Thống kê của Fiinpro dựa trên 899 doanh nghiệp khối phi tài chính công bố kết quả kinh doanh quý IV và năm 2019 cho thấy, năm 2019 là năm thứ hai khối doanh nghiệp phi tài chính có lợi nhuận ở mức thấp sau nhiều năm tăng trưởng mạnh kể từ năm 2013.
Cụ thể, doanh thu thuần tăng trưởng ở mức 4,2%, còn lợi nhuận sau thuế tăng trưởng ở mức 9,3% trong năm 2019.
Trong đó, nếu phân loại theo nhóm ngành thì thấy, một số ngành có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao năm 2019 như công nghệ thông tin, viễn thông và ô tô & phụ tùng…
Theo Fiinpro, điểm sáng năm 2020 là khả năng chỉ số lợi nhuận trên vốn cổ phần (EPS) của các doanh nghiệp trong VN30 sẽ tăng trưởng 15,3%, cao hơn nhiều so với mức tăng thực tế 4,9% năm 2019.
Cũng dự báo về tương lai 2020, Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính lợi nhuận chung của khối doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 18% so với năm 2019.
Ông Ðào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Vietinbank (CTS) cho biết, CTS đưa ra dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm 2020 sẽ khoảng 15%.
Tuy nhiên, nếu loại trừ nhóm ngành ngân hàng thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 7% và nếu tiếp tục loại nhóm Vingroup ra khỏi rổ tính toán, con số tăng trưởng lợi nhuận có lẽ chỉ khoảng 3%.
Những dự báo trên chưa lượng hóa được đầy đủ ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid- 19. Dịch bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị và đang lan rộng ra nhiều quốc gia trên toàn cầu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia…
Nếu không sớm chấm dứt, dịch bệnh sẽ tác động khó lường đến tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu, trong đó nền kinh tế Việt Nam, các DN Việt Nam sẽ không thể là ngoại lệ.
Trong bức tranh phức tạp về tương lai 2020, một số doanh nghiệp đã công bố kế hoạch kinh doanh lùi lại so với dự kiến.
Tại CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau, kế hoạch năm 2020 được đặt ra với tổng doanh thu hợp nhất 7.956 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 57 tỷ đồng (giảm 83% ước năm 2019) và không chia cổ tức.
Tổng CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 1.289 tỉ đồng, giảm 41,4% so với thực hiện trong năm 2019…
Nếu kết quả kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp kém đúng như dự báo, đây sẽ là yếu tố góp phần gây áp lực lớn lên kết quả tăng trưởng chung của thị trường 2020.
Ở khía cạnh khác, môi trường kinh doanh càng thách thức càng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có lợi thế đặc thù, vững trong ngành nghề kinh doanh cốt lõi và tận dụng được cơ hội từ thời cuộc như dược phẩm, thương mại điện tử…
Theo đó, bức tranh tăng trưởng 2020 chắc chắn có nhiều nét mới khi sự phân hóa giữa các ngành, giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành ngày một rõ nét hơn.
VNDirect cho rằng, có bốn luận điểm đầu tư cho năm 2020. Thứ nhất, nhóm ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống (F&B) sẽ tiếp tục “tỏa sáng”.
Thứ hai, dưới sự hỗ trợ của chính sách, sự vươn lên của dòng vốn đầu tư tư nhân có thể giúp ngành sản xuất và công nghệ cất cánh trong năm 2020.
Thứ ba, nhóm khu công nghiệp vẫn tiếp tục hưởng lợi từ sự gia tăng của dòng vốn FDI và dịch chuyển thương mại.
Cuối cùng, chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt có thể sẽ đưa ngành ngân hàng vào tâm điểm đầu tư trong năm 2020.
Dù tiếp nhận nhiều loại dự báo, nhưng quyết định luôn thuộc về nhà đầu tư.
Huyền thoại Warrett Buffett từng khuyên rằng, đầu tư có thể là một việc đầy cảm xúc nhưng chẳng ích gì nếu dành cả ngày để kiểm tra giá cổ phiếu hay hành động theo các tin tức.
Giá cả và giá trị là hai thứ khác biệt. Khi có một "cơ hội đầu tư", thì đừng quên tính giá trị vào phép tính của bạn.