KBC đang sở hữu nhiều quỹ đất công nghiệp tại các khu vực trọng điểm

KBC đang sở hữu nhiều quỹ đất công nghiệp tại các khu vực trọng điểm

Sức hút cổ phiếu khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất động sản khu công nghiệp được nhận định là nhóm có triển vọng sáng trong dài hạn khi hội tụ nhiều yếu tố tích cực.

Lựa chọn tốt cho khẩu vị rủi ro thấp

Anh Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội), người “giắt lưng” kinh nghiệm đầu tư chứng khoán kha khá chia sẻ, trong danh mục đầu tư của anh có cổ phiếu SZC của Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức.

“Tôi thích cổ phiếu của những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt và tăng trưởng bền vững. Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tôi chọn vì có yếu tố đó”, anh Thắng lý giải.

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam nhận định, đa phần các cổ phiếu trong nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp có nhiều đặc điểm tích cực. Thứ nhất, sức khỏe tài chính tốt, với lượng tiền mặt lớn và nợ vay thấp, vì thế, nhiều cổ phiếu nhóm này trả cổ tức bằng tiền rất cao, tỷ suất cổ tức trên vốn đầu tư có thể gấp 1,5 - 2 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng. Thứ hai, trong xu hướng dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân vào Việt Nam liên tục lập đỉnh mới và nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục khiến cho nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp sẽ mạnh trong tương lai, khiến cho giá cho thuê tiếp tục tăng, tác động tích cực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp cho thuê khu công nghiệp.

“AzFin đánh giá các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp là lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro thấp và kỳ vọng dòng tiền cổ tức cao. Nhưng lưu ý nhà đầu tư cần tập trung vào các cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức đều đặn tối thiểu trên 6% so với giá thị trường và có quỹ đất chưa cho thuê lớn ở khu vực địa lý thuận lợi. Ngoài ra, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục làm nhiều cổ phiếu khác nhau ở các ngành nghề khác nhau để giảm thiểu rủi ro tập trung”, ông Phục khuyến nghị.

Triển vọng trong dài hạn

Nhà đầu tư cần tập trung vào các cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức đều đặn tối thiểu trên 6% so với giá thị trường và có quỹ đất chưa cho thuê lớn ở khu vực địa lý thuận lợi.

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2024, cả vốn FDI đăng ký và vốn thực hiện đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết ngày 20/7/2024, tổng vốn đầu tư nước đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ.

Nhận định được Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đưa ra, giá thuê đất và tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp tại Việt Nam đang tăng nhẹ. Tính đến quý II/2024, giá thuê đất khu vực phía Bắc đạt 134 USD/m2/kỳ hạn còn lại (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái), trong khi khu vực phía Nam đạt 173 USD/m2/kỳ hạn còn lại (tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái). Dự kiến giá thuê trong giai đoạn 2024 - 2025 tiếp tục tăng trưởng từ 3 - 7%/năm. Tỷ lệ lấp đầy khu vực phía Bắc đạt khoảng 83% (tăng 0,4% so với cùng kỳ), trong khi tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại phía Nam tăng lên 92% (tăng 6,5% so với cùng kỳ).

Giá thuê nhà kho và nhà xưởng tăng nhẹ, trong đó giá thuê nhà xưởng tăng 1,9% so với cùng kỳ ở miền Bắc và 1% so với cùng kỳ ở miền Nam, đạt gần 4,9 USD/m2/tháng trong quý II/2024. Giá thuê nhà kho giảm 1% so với cùng kỳ ở miền Bắc và tăng 2% so với cùng kỳ ở miền Nam, đạt khoảng 4,5 - 4,6 USD/m2/tháng. Dự kiến giá thuê sẽ tăng 3,5%/năm trong giai đoạn 2024 - 2026.

Nhu cầu thuê tăng cao cùng làn sóng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam trong bối cảnh quỹ đất công nghiệp thu hẹp dần là lợi thế cho những doanh nghiệp đang có sẵn quỹ đất lớn.

“Hiện tại, quỹ đất còn lại để cho thuê không còn nhiều, đặc biệt là khu vực phía Nam, do đó, các công ty đang tích cực tìm kiếm quỹ đất mới. Trong đó, lợi thế nghiêng về các công ty có đất cao su được phép chuyển đổi sang đất công nghiệp như Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), Cao su Phước Hòa (PHR) hoặc các doanh nghiệp đã thu hút các tập đoàn quốc tế lớn trong nhiều năm qua như Kinh Bắc (KBC), Viglacera (VGC) và IDICO (IDC)”, ACBS nhận định.

Đơn cử, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đang sở hữu nhiều quỹ đất công nghiệp, tập trung chính ở hai dự án là Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (quy mô 687 ha, hiện đã đền bù giải phóng mặt bằng 200 ha) và Khu đô thị Tràng Cát (hiện đang xin quy hoạch điều chỉnh 1/500 tăng diện tích lên 800 ha và tính tiền sử dụng đất trên 100 ha tăng thêm). Cả hai dự án này đều nằm tại Hải Phòng, khu vực công nghiệp sôi động bậc nhất tại miền Bắc. Nếu dự án Tràng Duệ 3 hoàn thiện về mặt pháp lý, KBC sẽ là một trong những doanh nghiệp niêm yết hiếm hoi sở hữu quỹ đất công nghiệp quy mô trên 600 ha tại các khu vực trọng điểm.

Hay Tổng công ty IDICO (mã IDC) hiện có 10 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích thương phẩm còn lại có thể cho thuê là 554 ha tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 2 mở rộng, Hựu Thạnh, QuếVõ 2 và Cầu Nghìn. Công ty có kế hoạch cho thuê 145 ha trong năm nay. IDC vừa được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Tân Phước 1 tại tỉnh Tiền Giang với quy mô 470 ha trong tháng 6/2024 và dự kiến có thể bắt đầu cho thuê từ cuối năm 2025.

Bên cạnh đó, SZC cũng được nhà đầu tư ưa thích nhờ sở hữu quỹ đất lớn, vị trí tốt và còn nhiều dư địa phát triển. SZC sở hữu Khu công nghiệp Châu Đức nằm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương có tiềm năng phát triển hạ tầng công nghiệp và logistics. Trong khi đó, các nhà sản xuất trong và ngoài nước có xu hướng mở rộng ra các thị trường cấp 2 như Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh, nơi quỹ đất công nghiệp còn tương đối dồi dào cùng với giá thuê cạnh tranh hơn so với các thị trường cấp 1.

Mới đây, Khu công nghiệp Châu Đức của SZC đã thu hút Công ty Electronic Tripod Vietnam vào thuê đất xây dựng nhà máy. Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam có tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, được xây dựng trên diện tích khoảng 18 ha. Đây cũng là dự án công nghệ cao có quy mô lớn nhất tại khu công nghiệp này tính đến thời điểm này.

Một số cổ phiếu nhóm bất động sản có thể chịu sự điều chỉnh trong ngắn hạn trong xu thế chung của thị trường chứng khoán trong nước, nhưng xét về dài hạn, theo giới chuyên gia, đây vẫn là nhóm có tiềm năng tăng trưởng tích cực.

Tin bài liên quan