Cùng với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2014 tăng thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế nước ta đã đạt mức cao nhất trong 3 qua. Cụ thể, các số liệu thống kê vừa công bố cho thấy, CPI quý I vừa qua chỉ tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, thay vì chỉ tăng 4,75 và 4,76% trong cùng kỳ 2 năm gần đây, GDP quý I vừa qua đã tăng 4,96%.
Như vậy, đây tuy không phải là lần đầu tiên, nhưng đã hơn một thập kỷ trở lại đây, nền kinh tế nước ta mới lại được chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ lạm phát.
Theo lô-gíc thông thường, thực trạng đó có nghĩa là, chỉ số nào cần tăng, thì đã tăng, còn chỉ số nào cần giảm, cũng đã giảm và đó là những dấu hiệu tích cực. Dù vậy, vẫn có những căn cứ chủ yếu sau đây để lo ngại rằng, nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ phát triển không bền vững.
Thứ nhất, tuy lạm phát giảm chắc chắn nhờ những nỗ lực kiềm chế của các nhà quản lý, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, cuộc chiến chống lạm phát được tiến hành trong những điều kiện thuận lợi hiếm có.
Đó là, với một nền kinh tế còn ở trình độ phát triển chưa cao, nhưng lại có độ mở rất lớn như nước ta, việc giá hàng hóa trên thị trường thế giới liên tục hạ nhiệt trong hơn 2 năm qua đương nhiên có tác dụng “làm mát” nền kinh tế.
Xu hướng này trong nền kinh tế nước ta cũng rất rõ ràng. Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu 15 mặt hàng chủ yếu có số liệu thống kê về lượng và giá trị 3 tháng đầu năm nay ước đạt gần 6,3 tỷ USD, nếu quy về giá năm 2013, thì giảm 3,3%, còn quy về giá năm 2012, thì bị giảm 9,7% và quy về giá năm 2011 thì giảm 9,1%.
Ở phía đầu vào, nhập khẩu 17 mặt hàng chủ yếu có số liệu thống kê về lượng và giá trị, tình hình gần tương tự.
Thứ hai, là quốc gia có thứ hạng rất cao trong xuất khẩu nhiều nông sản chủ yếu trên thị trường thế giới, giá thế giới còn đẩy chúng ta vào tình trạng ngặt nghèo hơn.
Các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, giá nông sản thế giới năm 2013 đã giảm 7,2% so với năm 2012; năm 2012 giảm 5,8% so với năm 2011 và tính chung 2 năm 2012-2013, đã giảm 12,6%. Trong 2 tháng đầu năm nay, xu thế này vẫn tiếp tục, khi giá hàng nông sản thế giới đã giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2013; còn nếu so với 2 tháng đầu năm 2011, thì đã giảm tổng cộng tới 18,2%.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 7 mặt hàng nông sản chủ yếu có số liệu thống kê về lượng và giá trị 3 tháng đầu năm đã “co lại” chỉ còn hơn 3 tỷ USD, trong khi quy về giá cùng kỳ năm 2013, thì phải hơn 3,2 tỷ USD; còn nếu quy về giá cùng kỳ năm 2011, thì phải hơn 3,5 tỷ USD, tức là chúng ta bị thua thiệt về giá 5,3% và 15,3%.
Việc giá nông sản xuất khẩu liên tục giảm rất mạnh như vậy đương nhiên cũng kéo giá nông sản trong nước giảm.
Thứ ba, trong khi giá nông sản xuất khẩu cũng như ở thị trường trong nước liên tục giảm, không chỉ khiến dân cư ở khu vực nông thôn bị thiệt thòi rất lớn, mà giá hàng công nghiệp và dịch vụ vẫn liên tục tăng, nên tỷ giá cánh kéo giữa hàng nông sản với hàng công nghiệp và dịch vụ ngày càng doãng rộng. Số liệu thống kê vừa công bố có thể thấy, trong khi chỉ số giá hàng lương thực, thực phẩm quý I vừa qua so với cùng kỳ năm 2013 chỉ tăng 3,37%, thì giá của các nhóm hàng còn lại tăng 5,22%.
Không những vậy, tình trạng này đã kéo dài trong suốt 2 năm 2012 và 2013. Bởi lẽ, trong năm 2013, trong khi giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng 1,79%, thì giá của các nhóm hàng còn lại tăng tới 9,27%; còn trong năm 2012, hai chỉ số này là 6,91% và 10,21%. Tính chung từ năm 2012 đến nay, giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng 12,49%, còn giá của các nhóm hàng còn lại tăng 26,72%.
Rõ ràng, tỷ giá cánh kéo doãng rộng như vậy khiến bộ phận dân cư yếu thế trong xã hội thua thiệt ngày càng lớn.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, cho dù lạm phát thấp hiện nay xét trên bình diện tổng thể nền kinh tế là điều rất đáng mừng, nhưng điều trớ trêu là, khu vực kinh tế nông nghiệp chính là khu vực đóng góp tích cực nhất vào kết quả đó.
Thực tế này đã và đang để lại những hệ quả rất rõ ràng.
Các số liệu thống kê cho thấy, thay vì chiếm 15,50% trong “rổ GDP” quý I/2012, tỷ trọng này của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2013 “co lại” chỉ còn 13,25% và hiện nay chỉ còn 12,88%. Trong đó, nông nghiệp là ngành bị “co lại” mạnh nhất với tỷ trọng lần lượt 11,21%; 9,79% và 9,35%. Nếu tính theo giá so sánh, nhịp độ tăng trưởng của ngành này cũng đang tụt dốc rất đáng ngại.
Thực tế đó có nghĩa là, thu nhập của dân cư khu vực nông thôn càng tăng chậm lại nhiều hơn và trong điều kiện bộ phận dân cư này vẫn tăng và vẫn chiếm 2/3 dân số cả nước, sức mua của thị trường trong nước càng yếu hơn, khoảng cách giàu nghèo giữa các bộ phận dân cư cũng doãng rộng nhanh hơn. Hệ quả là, sức mua của thị trường trong nước càng yếu sẽ khiến hai khu vực công nghiệp và dịch vụ càng thiếu thị trường để phát triển. Đây chắc chắn cũng là một lý do rất quan trọng để e ngại khả năng thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm nay.
Tóm lại, hãy còn quá sớm để khẳng định nền kinh tế có lâm vào tình trạng giảm phát hay không, nhưng đây chắc chắn là dấu hiệu của tình trạng đó.