Nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.

Nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.

Sức mạnh cội nguồn và sự lớn mạnh của đất nước

Chính sức mạnh cội nguồn dân tộc đã giúp Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền và phát triển, hội nhập. Đó là những chia sẻ của nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha trước ngày lễ lớn của dân tộc - Lễ Giỗ tổ Hùng Vương.

Cảm xúc của ông vào mỗi dịp Giỗ tổ Hùng Vương?

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng Ba”. Bao đời nay, câu ca ấy đã in sâu trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam. Cứ đến ngày Giỗ tổ, dù ở nơi đâu, mọi người dân trên khắp miền Tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài lại cùng nhau hướng về đất Tổ, hướng về nguồn cội.

Giỗ tổ Hùng Vương đã được xem như ngày hội lớn của đất nước, khi triệu triệu trái tim con cháu Lạc Hồng như cùng chung nhịp đập, hướng về Nghĩa Lĩnh, thành kính tri ân công đức tổ tiên. Và tôi cũng không đứng ngoài nhịp đập chung đó của dân tộc, của đất nước với những cảm xúc dâng trào để có thể tiếp tục cầm bút viết về đất nước Việt Nam tươi đẹp và đầy quả cảm, về con người Việt Nam cần cù, thông minh và đầy mến thương.

Theo ông, sức mạnh cội nguồn dân tộc có vai trò như thế nào trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước?

Nhìn lại bốn ngàn năm lịch sử đã qua, chúng ta nhận thấy, từ khi Nhà nước Văn Lang được thành lập, dân tộc ta đã phải đối mặt và trải qua rất nhiều cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Nhưng lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng chủ quyền đã tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam luôn giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

Các cuộc kháng chiến chống xâm lược của đất nước ta hầu hết diễn ra trong hoàn cảnh chênh lệch về so sánh lực lượng, nhưng dân tộc ta không khuất phục trước kẻ thù và luôn hướng về phía trước, vươn lên với ý chí kiên cường và sức sống mãnh liệt. Cho đến giờ, thế giới còn chưa hết kinh ngạc khi một đất nước nhỏ bé như Việt Nam lại có thể chiến thắng được những cường quốc hùng mạnh trên thế giới, đúng với tinh thần “giữ nước” quật cường như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Tôi cho rằng, những cuộc chiến tranh đã thử thách sức sống của dân tộc ta và lịch sử là bằng cứ hùng hồn chứng minh cội nguồn dân tộc đã làm nên sức mạnh của đất nước, bởi “dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một thiên anh hùng ca rạng rỡ.

Với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, sức mạnh của truyền thống dân tộc có ý nghĩa thế nào?

Sức mạnh của truyền thống dân tộc không chỉ được thể hiện trong các phong trào đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, mà trước hết thể hiện ở tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực,  tự cường. Sức mạnh đó giúp dân tộc Việt Nam không bị đồng hoá trong 1.000 năm Bắc thuộc, không bị diệt vong dưới ách thống trị của thực dân.

Đến hôm nay, ở thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống đó tạo nên sức mạnh liên kết cộng đồng chung tay xây dựng Tổ quốc, đưa đất nước Việt Nam từ nghèo nàn, lạc hậu bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá, trở thành một quốc gia đang phát triển với mức thu nhập trung bình và có vị thế ngày càng quan trọng trên thế giới.

Vị thế đó được thể hiện sinh động bằng việc, mới đây nhất, Thủ đô Hà Nội đã được chọn lựa để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, hay Việt Nam đã trở thành điểm đến của hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do… Tôi cho rằng, vị thế quan trọng trên trường quốc tế chỉ có thể có được khi chúng ta biết phát huy năng lực nội tại của dân tộc, của đất nước.

Trong sự phát triển của Việt Nam hôm nay, không thể không nhắc đến vai trò của các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn do người Việt làm chủ. Việc họ nỗ lực vươn lên, ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, có sự tác động của ý thức tự hào dân tộc không, thưa ông?

Tôi đánh giá rất cao vai trò của các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam, tiêu biểu như Vingroup, Thaco, Bkav, TH, FPT, Viettel… Sự lớn mạnh của họ đã thể hiện rất rõ niềm tự hào về cội nguồn dân tộc để vươn lên, không ngừng chinh phục những đỉnh cao mới.

Đơn cử, Vingroup đang triển khai sản xuất xe ô tô với tầm nhìn trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, hội tụ tinh hoa của ngành công nghiệp ô tô để tạo ra các sản phẩm đẳng cấp quốc tế, mang lại giá trị mà người Việt có thể tự hào. Sự phát triển vượt bậc của Vingroup ở lĩnh vực bất động sản, thương mại… nhằm tạo nên những giá trị sống mới cho người Việt Nam cũng chính là bằng chứng về ý thức dân tộc.

Hay Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) với tầm nhìn trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó ô tô là chủ lực, để thực hiện sứ mệnh “mang lại giá trị cho khách hàng, xã hội và có đóng góp thiết thực vào nền kinh tế đất nước”, như lời Chủ tịch Thaco, ông Trần Bá Dương, từng chia sẻ với báo giới cách đây chưa lâu.

Rồi sự kiện Bkav mạnh dạn cho ra đời chiếc smartphone đầu tiên mang thương hiệu Việt (Bphone); Viettel với chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu...

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp đó đang đi những bước tiên phong với ý tưởng kinh doanh độc đáo, tư duy đột phá và họ đã vươn lên một cách mạnh mẽ để khẳng định sức mạnh vượt trội. Sức mạnh ấy không thể không có nguồn nội lực dồi dào từ ý thức tự lực, tự cường và niềm tự hào về truyền thống dân tộc.

Toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của thế giới đương đại. Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị những gì để hội nhập thành công?

Điều đầu tiên cần nhắc đến là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, gắn liền với phát triển bền vững - một yêu cầu khách quan, cấp thiết, có tính toàn cầu hiện nay. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải luôn tuân thủ những chuẩn mực về sản xuất - kinh doanh và cả những chuẩn mực về bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường lao động, bình đẳng giới, an toàn lao động, đảm bảo quyền lợi của người lao động, góp phần phát triển cộng đồng, thực hiện an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện…

Tiếp theo là xây dựng văn hóa doanh nghiệp đủ sức đáp ứng các yêu cầu cao của công cuộc hội nhập quốc tế. Việc sử dụng các nhân tố văn hóa vào hoạt động kinh doanh sẽ góp phần phát triển con người, đem lại sự giàu có, hạnh phúc cho mọi người, sự phồn vinh và vững mạnh của đất nước, sự vẻ vang của dân tộc. Do đó, văn hóa trong kinh doanh không chỉ phản ánh trình độ của những con người trong lĩnh vực kinh doanh, mà còn là bộ phận cấu thành của nền văn hoá dân tộc.

Theo tôi, nếu chúng ta đề cao hoạt động kinh doanh gắn liền với cái đúng, cái tốt đẹp, nhằm thoả mãn nhu cầu và thị hiếu của đời sống xã hội thì sẽ góp phần định hình truyền thống văn hoá kinh doanh. Những điều này hoàn toàn gần gũi với nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam, vốn được phát khởi từ sự thiện tâm trong mỗi con người, có sức lan tỏa rộng khắp trong mỗi gia đình, cộng đồng xã hội, làm nên sức mạnh trong công cuộc phát triển đất nước.

Tin bài liên quan