Sau thời gian khá dài phát hành thí điểm trái phiếu chính quyền địa phương xanh, triển vọng có thêm sản phẩm mới trên chợ chứng khoán xanh năm nay như thế nào?
Giai đoạn trước năm 2019, chúng ta đã phát hành thí điểm thành công trái phiếu xanh chính quyền địa phương, qua đó giúp cung cấp vốn cho các dự án xanh bảo vệ môi trường tại TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến nay, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án thí điểm phát hành trái phiếu chính phủ xanh, hy vọng đợt phát hành đầu tiên sẽ thực hiện trong năm 2020.
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Việt Nam đã có khung pháp lý chung đối với trái phiếu xanh. Cụ thể, Nghị định 163/2018/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp đã công nhận trái phiếu xanh.
Ngoài ra, đối với thị trường cổ phiếu niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã thí điểm thành công Chỉ số Phát triển bền vững phiên bản 1.0 (chỉ số VNSI) đánh giá theo các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị theo các tiêu chuẩn: Bộ tiêu chuẩn GRI Standards, bộ nguyên tắc quản trị công ty của OECD, quy định hiện hành về công bố thông tin và quản trị công ty.
Chỉ số hướng tới việc cung cấp thông tin hỗ trợ cho xây dựng chính sách, ra quyết định đầu tư, cải tiến hoạt động của các đối tượng khác nhau trên thị trường.
Dựa vào chỉ số này, nhà đầu tư có thể cân nhắc rủi ro của các khoản đầu tư, cũng như điều tiết dòng vốn xanh trên thị trường.
Qua 3 năm vận hành, rổ chỉ số VNSI đang được các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài chú ý nhiều hơn, bởi họ thường đánh giá sự tăng trưởng và biến động của các chỉ số trong trung và dài hạn.
Tổng giá trị vốn hóa VNSI tính đến hết quý III/2019 đạt khoảng 44 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam và tương đương 18,48% GDP.
Độ ổn định của các thành phần trong VNSI cao hơn, giá trị giao dịch trung bình của các cổ phiếu trong bộ chỉ số này cao hơn khoảng 4,4 lần so với các cổ phiếu khác.
Việc nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt, tránh rủi ro từ biến động bất thường của thị trường.
Các mã cổ phiếu trong rổ VNSI có sức hấp dẫn cao với các quỹ đầu tư nước ngoài tuân theo nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm trên các khía cạnh quản trị hiện đại, đi đầu ứng dụng công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn về quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Thời gian tới, với sự tham gia của các doanh nghiệp trong rổ chỉ số VNSI, cơ hội tiếp cận dòng vốn xanh, bền vững từ các quỹ đầu tư và định chế tài chính quốc tế được kỳ vọng sẽ gia tăng, góp phần vào tăng trưởng bền vững cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Ông đánh giá như thế nào về sức hấp dẫn của chứng khoán với nhà đầu tư ngoại?
Ông Vũ Chí Dũng.
Phát triển các sản phẩm chứng khoán, trái phiếu xanh sẽ giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư có định hướng và mục tiêu đầu tư bền vững.
Hiện có rất nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các tổ chức tài chính lớn đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư vào các trái phiếu xanh và các chỉ số phát triển bền vững.
Khi đầu tư, họ sẽ huy động thêm các nhà đầu tư khác (chưa quen thuộc với thị trường Việt Nam) cùng tham gia giao dịch.
Qua tiếp xúc với các nhà đầu tư bền vững, các quỹ thiện nguyện vì môi trường, những đối tượng quan tâm tới trái phiếu xanh, những tổ chức mà tôn chỉ và mục tiêu của họ chính là đầu tư cho phát triển bền vững, tôi nhận thấy, họ bày tỏ quan tâm thực sự tới trái phiếu xanh.
Họ mong muốn đầu tư vào Việt Nam và vào các sản phẩm tài chính xanh.
Có phải do chợ chứng khoán xanh chậm phát triển, khiến Việt Nam kém lợi thế cạnh tranh so với các thị trường khu vực trong thu hút dòng vốn ngoại, cũng như chưa đóng góp nhiều vào nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán?
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nâng cao tính minh bạch, cải thiện chất lượng công bố thông tin…, trong đó các thông tin về môi trường, xã hội và quản trị của các thành viên thị trường đóng vai trò tương đối quan trọng.
Trong những năm qua, UBCK và hai sở giao dịch chứng khoán đã có nhiều nỗ lực nâng cao năng lực công bố thông tin cho các doanh nghiệp niêm yết. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết và các tổ chức phát hành trái phiếu.
Theo xếp hạng về bền vững của 69 quốc gia của RobecoSAM - công ty tư vấn chuyên về đầu tư bền vững, Việt Nam nằm trong 10 nước có chỉ số môi trường - xã hội - quản trị (ESG) thấp nhất.
Mục đích của chỉ số này là so sánh các quốc gia trên cơ sở các chỉ số ESG phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư.
RobecoSAM sử dụng bộ chỉ số bao gồm 17 chỉ số về môi trường (17%), xã hội (25%) và quản trị công ty (60%). Các quốc gia được xếp điểm số từ 1 đến 10, với 10 là xếp hạng cao nhất, điểm của Việt Nam là 4.
Hiện nay, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế bắt đầu đưa các yếu tố về ESG vào trong tiêu chí đánh giá.
Chẳng hạn, các rủi ro ESG vừa được Moody’s đưa vào khung đánh giá xếp hạng tín nhiệm về lãnh thổ toàn cầu trong năm 2019.
Việc cải thiện ESG tại doanh nghiệp cũng như chất lượng công bố thông tin liên quan, nhất là bằng tiếng Anh, chắc chắn sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút được các nhà đầu tư chất lượng hơn.
Để không bị lạc lõng giữa chợ chứng khoán xanh toàn cầu ngày càng nhộn nhịp kẻ bán, người mua, UBCK đang có bước chuyển động chính sách, cũng như triển khai các giải pháp nào để tiếp sức cho chứng khoán xanh sôi động?
Đại sứ Việt Nam tại Vương Quốc Anh Trần Ngọc An (thứ hai từ trái sang) cùng lãnh đạo ngành tài chính, chứng khoán Việt Nam làm việc với Sở GDCK Luân Đôn tháng 7/2019, nhằm học hỏi kinh nghiệm và thúc đẩy việc hợp tác phát triển thị trường.
Tại Quyết định số 2183/2015/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, việc xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính để phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, thiết lập khung tài chính xanh cho các hoạt động trên thị trường vốn, huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua xây dựng sản phẩm của thị trường vốn xanh, xây dựng các bộ chỉ số xanh để theo dõi, đánh giá và giao dịch trên thị trường vốn, ban hành quy chế hoặc hướng dẫn về quản trị rủi ro môi trường, xã hội cho các tổ chức thị trường, cho các thành viên thị trường là các định chế tài chính và các doanh nghiệp niêm yết.
UBCK đang thực hiện kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn tiếp theo (2019 - 2020), tập trung vào các hoạt động về xây dựng khung chính sách, phát triển sản phẩm xanh và xây dựng chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ của cơ quan quản lý và thành viên thị trường.
Một số giải pháp chính liên quan đang được thúc đẩy như nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp có chỉ số VNSI cao; nghiên cứu và đề xuất những ưu đãi tài chính và phi tài chính cho các tổ chức phát hành trái phiếu xanh nhằm thúc đẩy phong trào phát hành, đầu tư trái phiếu xanh;
Phát triển hệ thống giám sát phát hành trái phiếu xanh, bao gồm những tiêu chí như mục đích sử dụng, chọn lựa dự án giải ngân, tác động, kết quả. Việc đáp ứng những tiêu chí xanh này sẽ góp phần hoàn thành các chỉ tiêu mà Chính phủ đã cam kết trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, hỗ trợ và đào tạo các công ty niêm yết và công ty đại chúng về công bố các thông tin liên quan đến phát triển bền vững nhằm đánh giá hiệu quả và chất lượng hoạt động phát triển bền vững.
Xây dựng năng lực cho các thành viên thị trường, trong đó quan trọng là các doanh nghiệp tư vấn trong nước có thể cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập đối với các dự án xanh sử dụng nguồn thu từ trái phiếu xanh.
Một số giải pháp lớn hơn cần có sự phối hợp với các cơ quan, ban, ngành khác.
Trong đó, một trong những ưu tiên hàng đầu là xây dựng hệ thống tiêu chí chuẩn quốc gia về dự án hay phương án sản xuất - kinh doanh xanh.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các tiêu chí môi trường về dự án xanh, Ngân hàng Nhà nước có danh mục dự án tín dụng xanh…
Nếu có một bộ tiêu chí thống nhất về các dự án xanh, về biến đổi khí hậu, sẽ giúp các thành viên thị trường, kể cả các tổ chức tài chính và ngân hàng thương mại, có cùng một tiếng nói chung đối với lĩnh vực này.
Ngoài ra, để phát triển TTCK xanh, có rất nhiều kinh nghiệm chính sách của các nước trong khu vực mà Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi.
Chẳng hạn, ở Indonesia, Cơ quan Giám sát tài chính (OJK) đã ban hành các yêu cầu về trái phiếu xanh năm 2017, phù hợp với Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) và của ASEAN.
Ngay sau khi ban hành chính sách này, Chính phủ Indonesia đã phát hành thí điểm trái phiếu xanh chính phủ (Green Sukuk) với trị giá 1,25 tỷ USD ra thị trường quốc tế và tạo đà cho một loạt trái phiếu xanh của doanh nghiệp được phát hành trong năm 2018 và 2019.
OJK đang xây dựng hướng dẫn chi tiết tiêu chí xác định dự án xanh, dự án bền vững và các quy chế đánh giá độc lập của bên thứ ba để có thể mở rộng quy mô thị trường trái phiếu xanh doanh nghiệp.
Malaysia, Singapore và Hồng Kông cũng đều ban hành chính sách ưu đãi đối với trái phiếu xanh.
Trong khi Malaysia trợ cấp phí đánh giá độc lập cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh, thì Singapore và Hồng Kông có quỹ trợ cấp phí đánh giá độc lập. Chính phủ Trung Quốc trợ cấp lên đến 40% lãi suất của trái phiếu xanh.
Chúng ta cũng có thể tham khảo kinh nghiệm từ sàn giao dịch xanh của thị trường chứng khoán
Luxembourg, chỉ dành riêng cho các sản phẩm xanh và bền vững, nhằm thu hút các nhà đầu tư có định hướng và mục tiêu đầu tư bền vững.
UBCK là thành viên tích cực của nhóm xây dựng và triển khai nguyên tắc trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững ASEAN. Ngoài xây dựng các tiêu chí cho các sản phẩm này, các thành viên trong ASEAN tìm kiếm các nguồn đầu tư vào thị trường khu vực. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước tham gia vào những tiêu chí và sáng kiến này và được hưởng lợi từ những khoản đầu tư bên ngoài ASEAN và trong ASEAN vào trái phiếu xanh.