Các dự án điện đang dành được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư. (Ảnh minh họa. Trong ảnh là Nhà máy điện Phú Mỹ. Nguồn lilama.com.vn)

Các dự án điện đang dành được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư. (Ảnh minh họa. Trong ảnh là Nhà máy điện Phú Mỹ. Nguồn lilama.com.vn)

Sức hút lớn của các dự án điện

(ĐTCK-online) Chỉ 10 ngày sau khi Bộ Công nghiệp cho biết “Đề án Nhiệt điện Vân Phong sẽ được xem xét trong giai đoạn quy hoạch sau”, tức là sẽ xuất hiện sau năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hoà đã tiếp tục có văn bản đề nghị “được giữ nguyên ý kiến bổ sung đầu tư các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực này vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 (TSD6) nhằm đảm bảo nguồn điện cung cấp cho các dự án sẽ đi vào vận hành sau năm 2010”.

Theo giải thích của tỉnh Khánh Hoà thì Khu kinh tế vịnh Vân Phong đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, trong đó đáng chú ý là Dự án đầu tư nhà máy đóng tàu của Tập đoàn STX (Hàn Quốc) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương. Chỉ riêng nhu cầu điện của SXT sẽ là 70 MW vào năm 2009 và tăng lên 260 MW vào năm 2017. Đó là chưa kể, các dự án khác cũng cần tiêu thụ lượng điện lớn, như Xi măng Hòn Quy của Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Dự án mở rộng Nhà máy tàu biển Huyndai - Vinashin đang trong quá trình khởi động đầu tư.

Lẽ dĩ nhiên, trong vai trò “chủ nhà”, UBND tỉnh Khánh Hoà lo ngại về việc nhu cầu phụ tải sẽ tăng nhanh trong thời gian tới nếu không có sự chuẩn bị trước là hoàn toàn có lý khi muốn vượt lên “dẫn điểm” về thu hút đầu tư, đặc biệt khi có thêm nhà đầu tư lớn có tên tuổi như Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đưa ra kế hoạch phát triển Nhà máy điện có công suất 2.600 MW, với quy mô vốn lên tới 3,8 tỷ USD.

Lo ngại về phụ tải tăng nhanh của tỉnh Khánh Hoà trong con mắt các chuyên gia phát triển dự án điện cũng hoàn toàn chính đáng, bởi chỉ tính riêng nhu cầu điện của Nhà máy đóng tàu của Tập đoàn STX vào năm 2009 đã là 70 MW - tương đương với quy mô của Nhà máy Thủy điện Quảng Trị. Mà để Nhà máy Thủy điện Quảng Trị bắt đầu đi đưa vào vận hành trong mùa hè này, thì việc triển khai xây dựng đã phải thực hiện từ cách đây 3 năm, chưa kể thời gian nghiên cứu, tính toán thời điểm xây dựng trước đó. Như vậy, để nhà máy điện có thể vận hành vào năm 2012 (như nhà đầu tư dự kiến) hay thậm chí là sau năm 2015 (như những dự tính hiện nay) thì việc nhanh chóng có được quy hoạch cũng là điều bức thiết.

Người phát ngôn Bộ Công nghiệp, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho biết, Bộ Công nghiệp có nhận được tài liệu về Dự án của Tập đoàn Sumitomo, nhưng chỉ là tài liệu sơ bộ và rất vắn tắt, trong đó, chưa thấy nói đến giá điện là bao nhiêu. “Nếu Tập đoàn Sumitomo đề xuất mức giá điện là 4,488 UScents/kWh cho Dự án nhà máy điện ở Vân Phong thì sẽ là cao hơn so với các thỏa thuận mua bán điện (PPA) cỡ 4,2 UScents/kWh mà EVN đã ký với một vài dự án nhiệt điện than hiện nay”, ông Khu nói.

Dẫu vậy, bên cạnh lý do về giá điện, trên thực tế, Bộ Công nghiệp cũng chưa có trong tay bản quy hoạch địa điểm cụ thể cho các dự án nguồn điện ở khu vực này để “lỡ” nhà đầu tư nào quan tâm có thể giới thiệu được vị trí cụ thể.

Tại Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015, có xét tới năm 2025 (Tổng sơ đồ 6-TSĐ6) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã yêu cầu Bộ Công nghiệp phê duyệt địa điểm, quy hoạch chi tiết các trung tâm điện than, thuỷ điện để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước và giao EVN trách nhiệm tính toán quy hoạch địa điểm, quy hoạch chi tiết các trung tâm điện than để Bộ Công nghiệp xem xét, phê duyệt.

Như vậy, các nhà đầu tư quan tâm xây dựng nhà máy điện ở khu vực miền Trung sẽ còn phải đợi thêm một thời gian nữa mới có thể có được chỉ dẫn cụ thể hơn về các địa điểm được dự kiến xây dựng nhà máy điện từ các cơ quan hữu trách.

Vẫn theo Bộ Công nghiệp, hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào lĩnh vực điện, dù tỷ suất lợi nhuận của ngành điện chỉ là 3%. “Mặc dù tỷ suất lợi nhuận của ngành điện chỉ 3%, nhưng với các nhà đầu tư thì không như vậy. Phải có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều thì họ mới đầu tư thông qua đàm phán giá điện với EVN. Vì EVN là doanh nghiệp nhà nước, nên các rủi ro sẽ dồn hết vào nhà nước. Vậy nên, nhiều nhà đầu tư vẫn muốn đầu tư vào nguồn điện trong điều kiện hiện nay. Chính vì vậy, các dự án nguồn điện trong thời gian tới cần được đấu thầu, đặc biệt là các dự án theo hình thức BOT, BOO”, ông Khu nói.