Sức ép lạm phát còn tiếp tục kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, từ nay đến cuối năm, nền kinh tế còn nhiều biến động, khiến sức ép lạm phát tiếp tục tăng và kéo dài trong năm 2022.

CPI 4 tháng đầu năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Ông nhận định gì về mức tăng này so với mặt bằng giá thế giới và có dự báo như thế nào về CPI của cả năm 2022?

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Lạm phát đã và đang đe dọa rất nhiều nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn có liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine như EU, Mỹ, Anh..., khi mà lạm phát đã đạt mức cao nhất trong vòng 40 năm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu so sánh với các nước này, thì lạm phát ở Việt Nam hiện nay vẫn “rất ổn”.

Cụ thể, CPI 4 tháng đầu năm nay tăng 2,1%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (4 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 0,89%), nhưng vẫn là mức tăng thấp so với giai đoạn 2017 - 2020 (CPI 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,8% và 4 tháng đầu năm 2020 tăng 4,9%). Mặc dù vậy, từ nay đến cuối năm, nền kinh tế còn nhiều biến động, nên theo tôi, CPI khó giữ được ở mức tăng dưới 4%.

Đó là những biến động nào, thưa ông?

Sau khi được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu giảm được vài lần, nhưng sau đó tăng liên tục.

Trong tháng 4/2021, giá xăng dầu giảm 2 lần và chỉ tăng 1 lần, nhưng CPI vẫn tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2021 do có tới 9/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá.

Giá xăng dầu tăng liên tục trong 3 lần điều chỉnh gần đây chắc chắn tác động rất lớn tới việc kiểm soát CPI. Nhìn vào CPI tháng 4/2021, có thể thấy rất rõ điều này: nhóm giao thông tăng tới 16,59% so với cùng kỳ năm 2021, làm CPI chung tăng 1,6 điểm phần trăm.

Hiện giá bán lẻ xăng E5 đã lên đến 28.950 đồng/lít và xăng RON 95 đã áp sát 30.000 đồng/lít, là sự đe dọa tới việc kiểm soát lạm phát, nhất là đặt trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, EU và các nước phương Tây tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế ngày càng nặng nề với Nga.

Có lẽ, cũng không cần phân tích những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột ở Ukraine lên lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu. Tôi muốn nói thêm về chính sách “zero Covid-19” của Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới, khi công xưởng tạm ngừng hoạt động, ngay lập tức, thị trường sẽ thiếu hàng hóa và giá hàng hóa sẽ tăng lên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường cung cấp nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu đầu vào chủ yếu cho hoạt động sản xuất của nước ta. Đầu vào gặp khó không chỉ khiến giá cả tăng lên, mà còn tác động đến cả tốc độ tăng trưởng kinh tế, khi hoạt động chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng tiêu cực.

Có thể nhận định, sức ép lạm phát tiếp tục tăng và kéo dài trong năm 2022 bởi giá năng lượng, lương thực, thực phẩm tăng cao; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu có thể kéo dài; các chính sách hỗ trợ như giảm thuế, phí… hết hiệu lực dẫn đến giá cả tăng trở lại; sự xuất hiện của các biến chủng virus Corona làm gia tăng mất cân bằng cung - cầu và đẩy giá lên cao…

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, năm 2022, lạm phát ở các nền kinh tế phát triển là 3,9%; ở các nước mới nổi là 5,9% và ở các nước đang phát triển lên tới 9%. Cần lưu ý rằng, sức ép lạm phát này chưa tính đến sự thay đổi khó lường của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trong bối cảnh này, nền kinh tế đang phát triển và có mối quan hệ rất sâu rộng với Trung Quốc như Việt Nam, nếu giữ được lạm phát khoảng 4% đã là thành công rất đáng ghi nhận.

Ở chiều ngược lại, khi Trung Quốc giảm nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam do thực hiện chính sách “zero Covid”, thì hàng hóa ở thị trường nội địa sẽ dồi dào hơn và giá cả sẽ giảm xuống?

Trung Quốc nhập khẩu từ nước ta nhiều loại hàng hóa, nhưng đa số là hàng nông - thủy sản. Khi thị trường này giảm nhập khẩu, hàng nông - thủy sản sẽ dư thừa rất lớn và thị trường trong nước cũng không thể hấp thụ hết lượng hàng hóa này. Điều này rất đáng lo ngại, vì nông sản không xuất khẩu được sẽ tác động tiêu cực tới hàng triệu lao động. Khi người lao động bị giảm thu nhập do hàng hóa không bán được, chắc chắn sẽ giảm sức cầu.

Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 4,3% (sau khi loại trừ yếu tố lạm phát), thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 7,2% của 4 tháng đầu năm 2021. Cầu nội địa được xem là một trong 3 lực đẩy để tăng trưởng kinh tế trong lúc này, nếu cầu yếu, thì khả năng tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% rất khó đạt được.

Quay trở lại vấn đề giá xăng dầu, để kiềm chế đà tăng giá của mặt hàng này, ngoài giảm các loại thuế, phí, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới còn trợ cấp tiền xăng dầu cho người tiêu dùng. Theo ông, Việt Nam có nên sử dụng giải pháp này không?

Có 4 sắc thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu, Việt Nam mới chỉ giảm 50% thuế suất thuế bảo vệ môi trường. Theo tôi, cần nghiên cứu giảm các sắc thuế còn lại như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như nhiều nước đã thực hiện. Còn việc trợ giá cho người tiêu dùng, có lẽ rất khó, vì chưa có tiền lệ.

Tôi cho rằng, giải pháp tối ưu là giảm thuế nhập khẩu (vì dễ thực hiện hơn) và xem xét giảm phí giao thông đường bộ bằng việc kéo dài thời gian hoàn vốn đối với các dự án BOT. Chi phí giao thông giảm sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động khác giảm được chi phí, kéo lùi tốc độ tăng CPI.

Tin bài liên quan