Tăng trưởng lợi nhuận 2019
Những năm trước đây, tăng trưởng tín dụng cao giúp ngân hàng dễ tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, năm 2019, Chính phủ kiên định thực thi chính sách ổn định tiền tệ, trong đó mục tiêu lớn nhất là ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá, nên đà tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ không cao như các năm trước.
Công ty Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam (VISE) nhận định, với việc giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng quanh mức 14% giai đoạn 2018 - 2019, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải tập trung cơ cấu hoạt động cung cấp vốn ngắn hạn và cho vay vốn lưu động, trong khi dòng vốn dài hạn định hướng tìm trên TTCK. Vì lý do này, lợi nhuận các nhà băng năm nay nhiều khả năng khó có sự bứt phá như các năm trước.
Trong năm vừa qua, các nhà băng VCB, MBB, ACB, VIB, TPB, HDB, TCB và OCB có mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình gần gấp đôi so với năm trước đó. Vị trí quán quân năm 2018 thuộc về Vietcombank - VCB với lợi nhuận 14,6 nghìn tỷ đồng, ghi nhận tăng trưởng 61,1%. Trong năm ngoái, VCB đã tập trung phát triển mạnh tín dụng ở các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, thương mại và tăng cường huy động vốn giá rẻ giúp Ngân hàng giảm chi phí hoạt động.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng cuối năm 2018 của VCB ở mức hơn 632 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2017. Tốc độ tăng trưởng tín dụng này là khá thấp so với các năm trước (trung bình 18,6%). Tỷ trọng tín dụng bán lẻ tăng mạnh từ 39,6% lên 46,2%. Việc cơ cấu cho vay của VCB đẩy mạnh vào phân khúc cá nhân (tăng 33%) và công ty cổ phần, trong khi giảm mạnh cho vay doanh nghiệp nhà nước cho thấy, Ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động bán lẻ.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương - Techcombank (TCB) vượt lên vị trí thứ hai về tăng trưởng lợi nhuận, với lợi nhuận đạt 8.463 tỷ đồng, tăng hơn 31%. TCB cũng vượt qua BID, CTG, VPB - những ngân hàng đứng trong Top 3 năm trước về tăng trưởng lợi nhuận.
Về vốn chủ sở hữu, từ một ngân hàng chỉ đứng ở Top 6, ngang bằng với nhóm ngân hàng thương mại như ACB, STB thì năm 2018, TCB đã tăng vốn chủ sở hữu gần gấp đôi và tiến sát nhóm ngân hàng có vốn cổ phần nhà nước là VCB, BID, CTG.
Với thế mạnh có những khách hàng doanh nghiệp lớn như Massan, Vingroup, Viet Nam Airlines…, TCB có nguồn thu lớn thông qua việc bán chéo các sản phẩm, đồng thời có lợi thế trong thị trường phân phối sản phẩm bảo hiểm và trái phiếu doanh nghiệp. Hoạt động này đảm bảo nguồn thu nhập ổn định hàng năm cho Ngân hàng và hiện đang tiếp tục mở rộng. Bên cạnh đó, đột phá lợi nhuận chính trong năm 2018 đến từ thu lãi từ cho vay khách hàng tăng hơn 16%, đóng góp lớn vào lợi nhuận trong năm.
ACB cũng là ngân hàng ghi nhận sự hồi phục thần tốc khi đạt lợi nhuận hơn 5.100 tỷ đồng năm 2018, tăng gần 2,5 lần so với 2017. Tại báo cáo lợi nhuận cuối năm, hai khoản đáng chú ý là lãi từ hoạt động khác hơn 1.800 tỷ đồng (tăng gấp hơn hai lần năm trước đó), trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh từ 2.565 tỷ đồng năm 2017 còn 932 tỷ đồng năm 2018.
Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trung bình của 18 ngân hàng niêm yết năm 2018 đạt hơn 2.300 đồng, trong đó VCB, ACB là hai ngân hàng có EPS gần 4.000 đồng. Nhóm ngân hàng đạt EPS quanh 3.000 đồng có MBB, VPB, HDB, OCB, VIB.
Trong khi đó, các ngân hàng giữ EPS ở mức cao và tăng dần hàng năm có thể kể đến VCB, ACB, HDB, MBB, TCB và OCB. Đây là những ngân hàng có thế mạnh ở một số lĩnh vực riêng và tất cả đã tất toán xong nợ xấu với VAMC.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán VISE cho rằng, 2018 là năm thứ 3 liên tiếp lợi nhuận chung của ngành ngân hàng ghi nhận tăng trưởng trên 30%.
Ngoài nguồn thu chính từ tín dụng, lợi nhuận nhiều ngân hàng đến từ hoàn nhập dự phòng hay các nguồn thu từ hoạt động đầu tư, dịch vụ ngoài lãi như trái phiếu doanh nghiệp, bancassurance, tài chính tiêu dùng... Cách thức kiếm lợi nhuận của các ngân hàng trở nên đa dạng hơn, giảm bớt sự phụ thuộc tuyệt đối vào hoạt động thu lãi từ cho vay.
Tuy nhiên, trong năm 2019, hoạt động tăng vốn sẽ tiếp tục diễn ra ở các ngân hàng, trong khi chi phí nhìn chung sẽ tăng lên do lãi suất huy động vốn tăng, cùng hàng loạt chi phí nâng cấp, trang bị hệ thống công nghệ mới, nên tăng trưởng lợi nhuận chung của ngành ngân hàng được dự báo sẽ chậm lại so với năm 2018.
Sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng
Ở thời điểm hiện tại, theo Công ty Chứng khoán Vietinbank, khả năng duy trì đà tăng điểm của chỉ số VN-Index là khá tốt, trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang nhận được nhiều thông tin hỗ trợ tích cực từ vĩ mô cho tới vi mô và việc khối ngoại liên tiếp mua ròng khá mạnh trong nhiều phiên giao dịch gần đây.
Nhìn nhận về nhóm cổ phiếu ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Việt, phụ trách phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán Vietinbank cho rằng, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều đã được chiết khấu về một mặt bằng giá mới rẻ hơn nhiều so với đầu năm 2018.
Tuy nhiên, việc nhiều ngân hàng lớn báo lãi con số kỷ lục năm 2018, nhưng ở thời điểm hiện tại cũng như tương lai năm 2019, nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa hấp dẫn do các ngân hàng khó duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, thậm chí có khả năng sẽ bị chậm lại hoặc giảm do Ngân hàng Nhà nước không tiếp tục chủ trương duy trì mặt bằng tăng trưởng tín dụng cao như giai đoạn 2014 - 2018.
Hơn nữa, khi Basel II chính thức áp dụng, các ngân hàng sẽ phải chuyển dịch mảng hoạt động kinh doanh từ cho vay tín dụng sang cung cấp các dịch vụ ngân hàng, việc này có thể sẽ làm suy giảm lợi nhuận trong ngắn hạn.
Một điểm đáng lưu ý là bức tranh nợ xấu ngành ngân hàng vẫn là một ẩn số trong năm 2019, trong bối cảnh giới đầu tư toàn cầu đang tỏ ra rất thận trọng về nguy cơ khủng hoảng toàn cầu có thể nhen nhóm.
Ông Anirban Lahiri, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết: “Tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức trung bình trong năm 2019, nhưng vẫn có dư địa cho tín dụng bán lẻ. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng tín dụng 14% - 15% trong giai đoạn 2019 - 2020”.
Tuy nhiên, nguồn cung tín dụng năm 2019 sẽ hạn chế hơn do các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước về việc tăng hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ mức 200% hiện nay lên 250% trong đầu năm 2019. Bên cạnh đó, quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40%, có hiệu lực từ đầu năm 2019 cũng sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống.
Chính vì vậy, ông Anirban Lahiri có góc nhìn khá “trung tính” đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh thắt chặt chính sách tín dụng, lãi suất tăng và rủi ro gia tăng từ kinh tế toàn cầu. Thực tế, mỗi ngân hàng đều có những thách thức và cơ hội riêng.
“Chúng tôi lựa chọn các ngân hàng có đặc điểm như khả năng tiếp cận và nắm bắt tốt các cơ hội từ mảng ngân hàng bán lẻ và các hoạt động kinh doanh ngoài tín dụng khác; ở vị thế giúp hạn chế những khó khăn từ chi phí huy động tăng và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giảm xuống; chất lượng tài sản tốt để bù đắp rủi ro từ việc nợ xấu gia tăng”, ông Anirban Lahiri chia sẻ thêm và cho biết, nếu để chọn đầu tư vào nhóm ngành ngân hàng thì VCB và MBB là ưu tiên khi xét trên tiêu chí bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và đầu tư.
Trong khi đó, nhìn lại hai chỉ số tài chính PE và P/Bv thời điểm hiện tại và năm ngoái có sự chênh lệch nhau khá lớn. PE trung bình của ngành ngân hàng hiện tại khoảng 12,3 lần, so với năm ngoái là 17,9 lần. Chỉ số P/Bv đang ở mức hấp dẫn hơn nhiều là 1,51 lần, so với mức 2 lần năm 2018.
Trong đó, một số cổ phiếu hiện đang có P/Bv từ dưới 1 đến 1,5 như STB, ACB, VPB... Những ngân hàng như VCB, ACB và TCB có hiệu quả hoạt động tốt và lành mạnh có chỉ số cao hơn so với phần còn lại.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, với kỳ vọng kinh tế trong nước tiếp tục duy trì sự ổn định trong năm nay, ít nhất trong 12 - 18 tháng tới, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn được đánh giá tích cực. Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự kỳ vọng của nhà đầu tư chính là lợi nhuận năm 2019 có thể không đột phá như hai năm vừa qua. Cùng với đó, câu chuyện “nới room” và tăng vốn điều lệ cũng sẽ là chủ đề lớn cần được theo dõi khi dự báo thị giá cổ phiếu ngân hàng.
“Tuy nhiên, với mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có sức hấp dẫn lớn và là một trong những tâm điểm đầu tư năm nay. Chúng tôi đánh giá cao nhất các cổ phiếu VCB, ACB, MBB, TCB, bên cạnh sự quan tâm theo dõi về giá để chờ cơ hội đầu tư đối với nhóm STB, CTG, HDB”, ông Khanh cho biết.