Sức mạnh tiềm năng của ngân hàng điện tử

Sức mạnh tiềm năng của ngân hàng điện tử

(ĐTCK) Gõ chữ “ngân hàng điện tử” trên Google, chỉ sau chưa đầy nửa giây cho ra 37 triệu kết quả. Con số này cho thấy, mức độ phổ cập của khái niệm “ngân hàng điện tử” là khá rộng tại Việt Nam.

Cùng với những cái tên đã trở nên quen thuộc với giới tiêu dùng, sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của Vietcombank, Standard Chartered. HSBC…, thì nhiều ngân hàng lớn khác như MB, ACB, Techcombank, Sacombank … đang bắt đầu tập trung phát triển kênh phân phối này, vì những lợi thế vượt trội và riêng có của ngân hàng điện tử.

Sức mạnh tiềm năng của ngân hàng điện tử ảnh 1

Tầm nhìn chiến lược

Không khoảng cách, không thời gian, hoạt động 24/7/365 (hoạt động liên tục trong 24h mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần và 365 ngày mỗi năm) là điểm khác biệt rõ nét nhất của loại hình ngân hàng điện tử so với ngân hàng truyền thống. Cùng với mức độ phổ cập của Internet, của các thuê bao di động, các ngân hàng dường như đều nhận ra rằng, không có con đường nào nhanh hơn, hiệu quả hơn để vượt trên đối thủ bằng việc phát triển ngân hàng điện tử. Tại MB, trong 22 sáng kiến để định hướng MB trở thành ngân hàng thuận tiện, nằm trong TOP 3 ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam vào năm 2015, thì sáng kiến phát triển ngân hàng điện tử là một sáng kiến có tầm nhìn chiến lược, được đưa ra từ chính Ban lãnh đạo Ngân hàng này.

Trên thực tế, so với một số ngân hàng lớn khác thì MB không phải là người tiên phong bước vào thị trường ngân hàng điện tử, nhưng khi đã xác định đây là một sáng kiến có tính chiến lược trong định hướng phát triển thì MB lại có lợi thế rất lớn để phát triển các tiện ích ngân hàng qua kênh điện tử thông qua hợp tác sâu rộng với đối tác chính Viettel. Với mạng lưới rộng khắp trên các địa bàn cả nước và mạng di động phủ sóng toàn cầu, MB đang cùng với Viettel hiện thực hóa các sản phẩm ngân hàng điện tử tại Việt Nam, với những hình thái từ đơn giản, đến đơn giản hơn nữa. Từ đầu năm 2011 đến nay, MB đã cùng Viettel cung cấp sản phẩm là BankPlus ra thị trường và đã có những thành công bước đầu. Bên cạnh đó là việc ra mắt sản phẩm tiết kiệm số giúp cho khách hàng có thể gửi tiết kiệm trực tuyến thông qua Internet Banking. Cả hai sản phẩm này đang không ngừng được cải tiến để mang lại thuận tiện hơn nữa cho khách hàng sử dụng. Cũng như các ngân hàng khác, mức độ cung ứng sản phẩm ngân hàng điện tử của MB còn khá đơn giản, như chuyển khoản, thanh toán, truy vấn tài khoản… Tuy nhiên, sự khác biệt xuất phát từ những ý tưởng, khát vọng đưa dịch vụ ngân hàng điện tử vào các hoạt động thường nhật của cuộc sống xuất phát không chỉ từ đơn vị chủ trì, quản lý dịch vụ này của Ngân hàng.

 

Đam mê và cơ hội

Rất nhiều người có ấn tượng mạnh với một phóng sự được phát trên Đài truyền hình Việt Nam mới đây về tình cảnh các thầy cô giáo ở một trường học tại tỉnh miền núi đã phải bỏ dạy học, vất vả vượt qua chặng đường dài ra trung tâm huyện để… lấy lương, vì UBND huyện áp dụng việc trả lương qua tài khoản, mà tại địa bàn không có ngân hàng, cũng không có máy rút tiền (ATM). Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đức Huy, Trưởng bộ phận phụ trách phát triển ngân hàng điện tử MB cho biết, câu chuyện nghịch cảnh trên sẽ được khắc phục nếu một ngày nào đó, dịch vụ ngân hàng được cung ứng đến vùng sâu, vùng xa theo các cách thức đơn giản nhất, gần gũi nhất và dễ tiếp cận nhất, phù hợp với tập quán sinh hoạt của bà con. “Tương tự chiếc điện thoại di động, có thể kết nối mọi người ở mọi nơi, mọi lúc, hình thức ngân hàng điện tử có thể đáp ứng các dịch vụ ngân hàng mà không bị giới hạn về không gian hay thời gian. Chúng tôi đang mong đến việc một ngày nào đó, chiếc điện thoại của mỗi người sẽ là công cụ mà thông qua đó các giao dịch với ngân hàng được xử lý một cách tự chủ, an toàn và nhanh chóng nhất, theo cách thân thiện nhất”, ông nói.

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm ngân hàng điện tử cho khách hàng VIP, khách hàng hiện hữu, theo anh Huy, việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử cũng là cách để nới rộng hoạt động của hình thức ngân hàng truyền thống để đến với những nơi, những vùng mà ngân hàng truyền thống chưa có sự hiện diện. Ngân hàng điện tử không chỉ là cách nhanh nhất để mở rộng thị trường ra ngoài khu vực trung tâm, việc phát triển các tiện ích thanh toán Online mà mọi người đều có nhu cầu sử dụng, từ việc thanh toán cước điện thoại, tiền điện, tiền nước, đến việc thanh toán học phí hay các nghĩa vụ chi trả thường xuyên khác, cũng đang được các ngân hàng nhắm đến theo các cách riêng của mình. Dự kiến từ năm 2013, sự hiện diện của loại sản phẩm ngân hàng điện tử sẽ dễ nhận thấy hơn với thương hiệu MB, vì khách hàng mục tiêu mà ngân hàng này đang hướng đến là khá rộng.

Với khối khách hàng VIP (DN lớn, các cơ quan chức năng, nhà đầu tư lớn…), đây là đối tượng được nhiều ngân hàng cùng đặt mục tiêu phục vụ nhất. Trước câu hỏi của ĐTCK về việc làm thế nào để tạo sự khác biệt, anh Huy chia sẻ, phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử cũng giống như đi trên một con đường, có nhiều cách để chọn lựa phương tiện để đến đích. Chính việc chọn phương tiện nào, đến đích bằng cách nào sẽ tạo nên sự khác biệt trong dịch vụ giữa các ngân hàng.

Hiện nay, sản phẩm ngân hàng điện tử với khối khách hàng cao cấp cơ bản gồm quản lý tài khoản, thanh toán hóa đơn, quản lý khoản phải thu, phải trả, cân đối dòng tiền… Không chỉ phục vụ mỗi khách hàng VIP, mà các sản phẩm, dịch vụ thường hướng đến chuỗi đối tác quanh khách hàng lớn đó. Làm thế nào để hiểu nhu cầu của khách hàng, sáng tạo ra các giải pháp riêng để đáp ứng tốt nhất các nhu cầu này, đó là cách tạo nên sự khác biệt trong ngành dịch vụ nói chung, ngành dịch vụ ngân hàng nói riêng. Nhìn theo cách này thì không gian để phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử là vô tận. Thực tế hơn, nếu so sự phát triển của ngân hàng điện tử tại Mỹ, châu Âu hay một số nước châu Á như Nhật Bản, Singapore với Việt Nam sẽ thấy, dư địa để phát triển ngân hàng điện tử tại Việt Nam còn quá rộng, khi hầu như tất cả các ngân hàng mới ở bước khởi đầu.

 

Thách thức từ môi trường kinh doanh

Hầu như ai cũng hiểu phát triển ngân hàng điện tử là tiện ích, là tiết kiệm, là hiệu quả, nhưng ở đó không phải không có những thách thức rất lớn mà các ngân hàng đang phải đối mặt. Đầu tiên là thói quen tiêu dùng tiền mặt, vốn đã ăn sâu, bám rễ vào đại đa số người dân Việt Nam, nên để họ quen với các sản phẩm ngân hàng điện tử cần phải có thời gian và cần nhiều nỗ lực truyền thông từ chính các ngân hàng tiên tiến nhất.

Bên cạnh đó, một trong những điểm mấu chốt để phát triển hạ tầng cho giao dịch điện tử là việc đưa vào sử dụng phổ biến chứng minh thư số. Theo đó, các dịch vụ ứng dụng trên loại giấy tờ tùy thân công nghệ cao này cũng phải được phát triển đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng chứng minh thư số tại Việt Nam vẫn đang ở điểm khởi phát, do đó, về mặt nào đó cũng tạo ra những hạn chế nhất định để triển khai các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Về pháp lý, Luật Giao dịch điện tử đã ra đời từ năm 2005, theo đó, pháp luật đã thừa nhận bằng chứng điện tử qua chữ ký điện tử với yêu cầu để được thừa nhận chữ ký điện tử phải qua 1 tổ chức xác thực loại chữ ký này. Hiện nay ở Việt Nam mới có 5 tổ chức được quyền cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (Viettel, FPT, VNPT, NacencommSCT và Công ty An ninh mạng Bkav), với mức độ tiếp cận của người dân còn rất hạn chế.

Tuy nhiên, tương lai phát triển của hình thức thương mại điện tử nói chung, ngân hàng điện tử nói riêng là rất lớn và có lẽ cũng không còn quá xa nếu nhìn sang cách ứng dụng hình thức này ở TTCK Việt Nam . Với trên 1,2 triệu nhà đầu tư chứng khoán, trong 1 năm trở lại đây, giao dịch trực tuyến đã phổ cập ở toàn TTCK Việt Nam, cho phép nhà đầu tư thực hiện mọi thao tác (đặt lệnh, kiểm tra danh mục, tra cứu giá cổ phiếu, vay mượn…) ở bất kỳ nơi đâu chỉ với 1 chiếc điện thoại hay 1 máy tính có kết nối Internet. Rõ ràng, khi một lớp người dân tiếp cận và cảm nhận rõ lợi ích của thương mại điện tử, thì đó cũng là cách phổ cập nhanh nhất, thiết thực nhất đến đại đa số người dân với hình thái giao dịch tiện ích này. 

Dù còn nhiều thách thức phía trước và gần như tất cả các ngân hàng đều đang ở giai đoạn khởi động để nhắm vào mảng thị trường ngân hàng điện tử, tại MB, với mục tiêu đảm bảo cung cấp được dịch vụ tới hàng triệu khách hàng riêng qua kênh điện tử đến năm 2015. Hiện thực hóa mục tiêu này như thế nào là câu hỏi không dễ, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là phát triển ngân hàng điện tử một cách an toàn, khoa học sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho riêng ngân hàng, mà là cho toàn xã hội.