Tín dụng bằng ngoại tệ vẫn tăng do lãi suất cho vay VND và USD chênh lệch khá lớn

Tín dụng bằng ngoại tệ vẫn tăng do lãi suất cho vay VND và USD chênh lệch khá lớn

Sức ép tỷ giá sẽ không lớn

Theo dự báo mới đây của Ngân hàng HSBC, tỷ giá hối đoái có thể lên tới 21.500VND/USD vào cuối năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sức ép tỷ giá VND/USD sẽ không lớn.

 

Cách đây không lâu, HSBC cũng từng đưa ra dự báo, tỷ giá hối đoái có thể lên 21.800 VND/USD vào cuối năm nay, cao hơn mức dự báo gần đây. Còn vào đầu tháng 6 vừa qua, 2 ngân hàng nước ngoài là ANZ và Standard Chartered đều đưa ra dự báo, tỷ giá sẽ ổn định ở mức 20.600 VND/USD đến hết năm 2011.

 

Trong ngày 17/8, tỷ giá hối đoái được niêm yết chính thức tại các ngân hàng thương mại là 20.774 – 20.824 VND/USD (Vietcombank) và 20.760 – 20.824 VND/USD (Eximbank), tăng nhẹ so với đầu tuần. Trên thị trường tự do, tỷ giá giao dịch cao hơn mức trên, còn tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết vẫn giữ ở mức 20.618 VND/USD.

 

Vậy liệu dự báo về tỷ giá VND/USD cuối năm nay của HSBC có cơ sở thực tế?

 

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM nhận xét, thông qua tỷ giá liên ngân hàng và lạm phát cũng phần nào có thể dự đoán được tỷ giá hối đoái. “Nếu lạm phát năm 2011 dao động ở mức 17 - 18% đồng Việt Nam cần suy yếu thêm khoảng 15% trong năm 2011. Đây cũng chính là cơ sở mà các ngân hàng đưa ra dự báo tỷ giá hối đoái sẽ lên tới 21.500 VND/USD vào cuối năm và duy trì đến quý II/2012”, vị tổng giám đốc này nói.

 

Theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị – Kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, để giữ tỷ giá không biến động mạnh, trước mắt cần giải quyết vấn đề vàng, vì nếu để thị trường vàng tiếp tục sốt nóng thì tỷ giá sẽ bị tác động tiêu cực.

 

Hơn nữa, nhiều chuyên gia cảnh báo, các doanh nghiệp cần thận trọng, không được chủ quan với áp lực tỷ giá hối đoái trong những tháng cuối năm, nhất là khi tăng trưởng dư nợ tín dụng ngoại tệ (chủ yếu ngắn hạn) đang ở mức cao và thường có nhiều hợp đồng tín dụng USD đáo hạn vào cuối năm.

 

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, sở dĩ tín dụng bằng ngoại tệ vẫn tăng là do lãi suất VND và USD hiện có sự chênh lệch khá lớn, khiến doanh nghiệp vẫn muốn chọn vay ngoại tệ. “Song, tín dụng ngoại tệ tăng như hiện nay cũng không phải là điều quá lo ngại”, ông Phước nhận định.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, NHNN cần có sự điều hành tỷ giá linh hoạt, không để các doanh nghiệp quá kỳ vọng vào sự ổn định của thị trường ngoại tệ. Từ đó, đổ xô vay vốn bằng USD, tránh vay tiền đồng, nhưng lại tạo áp lực không nhỏ lên tỷ giá khi các hợp đồng tín dụng ngoại tệ đến hạn.

 

Vì thế, việc doanh nghiệp có chọn vay ngoại tệ hay không trong thời gian tới phụ thuộc vào chính sách điều hành về tỷ giá.

 

Nhưng suy cho cùng, vấn đề về lãi suất có xuất phát điểm quan trọng từ lạm phát. Trước đây, việc điều hành tỷ giá thường cứng nhắc, nhưng hiện NHNN đã có sự linh hoạt hơn rất nhiều thông qua tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Do vậy, ông Phước cho rằng, chính sách cung tiền của NHNN cho thị trường là một yếu tố quan trọng quyết định vấn đề lãi suất thị trường và tạo ra tỷ giá cân bằng. Đồng thời, đó cũng là nhân tố quyết định tỷ giá của thị trường.

 

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình dự báo, hiệu ứng mùa vụ từ nhu cầu ngoại tệ vào cuối năm phục vụ hoạt động thanh toán của doanh nghiệp sẽ không quá căng thẳng. Theo đánh giá của NHNN, năm nay thặng dư cán cân thanh toán tổng thể sẽ ở mức 2,5-3 tỷ USD. Dù nhập siêu ở mức cao, nhưng các luồng vốn khác như ODA, kiều hối vẫn được duy trì ở mức khá. Dự trữ ngoại hối đã tăng lên đáng kể. NHNN hoàn toàn có khả năng can thiệp vào thị trường khi cần thiết, đồng thời vẫn đang tiếp tục triển khai chính sách tiền tệ chặt chẽ theo hướng ưu tiên cho ổn định tỷ giá.