Gánh nặng vẫn bủa vây
219.000 tỷ đồng là số lượng trái phiếu mà doanh nghiệp bất động sản mua lại trong năm 2022. Trong khi đó, con số xét theo lũy kế 10 tháng đầu năm nay là 153.800 tỷ đồng. Dẫu vậy, tổng giá trị đáo hạn trái phiếu của nhóm doanh nghiệp địa ốc trong 2 tháng cuối năm 2023 vẫn ở mức cao, lên tới 15.600 tỷ đồng.
“Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang bủa vây các doanh nghiệp bất động sản. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp địa ốc phát hành mới và được mua lại vẫn còn rất thấp so với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn”, các chuyên gia của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh số lượng các doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu đang tăng lên theo từng ngày.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) , tính đến ngày 3/10/2023, có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư nợ là khoảng 176.100 tỷ đồng. Trong đó, đa phần trong số trên đều là những công ty địa ốc.
Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi mới đây, phía Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 sẽ là 329.500 tỷ đồng. Đây là con số cao nhất trong 3 năm gần đây.
Cụ thể hơn, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý II/2024. Vào giai đoạn cao điểm, đơn vị này ước tính sẽ có gần 114.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý IV/2024.
Mặt khác, một nguồn tài chính quen thuộc của các doanh nghiệp là tín dụng ngân hàng cũng đang gặp khó. Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes, cho biết hiện các chủ đầu tư vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp. Ngoài ra, việc hạn chế room tín dụng khiến các ngân hàng lựa chọn khách hàng rất kỹ khi cho vay.
So sánh giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong giai đoạn 2022 - 2032. Ảnh: VARS |
Chấp nhận bán tài sản để trả nợ
Trước áp lực đáo hạn trái phiếu, phía VARS cho biết lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp hiện tại là cơ cấu lại dòng tiền và cải thiện khả năng trả nợ, đàm phán kéo dài thời gian. Những con số “biết nói” đang cho thấy đây là quyết sách chung của nhiều đơn vị.
Theo HNX, kể từ tháng 4/2023, hoạt động đàm phán gia hạn diễn ra tích cực với kết quả khá thành công. Tính đến ngày 3/10, hơn 50 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với tổng giá trị hơn 95.200 tỷ đồng. Chủ yếu thời gian đáo hạn điều chỉnh thêm hai năm, đẩy lùi áp lực trả nợ sang giai đoạn 2025 - 2026.
Doanh nghiệp phải nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ và hoàn thiện các dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, việc gia hạn không đồng nghĩa là xóa nợ. Các khó khăn vẫn tồn tại ở phía trước. Trong bối cảnh trên, phía VARS đã có một gợi ý một giải pháp cho các doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp phải nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ và hoàn thiện các dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường”, các chuyên gia của hội bình luận.
Trong thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp luôn được gắn liền với cụm từ “áp lực đáo hạn” một cách đầy nặng nề. Dẫu vậy, đây vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả, thể hiện sự năng động của một nền kinh tế , phù hợp với xu hướng phân bổ tài sản vào trái phiếu của nhà đầu tư.
“So với các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Để tiếp thêm dư địa cho thị trường, các doanh nghiệp cần tăng niềm tin cho khách hàng. Đây cũng là mắt xích quan trọng nhất để doanh nghiệp tái cơ cấu nợ”, báo cáo của VARS khẳng định.
Bên cạnh đó, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp), doanh nghiệp cần chủ động trong các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác. Chẳng hạn như quỹ đầu tư bất động sản - REIT, quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản…