Độ phủ bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam còn thấp

Độ phủ bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam còn thấp

Sức hút bảo hiểm nhân thọ Việt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến hiện tại, mới hơn 10% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ, quá thấp so với mức hơn 50% tại Singapore hay Mỹ, cho thấy dư địa khai thác còn rất lớn của thị trường này.

Đủ mặt anh tài

Hiện tại, ngoài Bảo Việt nhân thọ là doanh nghiệp trong nước, trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn có 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đến từ các thị trường phát triển như Anh, Ý, Mỹ, Pháp, Canada, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các tập đoàn bảo hiểm nhân thọ độc lập, có nguồn gốc châu Á… Tính đến thời điểm này, các tập đoàn tài chính đến từ châu Á đang là những nhà đầu tư có mặt nhiều nhất ở “sân chơi” này.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến hết năm 2022, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thọ ước đạt 694.083 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2021. Đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp khối này ước đạt 592.811 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm trước.

Một số thông tin từ thị trường cho thấy, số doanh nghiệp tham gia vào thị trường có thể tiếp tục tăng lên khi một tập đoàn tài chính bảo hiểm lớn của Hàn Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch tiến vào thị trường Việt Nam. Nếu kế hoạch này sớm trở thành hiện thực thì thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam là nơi hội tụ của nhiều hãng bảo hiểm nhân thọ Hàn Quốc nhất khi đang có sự hiện diện của Hanwha Life, Mirae Asset Prévoir - một công ty liên doanh (với 50% vốn góp) của Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset (Hàn Quốc) tại Việt Nam với Tập đoàn Prévoir (Pháp) và hãng bảo hiểm mới vào thị trường là Shinhan Life.

Trước đó, Samsung Life đã lập văn phòng đại diện nhiều năm tại Việt Nam và có những bước chuẩn bị chính thức tiến vào thị trường, nhưng do chiến lược thay đổi nên “mối lương duyên” với bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam chưa thành.

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, “tân binh” Shinhan Life Việt Nam đã có những ca bồi thường đầu tiên cho khách hàng tham gia bảo hiểm. Dù mới chính thức hoạt động được hơn một năm tại Việt Nam, Shinhan Life đã xây dựng được một danh mục sản phẩm bảo hiểm tương đối đa dạng, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm bảo vệ. Bước sang năm thứ 2, tân binh này đặt mục tiêu tham vọng trở thành doanh nghiệp đứng đầu về bảo hiểm bảo vệ vào năm 2030.

Với mục tiêu khai thác thị trường tiềm năng để tạo lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp đi trước, Shinhan Life Việt Nam cho biết đã và đang tập trung vào phát triển các sản phẩm bảo hiểm thuần bảo vệ các nhu cầu thực tế của khách hàng với mệnh giá hợp lý, dễ tiếp cận, đơn giản và bồi thường nhanh chóng.

Mở rộng hệ sinh thái

Giá trị đầu tư vào thị trường dịch vụ hậu cần, năng lượng tái tạo và trung tâm dữ liệu toàn cầu có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ USD, trong đó Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn. Chính vì thế, ngoài đầu tư vào bảo hiểm, các tập đoàn tài chính còn nhiều đích ngắm khác tại thị trường này.

Hơn 10% dân số tham gia bảo hiểm của Việt Nam tính đến hiện tại là con số quá thấp so với tỷ lệ hơn 50% người dân có bảo hiểm nhân thọ ở Singapore hay Mỹ… Chính vì thế, chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 3,3-3,5% GDP và có khoảng 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ…

Song song với mục tiêu “phủ sóng” bảo hiểm tới nhiều người dân hơn nữa, cơ quan chức năng còn đã đưa ra những giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tăng cường năng lực tài chính, quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, đa dạng hóa kênh phân phối, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo hiểm… Những yếu tố này được xem là tiền đề vững chắc cho các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài tiếp tục bỏ vốn đầu tư lâu dài vào Việt Nam.

Vừa qua, một số lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Generali, trong đó có ông Jaime Anchustegui - Tổng giám đốc Generali Quốc tế và ông Rob Leonardi - Tổng giám đốc Generali châu Á, đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Theo đó, tập đoàn bảo hiểm và quản lý tài sản số 1 của Ý này tiếp tục cam kết gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam, đồng thời các lãnh đạo Generali đều có đánh giá tích cực về thị trường bảo hiểm Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung.

“Việt Nam luôn là thị trường tăng trưởng chủ chốt của Tập đoàn Generali tại khu vực châu Á…”, ông Anchustegui nhấn mạnh.

Theo bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam, để khai thác tiềm năng to lớn của thị trường bảo hiểm Việt Nam, Generali sẽ tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm dịch vụ với quyền lợi vượt trội, mức phí cạnh tranh, tiếp tục đầu tư vào công nghệ và nâng cao trải nghiệm khách hàng về mọi mặt, đồng thời mở rộng và cải thiện chất lượng của tất cả các kênh phân phối.

“Chúng tôi cũng sẽ đặc biệt chú trọng vào việc tăng cường tính trung thực và minh bạch với khách hàng thông qua việc cải tiến các quy trình vận hành, kiểm soát, đào tạo đội ngũ cũng như truyền thông về sản phẩm, dịch vụ…”, bà Tina Nguyễn chia sẻ thêm.

Được biết, bên cạnh lĩnh vực nhân thọ, một số tập đoàn tài chính - bảo hiểm nước ngoài như Chubb, Cathay, Fubon…. còn đầu tư và thành lập cả công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Thực tế, với một thị trường bảo hiểm còn nhiều dư địa khai thác khi mới có hơn 10% dân số được bảo hiểm bảo vệ và thường xuyên nằm trong tốp các nước tăng trưởng GDP cao và ổn định trên thế giới, Việt Nam đã, đang và sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn tài chính - bảo hiểm quốc tế mở rộng hệ sinh thái của mình.

Chẳng hạn, để Shinhan Life Việt Nam sớm đi vào ổn định, việc hợp tác và tạo ra sức mạnh tổng hợp với các công ty trong cùng Tập đoàn đã có mặt tại Việt Nam là điều quan trọng hàng đầu. Tập đoàn Tài chính Shinhan hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam đang đóng vai trò nền tảng cho hoạt động kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn với mạng lưới các công ty thành viên là Shinhan Bank và Shinhan Finance. Vì thế, Shinhan Life là mảnh ghép không thể thiếu trong hệ sinh thái này để mang đến giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng Việt Nam.

Với Tập đoàn Hanwha, trong những năm qua, tập đoàn này phát triển mạnh ra thị trường thế giới, trong đó chú trọng tới thị trường châu Á, bao gồm cả Việt Nam. Tại đây, Hanwha đã đầu tư gần 2 tỷ USD vào các dự án quan trọng như nhà máy năng lượng điện mặt trời tại tỉnh Long An; nhà máy sản xuất các thiết bị an ninh tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh; nhà máy sản xuất linh kiện động cơ máy bay đầu tiên và duy nhất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội; đầu tư vào Tập đoàn Vingroup thông qua việc mua 84 triệu cổ phiếu của tập đoàn này; mua lại Công ty Chứng khoán HFT (Hà Nội), hiện đổi tên thành Công ty Chứng khoán Pinetree…

Tại hội thảo về đầu tư sản của một tập đoàn tài chính - bảo hiểm có nguồn gốc từ châu Á mới đây, các diễn giả nhìn nhận, sau dịch, không chỉ xu hướng đầu tư bất động sản trở nên rõ nét hơn, mà các lĩnh vực kho bãi, nhà xưởng hậu cần trong chuỗi cung ứng logistics cũng rất hấp dẫn.

Theo các diễn giả, giá trị đầu tư vào thị trường dịch vụ hậu cần, năng lượng tái tạo và trung tâm dữ liệu toàn cầu có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư tài chính nhờ nền kinh tế - chính trị - xã hội ổn định. Chính vì thế, ngoài đầu tư vào bảo hiểm, các tập đoàn tài chính còn nhiều đích ngắm khác tại thị trường này.

Tin bài liên quan