Techcombank giữ vị trí quán quân về tỷ lệ CASA trong ngành ngân hàng

Techcombank giữ vị trí quán quân về tỷ lệ CASA trong ngành ngân hàng

Sức hút của CASA

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng đang nỗ lực gia tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong tổng vốn huy động, nhằm hạ chi phí vốn, cải thiện biên lãi ròng.

NIM nhiều nhà băng tăng

Quý đầu năm nay, hầu hết các nhà băng đều báo lãi tăng trưởng từ 10 - 20% so với cùng kỳ nhờ biên lãi ròng (NIM) tăng. Cụ thể, NIM của MB ghi nhận mức 5,52%, mức cao nhất kể từ năm 2018 đến nay. Chi phí vốn của MB đã giảm thêm 0,03% so với cuối năm trước về mức 2,46%/năm nhờ lợi thế tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng như gia tăng huy động vốn từ thị trường liên ngân hàng. Đây là mức chi phí vốn thấp thứ 3 trong nhóm ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Hiệu suất sinh lời của MB tăng 0,37% so với cuối năm 2021. Việc tiếp tục dịch chuyển cơ cấu tài sản sinh lời, dẫn tới hệ số tín dụng trên huy động (tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) tăng lên mức 101%, tăng 11% so với cuối năm 2021.

Tại ACB, đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng đạt mức 8% so với đầu năm, với động lực chính đến từ cho vay ngắn hạn đối với những phân khúc khách hàng chiến lược (cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Theo Tổng giám đốc Từ Tiến Phát, mảng bán lẻ hiện chiếm 94% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng, tỷ trọng cao trong ngành, nhờ đó, NIM quý I/2022 ở mức 3,9%, tăng 0,4% so với cuối năm 2021. Ngân hàng đã nỗ lực cải thiện tỷ lệ CASA, thu hút được nguồn vốn giá rẻ, giúp NIM cải thiện tốt.

Trong thời gian tới, NIM sẽ có sự phân hoá tương đối và lợi thế nghiêng về phía các ngân hàng lớn

Chuyên gia tài chính, Huỳnh Trung Minh

Hàng loạt ngân hàng khác cũng ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm, như SHB tăng 90%, Eximbank tăng 52%, VietBank tăng 53%, Saigonbank tăng 48%, MB tăng 41%, LienVietPostBank tăng 40%...

Số liệu thống kê từ 27 ngân hàng niêm yết/giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán cho thấy, thu nhập lãi thuần trong quý I/2022 đạt hơn 92.400 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 15 ngân hàng có thu nhập lãi thuần tăng trưởng trên 20%, 7 ngân hàng tăng trưởng dưới 10% và 5 ngân hàng sụt giảm.

Xét về quy mô thu nhập lãi thuần, BIDV là ngân hàng đứng vị trí số 1, với hơn 12.800 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được là nhờ thu nhập từ lãi tăng hơn 12%, gần gấp đôi mức tăng của chi phí trả lãi huy động 6,8%. Được biết, dư nợ cho vay của BIDV hết quý I đạt gần 1,418 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2021.

Cùng với BIDV, Vietcombank và VietinBank cũng sở hữu quy mô thu nhập lãi thuần trên 10.000 tỷ đồng trong quý I. Trong đó, thu nhập lãi thuần của Vietcombank tăng 19%, lên gần 11.976 tỷ đồng; VietinBank giảm 5%, xuống còn 10.146 tỷ đồng.

Ba ngân hàng thuộc nhóm có tỷ lệ sở hữu nhà nước chi phối này nằm trong Top 3 thu nhập lãi thuần lớn nhất hệ thống trong bối cảnh sở hữu danh mục cho vay và đầu tư giấy tờ có giá nhiều nhất.

Nhân tố chính giúp thu nhập lãi thuần hầu hết ngân hàng tăng mạnh trong quý đầu năm nay đến từ sự mở rộng nhanh chóng của dư nợ tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 25/4/2022 đạt 6,75% (so với cuối năm 2022), gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý I/2022, nhiều ngân hàng đã cho vay hết hạn mức tín dụng được cấp đầu năm. Cùng với sự mở rộng mạnh mẽ của quy mô tín dụng thì NIM của nhiều ngân hàng cao hơn cũng hỗ trợ đà tăng trưởng thu nhập lãi thuần.

Nhờ chi phí vốn thấp

Trước áp lực giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, việc gia tăng tiền gửi không kỳ hạn là một trong những mục tiêu quan trọng của các ngân hàng nhằm giảm chi phí huy động vốn, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiện có khoảng 10 ngân hàng có tỷ lệ CASA đạt trên 20%. Top 5 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất vào cuối tháng 3/2022 là Techcombank, MB, MSB, Vietcombank, ACB, không thay đổi so với cuối năm 2021.

Techcombank vẫn giữ vị trí quán quân về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn. Báo cáo tài chính quý I của Techcombank cho biết, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi ký quỹ tại thời điểm cuối tháng 3/2022 là 165.745 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ CASA đạt 50,4%. Động lực tăng trưởng CASA trong quý đầu năm của Techcombank đến từ khách hàng cá nhân, đóng góp 107.800 tỷ đồng, tăng 24,8%.

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, Ngân hàng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ CASA đạt mức 55%.

Tại MB, tuy có sự sụt giảm về tỷ lệ CASA nhưng vẫn giữ vững vị trí thứ 2. Cụ thể, tổng tiền gửi khách hàng tại MB cuối quý I/2022 là hơn 390.000 tỷ đồng, tăng 1,4% so với đầu năm nay và động lực chính là tiền gửi có kỳ hạn. Trong khi đó, tiền gửi không kỳ hạn giảm gần 13.000 tỷ đồng, xuống mức 174.591 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA theo đó giảm từ 48,7% xuống 44,7%

MSB tiếp tục gây ấn tượng khi có tỷ lệ CASA tăng mạnh từ mức 35,8% vào cuối năm 2021 lên 38,3% vào cuối quý I/2022. Số dư tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này cuối tháng 3/2022 là 36.878 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương mức tăng 8,7%.

Trước đó, MSB gây nhiều bất ngờ cho thị trường khi công bố lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng tới 33% trong năm 2021, đưa tỷ lệ CASA nhảy vọt từ 29,4% lên 35,8%. MSB đã vượt qua Vietcombank trong bảng xếp hạng tỷ lệ CASA và đứng thứ 3 trong hệ thống.

Còn tại Vietcombank, số tiền gửi không kỳ hạn cuối quý I/2022 đạt hơn 428.300 tỷ đồng, tăng hơn 23.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Tỷ lệ CASA của nhà băng này cũng cải thiện từ 35,7% hồi đầu năm lên 36,3% vào cuối tháng 3. Theo đó, Vietcombank đứng thứ 4 trong hệ thống về tỷ lệ CASA.

Tiền gửi không kỳ hạn của ACB đã tăng hơn 7.100 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm lên hơn 103.800 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA của Ngân hàng tăng từ 25,4% lên 26,9%, giúp ACB trở thành nhà băng đứng thứ 5 về tỷ lệ CASA trong toàn hệ thống. Ông Từ Tiến Phát cho biết, để tăng tỷ lệ CASA, ACB đã đẩy mạnh hệ thống ngân hàng số và nhà băng này dự kiến sẽ ra một hành trình trải nghiệm số khép kín mới cho khách hàng. ACB cũng tổ chức những roadshow, liên kết với nhiều tổ chức Fintech và “ban điều hành kỳ vọng CASA sẽ tăng cao hơn, lên mức 28-29% vào cuối năm 2022”.

Các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng, NIM tăng nhẹ trong quý I/2022 do các ngân hàng tiếp tục nâng tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) thuần lên 93% (so với mức 90% vào cuối năm 2021). Các ngân hàng quốc doanh còn được hưởng lợi từ sự gia tăng đáng kể của tiền gửi có kỳ hạn từ Kho bạc Nhà nước (tăng 66.000 tỷ đồng so với đầu năm) và CASA cải thiện (khoảng 0,6% so với quý trước tại BIDV và Vietcombank).

Trong khi đó, việc tăng CASA có thể là kết quả ban đầu của các chương trình miễn phí chuyển khoản bắt đầu từ năm 2022 tại các ngân hàng nhà nước sở hữu chi phối.

Dự báo được chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh đưa ra, trong thời gian tới, NIM sẽ có sự phân hoá tương đối và lợi thế nghiêng về phía các ngân hàng lớn do xu hướng tăng lãi suất huy động của nhà băng nhỏ. Lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng tư nhân đang tăng lên. Điều này được phản ánh qua việc lãi suất huy động bình quân trong quý I/2022 tăng từ 0,3 - 0,5%/năm so với đầu năm. Trong khi đó, các ngân hàng nhà nước sở hữu chi phối vẫn duy trì mức lãi suất tiết kiệm kể từ giữa năm 2021.

Tin bài liên quan