Tây Nguyên sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo

Tây Nguyên sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo

Sức hút mới của đại ngàn Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
Tây Nguyên đang trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành địa chỉ mới của nhà đầu tư, khi nhiều “sếu đầu đàn” rót hàng ngàn tỷ đồng vào đây.

Địa chỉ hút vốn đầu tư

Đầu năm 2021, Tập đoàn T&T đã đề xuất với tỉnh Đắk Lắk xây dựng 5 công trình với quy mô lớn tại TP. Buôn Ma Thuột, gồm: Khu đô thị thương mại dịch vụ Ea Tam (51,6 ha); Tổ hợp khách sạn 5 sao, khu thương mại và nhà ở thương mại (42 ha); Dự án Khu biệt thự Ea Kao (46,1 ha); Khu sân Golf hồ Ea Kao (76,7 ha) và Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk.

Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn T&T cho biết, dự kiến, vốn đầu tư cho 5 dự án này lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Không chỉ ở Đắk Lắk, “ông lớn” T&T cũng trình bày ý tưởng đầu tư quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch sinh thái hồ Đắk R’tíh tại tỉnh Đắk Nông với vốn đầu tư “siêu khủng”, khoảng 2 tỷ USD. Chưa kể, doanh nghiệp của “bầu Hiển” vừa chính thức khởi công xây dựng Dự án Trung tâm thương mại Đắk Mil, tổng vốn đầu tư gần 645 tỷ đồng.

Có diện tích tự nhiên hơn 54.000 km2, đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) sở hữu hàng loạt tiềm năng và lợi thế. Nếu như trước đây, “viên ngọc thô” Tây Nguyên chưa nhận được sự quan tâm xứng tầm, thì bây giờ, khu vực này đang nổi lên trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Không riêng Tập đoàn T&T, nhiều “sếu đầu đàn” khác như Vingroup, FLC, Him Lam, Tập đoàn Hùng Nhơn… cũng đổ bộ vào Tây Nguyên. Hàng chục ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án đô thị, năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao tại đây.

Tây Nguyên có tiềm năng lớn về nắng và gió. Với số giờ nắng từ 2.000 đến 2.600 giờ/năm, tốc độ gió cũng rất lớn, nên vài năm trở lại đây, vùng đất này xuất hiện nhiều Dự án điện mặt trời, điện gió. Vì vậy, các tỉnh Tây Nguyên đã đưa năng lượng tái tạo trở thành mũi nhọn đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế của mình.

Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã khởi công Dự án Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk, tổng vốn đầu tư 66 triệu USD (tương đương 1.500 tỷ đồng). Không những thế, tập đoàn này còn lên kế hoạch đầu tư xây dựng Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn Group chia sẻ: “Tây Nguyên có lợi thế rất lớn về nông nghiệp. Diện tích đồng cỏ rộng, rất phù hợp phát triển chăn nuôi quy mô lớn, vì vậy, Hùng Nhơn Group đã quyết định triển khai dự án đầu tư tại Đắk Lắk và Gia Lai. Đây là vùng đất lý tưởng để phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ và công nghệ cao”, ông Hùng chia sẻ.

Trong những năm gần đây, Tây Nguyên đón nhận một làn sóng đầu tư mới. Theo thống kê, tại Đắk Lắk, giai đoạn 2016 - 2020, địa phương này đã thu hút hơn 273 dự án đầu tư trong nước, với vốn đăng ký trên 28.710 tỷ đồng. Nhiều dự án đi vào hoạt động, đem lại hiệu quả, đóng góp khá lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hàng năm trên 8%. “Việc thu hút được nhiều dự án và vốn đầu tư đã tạo động lực tăng trưởng cho Đắk Lắk trong những năm qua”, ông Hà khẳng định.

Với Gia Lai, trong 5 năm qua, địa phương này có 515 dự án được đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 830.000 tỷ đồng. So với giai đoạn 2011 - 2015, số dự án được đầu tư vào Gia Lai tăng gấp 5 lần và số vốn đầu tư cũng tăng đến 36 lần. Trong 515 dự án được đầu tư vào Gia Lai, có 231 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 66.500 tỷ đồng; 108 dự án được các doanh nghiệp lập thủ tục đầu tư với số vốn khoảng 50.920 tỷ đồng; 176 dự án đã xin nghiên cứu và hoàn thiện các thủ tục điện mặt trời, điện gió, được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đăng ký trên 715.497 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại Kon Tum, 5 năm qua đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 184 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 20.610 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư lớn như Vingroup, TH... đã quan tâm triển khai dự án tại tỉnh này.

Các tỉnh Tây Nguyên đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, nguồn lực từ vốn đầu tư tư nhân đổ về đã tạo diện mạo mới cho vùng đất cao nguyên này.

Mũi nhọn năng lượng tái tạo

Phân tích cơ cấu vốn đầu tư vào Tây Nguyên, dễ dàng nhận thấy năng lượng tái tạo là lĩnh vực mà doanh nghiệp đầu tư vào nhiều nhất. Đây là điều dễ hiểu, khi Tây Nguyên có tiềm năng lớn về nắng và gió. Với số giờ nắng từ 2.000 đến 2.600 giờ/năm, tốc độ gió cũng rất lớn, nên vài năm trở lại đây, vùng đất này xuất hiện nhiều dự án điện mặt trời, điện gió. Vì vậy, các tỉnh Tây Nguyên đã đưa năng lượng tái tạo trở thành mũi nhọn đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế của mình.

Ông Đinh Xuân Hà đánh giá, với tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời, Đắk Lắk đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của vùng Tây Nguyên. Phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025, phát triển năng lượng tái tạo đạt công suất 2.000 - 3.000 MW; giai đoạn 2026 - 2030 là 3.000 - 4.000 MW…

“Năng lượng tái tạo có thể phát triển điện gió đạt công suất khoảng 10.000 MW, điện mặt trời đạt khoảng 16.000 MWp, điện sinh khối đạt khoảng 120 MW. Với tiềm năng lớn về điện mặt trời, điện gió, đang có một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Đắk Lắk”, ông Hà thông tin.

Hiện Đắk Lắk đã có 29 dự án đăng ký đầu tư vào điện mặt trời, với tổng công suất 11.500 MWp. Đến nay, 10 dự án đã được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 960 MWp. Trong đó, đã có 5 dự án phát điện thương mại với tổng công suất 190 MWp. Về điện gió, có 47 dự án đăng ký đầu tư tại Đắk Lắk, với tổng công suất khoảng 10.000 MW. Tổng vốn đăng ký đầu tư cho những dự án năng lượng tái tạo lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Không riêng Đắk Lắk, các địa phương Tây Nguyên khác cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tại Gia Lai, địa phương này đã cho phép các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 41 dự án điện mặt trời với tổng công suất 5.578 MWp, phê duyệt quy hoạch cho phép 89 dự án điện gió khảo sát, nghiên cứu đầu tư xây dựng với tổng công suất dự kiến khoảng 13.532 MW; 88 dự án đang xem xét với tổng công suất dự kiến lên tới 13.482 MW; 1 dự án đã được khởi công xây dựng là Trang trại phong điện HBRE Chư Prông, công suất 50 MW.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành, Gia Lai xác định tiềm năng lớn nhất là đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo. “Nhiều nhà đầu tư đang tìm hiểu, khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển điện mặt trời, điện gió với quy mô khá lớn. Tỉnh sẽ chủ động đề xuất Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam sớm triển khai các dự án liên quan lưới truyền tải điện để tăng khả năng giải phóng công suất cho các dự án năng lượng tái tạo. Việc thu hút vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế của Gia Lai”, ông Thành kỳ vọng.

Hai địa phương Đắk Nông và Kon Tum cũng không muốn chậm chân trong việc thu hút các nhà đầu tư về năng lượng tái tạo, nên liên tục đề xuất xem xét, thẩm định quy hoạch nhiều dự án điện mặt trời, điện gió. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã trình Bộ Công thương xem xét, thẩm định quy hoạch 11 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 1.744 MWp; nhà đầu tư cũng đề xuất thực hiện các dự án điện gió Nam Bình 1, Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3 (Đắk Song). Hiện Đắk Nông mới chỉ có 2 dự án điện mặt trời với tổng công suất 106,4 MWp được vận hành.

Tại Kon Tum, địa phương này chưa có dự án nhà máy điện gió nào được bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia. Do vậy, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung 9 dự án điện gió với tổng công suất 264,7MW vào Quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035. Về điện mặt trời, tỉnh Kon Tum đã chấp thuận chủ trương để các nhà đầu tư khảo sát, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực 32 dự án với tổng quy mô 6.782,637 MWp.

Có thể thấy, cùng với những lĩnh vực là thế mạnh của Tây Nguyên như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, thì năng lượng tái tạo đã gia tăng lực hấp dẫn mới cho núi rừng Tây Nguyên. Vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió này đang đứng trước vận hội lớn.

Tin bài liên quan