, trong khi các chính sách chưa đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả, làm biến dạng mục tiêu mong muốn, đều đang là những nhân tố cản trở sự phục hồi của nền kinh tế”, ông Thành nhận định.
Đặc biệt, một nhân tố có ảnh hưởng đến diễn biến kinh tế vĩ mô cũng như tăng trưởng của nền kinh tế năm nay được ông Thành dẫn giải, đó là sự xuất hiện không mong muốn những mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, cần thừa nhận một thực tế là kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc với tư cách là nước nhập khẩu ròng về nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, máy móc và dịch vụ xây dựng phục vụ các công trình năng lượng và hạ tầng. Bên cạnh đó, Việt Nam đồng thời cũng là nhà xuất khẩu ròng nhiều mặt hàng nông nghiệp quan trọng như gạo, cao su, hoa quả… sang Trung Quốc. Do đó, khi quan hệ giữa hai nước diễn tiến theo chiều hướng tiêu cực, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế.
Trên cơ sở phân tích bối cảnh vĩ mô có nhiều biến động, bản báo cáo đã đưa ra hai kịch bản kinh tế cho thấy, mức tăng trưởng của năm 2014 có khả năng sụt giảm so với năm 2013. Theo đó, ở kịch bản thấp, mức tăng trưởng GDP được các nhà nghiên cứu dự báo đạt khoảng 4,15%, trong khi kịch bản thứ hai tuy được đặt kỳ vọng ở mức cao hơn, nhưng cũng chỉ đạt 4,88%. Mức lạm phát của cả năm 2014 được dự báo thấp hơn so với năm 2013, dự kiến từ 4,76% đến 5,51%.
Cùng với hai kịch bản trên, trong bản Báo cáo thường niên công bố, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều vấn đề ngắn và trung hạn được đặt ra cho Việt Nam, bao gồm lựa chọn ưu tiên giữa chính sách phục hồi tăng trưởng, hồi sinh DN và chính sách tiền tệ thích hợp, kiểm soát ổn định vĩ mô. Trong đó ổn định vĩ mô vẫn là tiền đề vững chắc cho các chính sách căn bản khác.
Cụ thể, trên lĩnh vực ngân hàng, theo ông Thành, do kỳ vọng lạm phát có thể thấp dưới 6%, cùng với sự dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, có thể tiếp tục gây sức ép hạ lãi suất huy động, nhưng cần chú ý để không gây xáo trộn trên thị trường vốn nếu lãi suất huy động thực tiến sang trạng thái âm. Đối với thị trường bất động sản, ông Thành cho rằng, không nên kéo dài thời gian điều chỉnh bằng những gói hỗ trợ hoặc các giải pháp trên giấy, tạo kỳ vọng sai lệch về thị trường này, cách tốt nhất là để thị trường tự điều chỉnh.
Liên quan đến tỷ giá, báo cáo đưa ra khuyến nghị định hướng chính sách tỷ giá không chỉ là điều chỉnh ngắn hạn trong nửa cuối năm với mức tăng khoảng 2 - 3%, mà cần đóng vai trò là một tầm nhìn ổn định trong dài hạn, nhằm tác động tích cực đến sản xuất trong nước.
“Sau giai đoạn căng thẳng trên biển Đông, nên có sự điều chỉnh tỷ giá vì điều kiện vĩ mô thuận lợi như hiện nay không có nhiều”, ông Thành nhận định.
Trên phương diện giải quyết nợ xấu, theo đề xuất của các nhà nghiên cứu, cần tiến thêm một bước cụ thể là tạo dựng thị trường mua bán nợ và cơ chế khơi thông nguồn lực mua nợ từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đối với vấn đề cải cách DNNN, cần duy trì tiến trình cổ phần hóa DNNN như thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ, để vừa cải thiện ngân sách, vừa thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Đánh giá về các nhân tố tác động phát sinh từ diễn biến căng thẳng trên biển Đông thời gian qua, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh nhận định, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn, do đó các chính sách cần được cập nhật điều chỉnh cho phù hợp. Theo ông Doanh, nền kinh tế nói chung cũng như các DN nói riêng cần năng động hơn, đồng thời tăng sức đề kháng trước các cú sốc kinh tế, chuẩn bị cho công cuộc tái cơ cấu và chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa.
“Những căng thẳng trên biển Đông trước mắt có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, đây có thể lại là cơ hội tốt để Việt Nam tái cấu trúc, trở thành nền kinh tế có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn”, ông Doanh nói.