"Sức khỏe" ngành sản xuất Việt Nam yếu trong hầu hết thời gian của năm 2023

"Sức khỏe" ngành sản xuất Việt Nam yếu trong hầu hết thời gian của năm 2023

'Sức khỏe' ngành sản xuất suy giảm trong cả năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
S&P Global công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 48,9 điểm trong tháng 12, tức là vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, phản ánh các điều kiện kinh doanh suy giảm tháng thứ tư liên tiếp.

S&P Global vừa công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 12/2023.

Theo dữ liệu của S&P Global, PMI ngành sản xuất nước ta trong tháng 12/2023 chỉ đạt 48,9 điểm, tức là vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành suy giảm tháng thứ tư liên tiếp.

"Sức khỏe ngành sản xuất yếu kém trong hầu hết thời gian của năm 2023, chỉ cải thiện nhẹ trong tháng 2 và tháng 8. Kết quả chỉ số PMI trung bình của năm là thấp nhất kể từ thời điểm bùng phát đại dịch covid-19 vào năm 2020", Báo cáo nêu.

Mức giảm này tiếp tục phản ánh tình trạng nhu cầu yếu kém, với tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 12. Tuy nhiên, tốc độ giảm đã chậm lại so với tháng 11 khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới gần như ổn định.

Theo những người tham gia khảo sát, tình trạng tăng giá gần đây đã làm nản lòng khách hàng và đã góp phần làm giảm số lượng đơn đặt hàng mới. Chi phí đầu vào tăng do giá điện và dầu, cộng với tình trạng đồng tiền yếu.

Sản xuất công nghiệp năm qua đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Việc tìm kiếm thị trường đầu ra gặp khó dẫn đến hàng tồn kho trong doanh nghiệp hiện đang rất cao.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 1,0 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,93 điểm phần trăm.

Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết: "Các dữ liệu sản xuất của tháng cuối cùng của năm 2023 phản ánh bức tranh ngành sản xuất Việt Nam trong hầu hết thời gian của năm qua với tình trạng nhu cầu yếu dẫn tới sản lượng giảm".

Trước tình trạng nhu cầu yếu, các công ty đã phải hạn chế tăng giá bán hàng trong tháng 12 để thu hút đơn đặt hàng mới. Tình trạng này diễn ra bất chấp việc chi phí đầu vào của họ tiếp tục tăng đáng kể.

Dù vậy, các công ty vẫn kỳ vọng, sản lượng sẽ tăng trong năm 2024 vì hy vọng nhu cầu sẽ phục hồi ở cả thị trường trong nước và nước ngoài và nhờ những kế hoạch mở rộng kinh doanh. Điều này dẫn đến sự ổn định của việc làm và hoạt động mua hàng sẽ sôi động hơn.

Tin bài liên quan